Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Biển Đông : ASEAN đã cứng rắn hơn với Trung Quốc ?

Đăng ngày:

Sau 4 ngày họp, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 và các cuộc họp liên quan đã kết thúc hôm 06/08/2015 tại Kuala Lumpur. Hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo trong ý đồ quân sự hóa khu vực của Bắc Kinh đã nổi lên thành chủ đề tranh cãi căng thẳng, mà biểu hiện rõ nhất là những cuộc đấu khẩu công khai giữa Trung Quốc với Mỹ, Philippines và Nhật Bản.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đồng nhiệm Malaysia Anifah Aman tại hội nghị ASEAN, 06/08/2015.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đồng nhiệm Malaysia Anifah Aman tại hội nghị ASEAN, 06/08/2015. REUTERS/Olivia Harris
Quảng cáo

Ngay trong nội bộ ASEAN, một số dấu hiệu cũng cho thấy là tranh cãi cũng gay gắt không kém, giữa một bên là những nước như Việt Nam hay Philippines, chủ trương là cần gởi tín hiệu mạnh mẽ về phía Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh phải chấm dứt những hành động gây căng thẳng trên Biển Đông, và bên kia là những thành viên cho rằng cần phải mềm mỏng với đối tác số một của Đông Nam Á, tránh để cho vấn đề Biển Đông, vốn chỉ liên quan trực tiếp đến một nửa ASEAN, gây tổn hại cho toàn khối.

Tranh cãi gay gắt về Biển Đông trong nội bộ ASEAN

Theo giới quan sát, sự kiện bản Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN phải mất ba ngày mới được đúc kết xong, và chỉ được chính thức công bố tối 06/08/2015, đã nêu bật tính chất gay go của cuộc tranh cãi.

Trong một động thái khác thường, Ngoại trưởng Singapore Shanmugam, sáng 06/08, đã tiết lộ với báo chí là điểm gây bất đồng giữa các nước trong Hiệp hội Đông Nam Á là Biển Đông, một bất đồng nghiêm trọng tới mức mà vào lúc Ngoại trưởng Singapore phát biểu với báo chí, bản Tuyên bố chung vẫn chưa có, cho dù theo ông Shanmugam, văn kiện này phải sẵn sàng từ hôm trước.

Theo một số nguồn tin ngoại giao, tranh cãi trong hậu trường đã bùng lên giữa Việt Nam, Philippines, muốn ASEAN mạnh mẽ phản đối các hành động xây đảo của Trung Quốc trên Biển Đông, với « những người bạn của Trung Quốc » – bị tình nghi là Cam Bốt và Lào - kiên quyết chống lại.

Tuy nhiên, kịch bản năm 2012 – khi chủ tịch ASEAN là Cam Bốt, vì bênh Trung Quốc, đã sẵn sàng để cho Hội nghị Ngoại trưởng thất bại, không ra được Tuyên bố chung – lần này đã không tái diễn, và vào cuối ngày 06/08, khi Hội nghị Kuala Lumpur bế mạc, Bản Tuyên bố chung gây tranh cãi đã được công bố.

Như thông lệ đối với bất kỳ một giải pháp thỏa hiệp nào, tương tự như một ly nước không đầy, có người nhìn thấy nửa đầy, nhưng cũng có người nhìn thấy nửa vơi, bản Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 tại Kuala Lumpur cũng bị đánh giá theo nhiều cách.

Phản đối hành động của Trung Quốc nhưng không nêu tên

Báo Hồng Kông South China Morning số ghi ngày Chủ nhật 09/08/2015 chẳng hạn, đã nhận định rằng ASEAN đã thất bại trong việc đưa ra lời kêu gọi Trung Quốc ngừng việc quân sự hóa các đảo nhân tạo vừa bồi đắp tại Biển Đông.

Đối với tờ báo này, ASEAN vẫn bị chia rẽ nên đã không biến các lời nói thành hành động cụ thể được, Bản Tuyên bố chung của ASEAN đã tỏ ý đả kích các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng lại không dám nêu đích danh Trung Quốc, và cũng không nói gì đến lời kêu gọi của Philippines, ủng hộ đề nghị của Mỹ đưa ra trước đó là ngừng cải tạo đảo đá, ngừng xây cất cơ sở, ngừng quân sự hóa.

Tuy nhiên, đối với nhiều quan sát viên khác, Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN lần này đã tương đối thành công trong việc bắn đi một tín hiệu cứng rắn hướng về Trung Quốc, vì không chỉ có Philippines, Việt Nam hay Mỹ, Nhật Bản là chỉ trích các hành vi gây căng thẳng của Trung Quốc tại Biển Đông, mà một số nước khác như Úc, Ấn Độ cũng đã tranh thủ diễn đàn ASEAN để bày tỏ thái độ bất đồng tình với các hành động gần đây của Bắc Kinh.

Thậm chí nước chủ nhà Malaysia, bình thường rất kín đáo trong vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, lần này cũng đã công khai bác bỏ đề nghị của Bắc Kinh là không nên đề cập đến vấn đề Biển Đông tại các Hội nghị ASEAN.

Gs Ngô Vĩnh Long : ASEAN cứng rắn hơn với Trung Quốc

Giáo sư Ngô Vĩnh Long, trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ), là một trong những nhà phân tích đánh giá rằng Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần này đã gặt hái được một số thành công trong vấn đề Biển Đông, nhờ vào vai trò tích cực của nước chủ nhà Malaysia, không để bị Trung Quốc hù dọa. Vai trò tích cực của Việt Nam cũng được Giáo sư Long ghi nhận, đối lập với những thái độ của Cam Bốt hay Lào đã bị Trung Quốc “mua chuộc”.

Sau đây, mời quý vị nghe bài phỏng vấn Giáo sư Ngô Vĩnh Long.

13:04

Giáo sư Ngô Vĩnh Long tại Hoa Kỳ

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.