Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - BIỂN ĐÔNG

Biển Đông : Đảo nhân tạo Trung Quốc có thể được dùng để chống Đài Loan

Trung Quốc có thể sử dụng các đảo được bồi đắp ở Biển Đông để ngăn cản Hoa Kỳ ứng cứu Đài Loan trong trường hợp khủng hoảng, đó là dự báo của một chuyên gia cố vấn cho Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ( CSIS) tại hội nghị thường niên lần thứ năm về Biển Đông của CSIS ở Washington trong tuần này.

Đá Chữ Thập mà Trung Quốc đang bồi đắp, chụp từ máy bay trinh sát của Mỹ ngày 21/05/2015.
Đá Chữ Thập mà Trung Quốc đang bồi đắp, chụp từ máy bay trinh sát của Mỹ ngày 21/05/2015. Reuters
Quảng cáo

Nhật báo Taipei Times hôm nay, 24/07/2015 trích lời bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp của CSIS và cũng là một cố vấn cho chính phủ Mỹ về Đông Á, cho biết là Hoa Kỳ rất quan ngại rằng các đảo nói trên sẽ nâng cao khả năng quân sự của Trung Quốc, cụ thể là khả năng chống tiếp cận - chống xâm nhập ( anti-access area-denial ) và triển khai quân nhanh chóng (power projection ).

Theo lời chuyên gia Glaser, điều đó tùy thuộc vào các thiết bị quân sự mà Trung Quốc triển khai trên các đảo nhân tạo. Những thiết bị đó có thể là tên lửa địa đối không, tên lửa hành trình diệt hạm, phi cơ có người lái và phi cơ tự động.

Bà Glaser cho rằng mục tiêu đầu tiên của Trung Quốc khi xây các đảo nhân tạo là nhằm xác quyết chủ quyền của họ ở Biển Đông, nhưng các hình ảnh vệ tinh cho thấy trên các đảo này có rất nhiều công trình xây dựng có thể được sử dụng vào mục đích quân sự. Các công trình đó bao gồm các cảng, một phi đạo dài đến 3000 mét trên Đá Chữ Thập ( Fiery Cross Reef ), các radar và các cơ sở khác, nói chung là những công trình sẽ giúp Trung Quốc mở rộng sự hiện diện trên biển ở khu vực này.

Các phi đạo trên các đảo nhân tạo có thể được sử dụng cho việc tiếp tế nhiên liệu, và như vậy có thể mở rộng đáng kể tầm hoạt động của các phi cơ Trung Quốc. Như vậy, theo chuyên gia Glaser, Trung Quốc có khả năng đe dọa lực lượng Mỹ ở một khoảng cách xa hơn hiện nay. Nói cách khác, khả năng hoạt động của quân đội Mỹ trong vùng có thể sẽ bị giới hạn, trong trường hợp Hoa Kỳ muốn đến bảo vệ Đài Loan khi xảy ra khủng hoảng với Trung Quốc.

Theo lời bà Glaser, Trung Quốc hiện có 8 tàu tuần duyên hoạt động ở Biển Đông và có khả năng còn hạn chế về hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát. Nhưng khả năng này sẽ được nâng cao đáng kể với việc sử dụng các cơ sở trên các đảo nhân tạo, như các hệ thống kiểm soát và báo động sớm máy bay.

Bắc Kinh cũng có thể sẽ thiết lập ở Biển Đông một vùng nhận dạng phòng không, tương tự như vùng đã được thiết lập ở biển Hoa Đông vào năm 2013. Theo lời chuyên gia Glaser, để có thể giám sát và bảo đảm việc thực thi vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, Trung Quốc cần phải có hơn một phi đạo. Hiện giờ Trung Quốc đã có một phi đạo trên quần đảo Hoàng Sa và sắp tới đây sẽ có một phi đạo ở Đá Chữ Thập, Trường Sa. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy là trên Đá Su Bi ( Suni Reef ), Trung Quốc cũng có thể xây một phi đạo khác.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.