Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Công nghiệp hóa Ấn Độ, ưu tiên của Modi

Đăng ngày:

« Tạo công việc làm, phát triển hạ tầng cơ sở và tăng trưởng » : ba từ khóa trong suốt chiến dịch tranh cử của thủ tướng Modi năm 2014. Tương lai chính trị của ông Narendra Modi tùy thuộc vào thành công hay thất bại trước ba mục tiêu đó. Trong một năm cầm quyền thủ tướng Ấn dồn mọi nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ.

Thủ tướng Ấn Độ Modi tại Dhaka. Hoạt động ngoại giao chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược kinh tế của New Delhi.
Thủ tướng Ấn Độ Modi tại Dhaka. Hoạt động ngoại giao chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược kinh tế của New Delhi. Reuters/Rafiqur Rahman
Quảng cáo

Tháng 4/2015, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế khen tặng Ấn Độ là « một trong những niềm hy vọng của kinh tế toàn cầu » với 7,5 % tăng trưởng. Đây cũng là lần đầu tiên thành tích của Ấn Độ vượt qua Trung Quốc. Thành quả đó có được, vẫn theo IMF, nhờ một loạt các biện pháp cải tổ đã và con đang được nội các của thủ tướng Narendra Modi tiến hành. Từ khi lên cầm quyền vào tháng 5/2014 lãnh đạo đảng BJP huy động mọi nỗ lực – kể cả các nỗ lực ngoại giao- để thúc đẩy đầu tư, động cơ hiệu quả nhất để đem lại tăng trưởng.

Trong hơn 12 tháng cầm quyền, thủ tướng Ấn đã làm những gì ? Những biện pháp cải tổ của nội các Modi trong năm qua có là chìa khóa mở ra tăng trưởng lâu bên cho một nước với gần 1 tỷ dân hay không ? Thủ tướng Ấn Độ đã thực hiện được đến đâu những cam kết cởi trói và hiện đại hóa guồng máy sản xuất của đất nước ?

Tháng 5/2014, kết thúc 5 tuần lễ bầu cử Quốc hội Ấn Độ, Lãnh đạo đảng BJP, Narendra Modi lên cầm quyền. Lần đầu tiên trong ¼ thế kỷ qua, thủ tướng Ấn không cần phải liên minh với bất kỳ một đảng phái chính trị nào để thành lập chính phủ. Khi thành lập nội các ông Modi cam kết tạo 100 triệu công việc làm trong ngành công nghiệp, nâng cao trọng lượng của khu vực này trong cỗ xe kinh tế và nhất là tạo cơ hội cho 12 triệu thanh niên gia nhập thị trường lao động Ấn Độ hàng năm có một chỗ đứng xứng đáng trong vã hội. Đó là những mục tiêu đầy tham vọng.

Với kinh nghiệm điều hành bang Gujarat, lại nổi tiếng là một nhà lãnh đạo có đầu óc thực tiễn, biết lắng nghe các chủ doanh nghiệp, việc ông Modi ngồi vào chiếc ghế thủ tướng tại nền dân chủ lớn nhất của thế giới đã đem lại nhiều hy vọng.

Trong hơn một ông cầm quyền, lạm phát được hạ xuống dưới ngưỡng 5 %. Tỷ lệ tăng trưởng của Ấn Độ đang từ 5,4 % năm 2014 được dự báo là sẽ tăng lên 7,4 % trong năm 2015. Khoảng cách về nhịp độ tăng trưởng giữa Ấn Độ với Trung Quốc được thu hẹp lại. Nhìn đến các biện pháp cụ thể để tạo đà cho kinh tế phát triển, nội các Modi đã đề xuất nhiều biện pháp quan trọng như là quyết định đồng nhất tỷ lệ thuế TVA trên toàn quốc hay mở cửa đón các luồng vốn đầu tư nước ngoài trong rất nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là trong ngành đường sắt, xây dựng và kể cả ngành bảo hiểm, hay trong một địa hạt nhạy cảm như với công nghệ quốc phòng.

Chỉ riêng đối với các tập đoàn sản xuất trang thiết bị quân sự chẳng hạn, New Delhi cho phép các doanh nghiệp ngoại quốc nắm giữ đến 49 % vốn với các công ty liên doanh thay vì 26 % như trước đây.

