Vào nội dung chính
ASEAN - TRUNG QUỐC -BIỂN ĐÔNG

ASEAN : ARF gia tăng áp lực lên Trung Quốc về vụ cải tạo đảo

 Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông là trọng tâm của Hội nghị Ngoại trưởng Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 48 và Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF) mở ra từ ngày 4 đến 6/08/2015 tại Kuala Lumpur. Thủ đô Malaysia kể từ ngày mai là điểm hẹn của ASEAN với các đối tác quan trọng trong vùng Châu Á Thái Bình Dương, từ Mỹ đến Trung Quốc, từ Nhật Bản đến Úc, từ Ấn Độ đến Nga. Mọi người rất chú ý đến sự hiện diện của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị.

Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông là trọng tâm của Hội nghị Ngoại trưởng Hiệp hội Đông Nam Á ( ASEAN) lần thứ 48 và Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF).
Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông là trọng tâm của Hội nghị Ngoại trưởng Hiệp hội Đông Nam Á ( ASEAN) lần thứ 48 và Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF). REUTERS
Quảng cáo

Các hành vi của Trung Quốc tại các vùng có tranh chấp ở Biển Đông, như cải tạo bãi đá, xây đảo nhân tạo, xây dựng trên đó các cơ sở quân sự, nhằm mở rộng quyền kiểm soát một vùng biển, nơi hơn 80 % thương mại của thế giới phải đi qua, đã gây lo ngại cho các quốc gia trong vùng. Các hoạt động của hải quân, không quân Trung Quốc sẽ được mở rộng vì những mục tiêu chiến lược và kinh tế.

Do vậy theo một quan chức cao cấp của bộ Ngoại giao Mỹ, tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông sẽ là « trọng tâm » của ARF lần này : Hiệp hội các nước Đông Nam Á cũng như Hoa Kỳ « quan ngại trước quy mô, tầm mức, nhịp độ và sự can dự của Trung Quốc trong các hoạt động xây dựng » đảo nhân tạo. Vẫn theo quan chức nói trên được hãng thông tấn Pháp AFP trích dẫn, ARF và Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN là cơ hội để các nước Đông Nam Á trực tiếp bày tỏ quan ngại với phía Bắc Kinh về những hành vi mà nhiều quốc gia coi là mang tính khiêu khích.

Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền đối với một số đảo ở Biển Đông. Nhưng Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với gần hết diện tích vùng biển này bất chấp phản đối của các nước láng giềng và quốc tế. Trước mắt Philippines và Việt Nam là hai quốc gia mạnh mẽ lên tiếng phản đối các hành vi lấn chiếm của Trung Quốc. Các thành viên còn lại của ASEAN thận trọng, tránh làm phật lòng Bắc Kinh, một đối tác thương mại lớn của ASEAN.

Tuy nhiên theo giới phân tích, ASEAN đang mất dần kiên nhẫn trước những tuyên bố khẳng định chủ quyền « không thể chối cãi » của Bắc Kinh đối với những vùng biển được cho là có nhiều tiềm năng dầu khí này.

Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman tuyên bố với báo chí là Trung Quốc và ASEAN đang đạt được những tiến bộ về một bộ luật ứng xử tại Biển Đông – COC để tránh xảy ra xung đột. Tuy nhiên giới quan sát ghi nhận những tuyên bố lạc quan của Ngoại trưởng Malaysia, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN, hoàn toàn trái ngược với quan điểm được Ngoại trưởng Philippines đưa ra gần đây.

Phát biểu trước tòa án thường trực Liên Hiệp Quốc tại La Haye ông Albert del Rosario khẳng định trong nhiều năm, Trung Quốc đã tìm mọi cách để phá hỏng mọi cố gắng xây dựng bộ Quy tắc ứng xử COC : « Thái độ không khoan nhượng của Trung Quốc trong 13 năm qua đã khiến bộ Quy tắc ứng xử COC trở thành mục tiêu gần như không thể với tới ». Nhiều nhà nghiên cứu khác đã chia sẻ quan điểm của Manila.

Chuyên gia về Đông Nam Á của đại học Stanford- Hoa Kỳ, Donald Emmmerson, dự báo Bắc Kinh không bao giờ muốn có Bộ quy tắc ứng xử COC. Và cho dù là có phê chuẩn bộ luật đó đi chăng nữa thì trên thực tế Trung Quốc cũng sẽ không tôn trọng, bởi vì văn bản này mang tính ràng buộc và hạn chế tầm hoạt động của Bắc Kinh đối với vùng biển này.

Chuyên gia về Đông Nam Á, Donald Emmerson khuyên các nước ASEAN chớ nên nuôi ảo tưởng về bộ Quy tắc ứng xử COC.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.