Vào nội dung chính
THÁI LAN-BUÔN NGƯỜI

Buôn người : Thái Lan truy tố 72 người, trong đó có một tướng lãnh

Hôm nay 24/07/2015, người phát ngôn cơ quan công tố Thái Lan tuyên bố, 72 người can dự vào các đường dây buôn người qua biên giới với Malaysia, sẽ bị truy tố. Trong số các nghi can, có tướng quân đội Manas Kongpan.

Tướng Manas Kongpan, 58 tuổi, là một trong 72 người bị truy tố vì tội buôn người tại Thái Lan.
Tướng Manas Kongpan, 58 tuổi, là một trong 72 người bị truy tố vì tội buôn người tại Thái Lan. Reuters
Quảng cáo

Trước báo giới tại Bangkok, ông Wanchai Roujanavong - phát ngôn viên cơ quan công tố Thái Lan - nhấn mạnh : « Chúng tôi sẽ không bao giờ để cho những nhân vật có thế lực đứng trên pháp luật ». Đại diện cơ quan công tố khẳng định, vụ án này là một ưu tiên của tư pháp Thái Lan, vì đây là một đường dây lớn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín đất nước. 72 nghi can bị buộc 16 tội danh, trong đó chủ yếu là tội buôn người. Một tòa án tỉnh phía nam Songkhla, nơi nhiều mồ chôn được phát hiện, sẽ bắt đầu xét xử vụ này chậm nhất từ ngày mai.

Cuộc điều tra nhắm vào mạng lưới buôn người của tư pháp Thái Lan được khởi sự hồi tháng 5/2015, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế phẫn nộ trước thảm cảnh của hàng ngàn người di cư từ Miến Điện và Bangladesh bị mắc kẹt trên biển Andaman, vì bị các nước ven bờ từ chối tiếp nhận. Hàng chục hố chôn người được phát hiện trong rừng sâu, dọc biên giới với nước láng giềng phía nam, đã đưa ra ánh sáng nhiều mạng lưới có quy mô lớn đưa người Miến Điện và Bangladesh vượt biên sang Malaysia, với sự hậu thuẫn của nhiều giới chức chính quyền.

Trong số 72 người bị truy tố, chỉ duy nhất có một sĩ quan quân đội, tướng Manas Kongpan. Giới bảo vệ nhân quyền đặt câu hỏi, liệu có thể nào một nhân vật có thế lực như vậy lại hành động đơn độc. Viên tướng nói trên, cùng hàng chục nghi can khác đã bị bắt hồi đầu tháng Sáu. Theo phát ngôn viên cơ quan công tố, không ai được tại ngoại. Hiện tại, tư pháp Thái Lan đang tiếp tục truy lùng 47 nghi phạm khác, chủ yếu là công dân Thái Lan.

Theo các nhà quan sát, việc viên tướng được phong cấp dưới thời tướng Chan-O-Cha lãnh đạo quân đội bị truy tố, gây khó khăn cho lãnh đạo chính quyền quân sự Thái Lan. Tướng Chan-O-Cha từng nhiều lần khẳng định cuộc đảo chính quân sự hồi năm ngoái là nhắm chống lại nạn tham nhũng, tha hóa trầm trọng trong chính quyền dưới thời các chính phủ dân cử.

Trong những năm gần đây, hàng chục nghìn người thuộc sắc tộc Rohingya theo đạo Hồi chạy trốn khỏi Miến Điện vì bị truy bức. Rất nhiều người trong số họ phải chọn đường bộ vượt biên sang Malaysia, thông qua các mạng lưới đưa người bất hợp pháp tại Thái Lan. Tuy nhiên, ngày càng có đông người liều mình vượt biển sang Indonesia hoặc Malaysia.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.