Coface, công tybảo hiểm xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp Pháp nhìn nhận từ khi lên cầm quyền nội các Modi đã nới lỏng đầu tư, giảm bớt các trở ngại cho khu vực sản xuất để tạo đà cho tăng trưởng. Đồng thời New Delhi cũng đã được hưởng những điều kiện khá thuận lợi đặc biệt là giá dầu, khí và nguyên liệu giảm mạnh trong năm qua.

Dù đã phần nào đạt được mục tiêu tái tạo niềm tin với các nhà đầu tư gốc Ấn và nước ngoài nhưng theo đánh giá của hãng bảo hiểm Coface, quốc gia Nam Á này vẫn còn là một thành trì kiên cố đối với các doanh nhân ngoại quốc. Một năm trời là thời gián quá ngắn ngủi để thủ tướng Modi xóa bỏ tất cả những bất cập của một cỗ xe kinh tế quá đồ sộ.

Một trong những nhược điểm của Ấn Độ được tập đoàn Coface nêu lên là khả năng cạnh tranh của khu vực sản xuất của quốc gia này còn quá yếu kém. Chỉ riêng trên thị trường sắt thép, New Delhi đang có tham vọng xây dựng 30 km cầu đường mỗi ngày để nâng cấp hạ tầng cơ sở. Thế nhưng để phục vụ cho mục tiêu đó thì Ấn Độ lại phải nhập thép của Trung Quốc do giá thành của các công ty quốc nội đắt hơn đến 20 % so với thép nhập từ bên kia dãy núi Himalaya.

Trả lời phỏng vấn trên đài Pháp ngữ RFI giáo sư Isabelle Saint-Mézard, chuyên gia về Nam Á tại Trung tâm nghiên cứu Asia Centre, giảng dậy tại đại học Paris 8 không phủ nhận những nỗ lực của thủ tướng Modi trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ.

« Phải nhìn nhận là thủ tướng Modi có can đảm thực hiện những điều đã hứa và như vừa nói đó là những mục tiêu đầy tham vọng và cần có thời gian đế thi hành. Nhưng theo tôi, có ít nhất những điểm sau đây cử tri Ấn Độ sẽ phê phán ông và việc thành công hay thất bại sẽ mang yếu tố quyết định trong cuộc tuyển cử lần tới. Thứ nhất là thủ tướng Ấn Độ phải giải quyết vấn đề công việc làm cho thanh niên. Mỗi năm có khoảng 12 triệu thanh niên gia nhập thị trường lao động. Trong cuộc tranh cử hồi năm 2014 ứng cử viên của đảng BJP từng cam kết tạo đà cho cỗ máy công nghiệp, đưa đất nước tiến tới một mô hình phát triển theo kiểu của Trung Quốc. Đặc biệt là ông đã phát động chiến dịch ‘Make in India’. Có điều trước mắt chưa có gì cụ thể trên con đường công nghiệp hóa đó. Vả lại trong một năm trời làm sao ông Modi có chiếc đũa thần để xây dựng một mạng lưới công nghiệp cho Ấn Độ. Hơn nữa về mặt chính trị, thủ tướng Ấn cũng đang trong thế kẹt, vì đảng BJP của ông không có đa số ở Thượng viện và do đó bị phe đối lập là đảng Quốc đại gây rất nhiều trở ngại ».

Về phần ông Jean-Luc Racine, phó chủ tịch trung tâm nghiên cứu Á châu Asia Centre, nêu lên những cải tổ từ những biện pháp tầm thường nhất đến những mục tiêu tham vọng nhất như hiện đại hóa cả một guồng máy công nghiệp của Ấn Độ. Theo chuyên gia này, đơn giản là vì ông Modi đang hướng tới mục đích tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai.

« Mục tiêu của thủ tướng Narendra Modi là đắc cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2019. Trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2014 lãnh đạo đảng BJP đã khai thác lá bài kinh tế, với rất nhiều những hứa hẹn, cả về mặt kinh tế lẫn xã hội. Chúng ta đừng quên rằng, ông Modi là người đã muốn cải thiện toàn bộ đời sống cho người dân Ấn, từ những mục tiêu tầm thường nhất, cơ bản nhất đến những hoài bão lớn lao. Tôi muốn nói đến mục tiêu xây dựng nhà vệ sinh cho dân, tạo điều cho người dân được mở tài khoảng ngân hàng … Thế rồi một khi lên cầm quyết thì ông Modi phải hành động để thực hiện những gì đã cam kết. Đối với một quốc gia to lớn như Ấn Độ, thay đổi cục diện cho đất nước không thể thực hiện được trong một sớm một chiều. Nhưng trong tính toán của thủ tướng Narendra Modi thì các mục tiêu chính trị và chiến lược đi đôi với nhau ».

Thủ tướng Ấn (trái) và lãnh đạo Hàn Quốc. Ảnh ngày 18/05/2015.
Thủ tướng Ấn (trái) và lãnh đạo Hàn Quốc. Ảnh ngày 18/05/2015. Reuters

Dùng ngoại giao để phát triển kinh tế

Lãnh đạo đảng BJP, Narendra Modi trong thời gian qua đã đặc biệt sử dụng kênh ngoại giao để cải thiện hình ảnh của Ấn Độ, để thuyết phục các nhà đầu tư ngoại quốc và cả cộng đồng người Ấn sống ở hải ngoại bỏ vốn vào quê hương ông. Khi biết rằng, trong bảng xếp hạng của Ngân Hàng Thế Giới về các địa điểm thuận lợi cho các doanh nhân – Ease of doing Business, thì Ấn Độ bị đẩy xuống hàng thứ 142 trên tổng số 189 quốc gia. New Delhi đề ra mục tiêu trong một thập niên tới Ấn Độ phải trở thành 1 trong số 50 quốc gia dễ vào làm ăn nhất.

Tính tới cuối tháng 7/2015 thủ tướng Ấn Độ đã công du 20 quốc gia, từ những cường quốc như Trung Quốc, Mỹ, Nhật đến những đối tác trung bình, như Pháp, Úc, Canada (và ông đã không quên những nước láng giềng trong khu vực như Bhoutan, Sri Lanka hay kể cả những hòn đảo tí hon trong vùng Ấn Độ Dương) để rao giảng về chiến dịch mang tên « Make in India ». Trước đây chưa một lãnh đạo Ấn Độ nào « chăm chỉ » đi công tác nước ngoài như ông Narendra Modi. Những chuyến công du đó nhằm tô điểm hình ảnh của Ấn Độ với thế giới và kêu gọi quốc tế đầu tư đề vực dậy một nền công nghiệp đang bên bờ vực thẳm.

Chẳng vậy mà khi đến bất cứ nơi nào, thủ tướng Ấn luôn dành thời gian để nói chuyện với các doanh nhân của các nước sở tại. Ông đã gặp riêng lãnh đạo các tập đoàn lớn như Sony, Mitsubishi, Toyota … của Nhật để tìm hiểu về thế giới của các tập đoàn điện tử.

Khi đến Hoa Kỳ, lãnh đạo Ấn Độ dùng ngôn ngữ của các nhà tin học để nói chuyện với các ông chủ của những hãng như IBM, Google … Đến Úc, cũng ông Modi đã nhấn mạnh đến nhu cầu của Ấn Độ về quặng mỏ. Còn với Pháp thì hồ sơ năng lượng hạt nhân dân dụng là chủ đề chính khi thủ tướng Modi hội kiến tổng thống François Hollande. Với Trung Quốc, vừa là một đối tác kinh tế nhưng cũng là một đối thủ đáng gờm của New Delhi, thì ông Modi đã to ra hết sức tinh tế và rất nhã nhặn trong những cuộc tiếp xúc với chủ tịch Tập Cận Bình. Bởi theo như đánh giá của các chuyên gia, Ấn Độ không chủ trương đối đầu, nhưng cũng đủ cứng rắn để đứng ngoài vòng kềm tỏa của Bắc Kinh.

Cộng đồng Ấn Độ ở hải ngoại

Ngoài kênh ngoại giao thủ tướng Narendra Modi còn khai thác chủ bài quan trọng khác ông đang có trong tay : cộng đồng với 27 triệu dân Ấn sống ở hải ngoại. 1 % dân Mỹ là những người gốc Ấn. Trong mắt ông, mỗi người con ít nhiều gắn bó với sông Hằng là một vị sứ giả để văn minh Ấn Độ được tỏa sáng. Nhưng quan trọng không kém là họ có tiềm năng rót vào Ấn Độ đến 70 tỷ đô la.

Giáo sư Isabelle Saint- Mézard nêu lên những lý do cụ thể vì sao họ được thủ tướng Modi trọng vọng :

« Ông Modi đã hết sức chú trọng đến cộng đồng người Ấn sinh sống ở hải ngoại và dành cho họ một chỗ đứng xứng đáng. Chẳng hạn như New Delhi đã tổ chức rất nhiều buổi tiếp tân, đại hội chỉ để dành riêng cho số này vì nhiều lý do. Thứ nhất là vì mục tiêu kinh tế. Cộng đồng Ấn Độ sinh sống ở Bắc Mỹ, châu Âu rất đông và họ là những người thành đạt, giàu có để có đem vốn về đầu tư ở Ấn Độ. Nói cách khác, số này là một con gà đẻ trứng vàng, là những đồng minh có thể giúp ông Modi thực hiện được mục tiêu hiện đại hóa đất nước.

Thứ hai là về mặt chính trị, thì cộng đồng người Ấn ở hải ngoại hầu hết đều có truyền thống bỏ phiếu ủng hộ đảng BJP và cũng chính họ đã tài trợ chiến dịch vận động tranh cử của ông Narendra Modi hồi năm 2014. Yếu tố thứ ba khiến thủ tướng Ấn Độ quan tâm đến những kiều dân Ấn sống ở nước ngoài, do họ vừa là gạch cầu nối giữa Ấn Độ với phần còn lại của thế giới, để văn hóa hay những gì tinh tú nhất của Ấn Độ tỏa sáng ra bên ngoài ».

Nhưng để thu hút được một phần vốn đầu tư của cộng đồng hải ngoại đó thì trước hết New Delhi cần phải nâng cao chất lượng về cơ sở hạ tầng, phải giải quyết được hiện tượng quan liêu trong guồng máy hành chính rườm rà, phải thu hẹp khoảng cách về những bất công xã hội cải thiện đời sống cho 80 triệu con người sống dưới ngưỡng nghèo khó.

Tất cả những yếu kém đó không thể giải quyết trong một hay hai nhiệm kỳ thủ tướng. Chuyên gia về Nam Á, ông Jean- Luc Racine, phó chủ tịch trung tâm nghiên cứu Asia Centre giải thích thêm :

« Thực ra sự yếu kém của ngành công nghiệp Ấn Độ là một vấn đề đã kéo dài từ cả hàng chục năm nay và mọi người đều ý thức được điều ấy. Nhưng không một ai biết phải làm gì để khắc phục nhược điểm đó. Trong nhiều thập kỷ đã có không biết bao nhiêu dự án gọi là để vực dậy nền công nghiệp Ấn Độ nhưng chẳng có dự án nào được thực hiện đến nơi đến chốn. Thủ tướng Modi có lý khi ông tập trung nỗ lực vào việc phát triển mạng lưới công nghiệp của quốc gia này nhưng chắc chắn là ông sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Đặc biệt là trong vấn đề sở hữu đất đai, quyền lợi giữa nông dân với các tập đoàn …

Bên cạnh đó phải công nhận Ấn Độ là địa điểm rất khó để các nhà đầu tư nước ngoài chen chân vào. Ấn Độ không hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Chính vì vậy từ khi lên cầm quyền thủ tướng Narendra Modi đã nỗ lực huy động ngành ngoại giao để phục vụ cho các mục tiêu kinh tế. Có điều, còn quá sớm để phán xét về những thành quả kinh tế của ông. Dù vậy chúng ta có thể khẳng định là những trở ngại về cơ bản của nền kinh tế Ấn Độ vẫn còn đó cho dù chính quyền New Delhi quyết tâm đem lại một làn gió mới cho các hoạt động kinh tế của quốc gia đông dân này ».

Còn đầy rẫy những thách thức chờ đợi thủ tướng Narendra Modi và ngay cả những mục tiêu cơ bản nhất như xây dựng 100 triệu hố xí từ nay cho đến năm 2019 cũng đang gặp phải nhiều trở ngại, chủ yếu là ngân sách. Đương nhiên là cam kết tạo 100 triệu công việc làm trong ngành công nghiệp lại càng đòi hỏi nhiều thời gian và phương tiên hơn. Không dễ đẩy tỷ trọng của nền công nghiệp trong cỗ xe kinh tế của Ấn Độ đang từ 16 % lên thành 25 %.

Thêm vào đó, trên sân khấu chính trị, đảng BJP của ông Modi lại không có đa số ở Thượng viện. Đó là một trở ngại không nhỏ cho công cuộc cải cách đầy tham vọng thủ tướng Ấn đã đề ra. “Thế kỷ 21 là thế kỷ của Ấn Độ” : khẩu hiệu tranh cử dễ nghe nhưng khó thực hiện.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.