Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Cục diện Trung Đông sau thỏa thuận hạt nhân Iran

Đăng ngày:

Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và sáu cường quốc vừa được ký kết ngày 14/07/2015, sau 12 năm đàm phán cam go, được hầu hết cộng đồng quốc tế hoan nghênh như một biến cố « lịch sử ». Thỏa thuận này dự kiến sẽ có tác động thế nào đến khu vực Trung Đông, đang khắp nơi vang tiếng súng ?

Các trận tuyến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Trung Cận Đông. Ảnh chụp màn hình một chương trình giới thiệu của Le Monde.
Các trận tuyến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Trung Cận Đông. Ảnh chụp màn hình một chương trình giới thiệu của Le Monde.
Quảng cáo

Nhiều người cho rằng thỏa thuận vừa đạt được sẽ cho phép thế giới, trước hết là khu vực Trung Cận Đông, bớt đi một căng thẳng kéo dài, « đẩy lùi nguy cơ can thiệp quân sự vào Iran, với những hậu quả khó lường tại vùng Vịnh nhiều bất ổn » (xem thêm bài phân tích của RFI, « Thỏa thuận hạt nhân Iran : Thắng lợi ngoại giao của Obama »). Thỏa thuận cũng để ngỏ cánh cửa cho phép quốc tế rảnh tay tập trung đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo, đang mở rộng ảnh hưởng ra ngoài Irak và Syria (xem tin RFI « Lục cường và Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân»). Tuy nhiên, bên cạnh mong đợi lạc quan với « sự trở lại của Iran trên trường quốc tế », nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại về triển vọng của mối quan hệ giữa Iran với Hoa Kỳ, cũng như giữa Teheran với cường quốc khu vực Ả Rập Xê Út, chưa nói đến quan hệ thù địch lâu dài với Israel. Một thỏa thuận hạt nhân vừa được ký kết dường như không hề bảo đảm một tương lai bình ổn hơn cho khu vực.

Chương trình Tạp chí Tiêu điểm thời sự tuần này của RFI về chủ đề « Cục diện Trung Đông sau thỏa thuận hạt nhân Iran » xin giới thiệu với quý vị tiếng nói của một số chuyên gia.

Tham vọng Iran : Nỗi lo cân bằng khu vực đảo lộn

Trả lời phỏng vấn đài France 24 (ngày 17/07/2015), ông François Heisbourg, chủ tịch Viện nghiên cứu chiến lược IISS, có trụ sở tại Luân Đôn, cảnh giác : « các tham vọng khu vực của Iran không biến mất, chúng tồn tại độc lập với hồ sơ hạt nhân. Sự đối đầu giữa Iran với đối thủ chính Ả Rập Xê Út cũng sẽ không mất đi, những ai hy vọng sẽ có một cục diện khu vực mới, rất có khả năng sẽ thất vọng ». Trong cuộc phỏng vấn với báo Ouest-France, được đăng tải ngày 17/07/2015, nhà nghiên cứu François Heigbourg dự báo : « Iran sẽ tiếp tục duy trì quyền thống trị của mình tại Irak, tiếp tục mối liên minh với Syria, bất chấp ai nắm quyền tại Damas, và duy trì được một cánh cửa nhìn ra Địa Trung Hải, cũng như Israel thông qua Hezbollah. Việc Iran có thêm tiền, nhờ cấm vận được dỡ bỏ sẽ làm tăng khả năng hỗ trợ của Teheran đối với các lực lượng dân quân địa phương ».

Sau thỏa thuận hạt nhân Iran, nhiều khả năng cuộc nội chiến dai dẳng tại Syria chỉ có thể tìm được giải pháp chính trị, nếu có sự can thiệp của Nga. Bài « Nước Nga, Hoa Kỳ và Assad thống nhất lại được nhờ Iran » của tờ báo Nga Nezavissimaia gazeta nhận định : « đây là lần đầu tiên mà chính sách của Hoa Kỳ tại Trung Đông đi ngược lại lợi ích của các đồng minh chủ chốt trong khu vực : Israel và Ả Rập Xê Út… Các nước Ả Rập trong vùng sẽ phân đôi, một bên ủng hộ Iran theo hệ phái Shia, và bên kia đứng về phía Ả Rập Xê Út, theo hệ phái Sunni ».

Trong chương trình tạp chí Géopolitique, le débat của RFI (với chủ đề «Arabie saoudite/Iran : jusqu'où? /Ả Rập Xê Út/Iran : đi về đâu ?»), nhà nghiên cứu Francois Gere, chủ tịch sáng lập Viện Institut Français d’Analyse Stratégique (IFAS) đưa ra nhận xét như sau (vào thời điểm Iran và nhóm 5+1 vừa ký kết thỏa thuận khung) :

« Tình hình hiện tại không cho phép tin tưởng vào một viễn cảnh hòa dịu nhanh chóng. Nếu chúng ta nhìn vào việc Hoa Kỳ gia tăng cung cấp vũ khí cho Ả Rập Xê Út, chúng ta có thể thấy một xu thế quân sự hóa xung đột. Điều thứ hai, chúng ta thấy là không có mối liên hệ giữa thỏa thuận hạt nhân với các vấn đề của khu vực. Trong ba tháng tới, khi thỏa thuận hạt nhân được khẳng định chắc chắn, ổn định và được thực thi, liệu chúng ta sẽ chuyển sang các thảo luận về tình hình tại Syria, Irak, về cuộc chiến chống lại IS, về các hợp tác ? Trong hiện tại, chúng ta chưa đi đến chỗ này. Thêm vào đó, vấn đề Yemen làm xấu đi thêm viễn cảnh về một sự hợp tác Mỹ-Iran về các hồ sơ, mà trong hiện tại quan điểm của các bên là hoàn toàn đối lập, đặc biệt về Syria ».

Theo rất nhiều nhà quan sát, Iran không hề muốn bỏ rơi đồng minh Syria Bachar al-Assad, trong khi đó phía Mỹ và Phương Tây nói chung rất khó lòng chấp nhận thương thuyết với kẻ bị coi là độc tài đẫm máu, chống lại người dân Syria. Cho đến nay, chính quyền Hoa Kỳ vẫn liệt vào danh sách khủng bố một số tổ chức vũ trang thân Iran, như Hezbollah của Liban hay Hamas Palestine (xem thêm phần RFI phỏng vấn chuyên gia Pháp Camille Grand: "l’Iran a plus d’influence en Irak que les américains et plus d’influence en Syrie que les Russes"/"Iran nhiều ảnh hưởng tại Irak hơn Mỹ, nhiều ảnh hưởng ở Syria hơn Nga", Chương trình Khách mời buổi sáng). 

Nguy cơ Iran có thể bị phóng đại ?

Trong cuộc trả lời phỏng vấn RFI trong chương trình «Invité de la mi-journée » (ngày 29/03/2015), (với tựa đề Iran: «On est à une étape décisive»/Iran: "Chúng ta đang ở trong một giai đoạn quyết định") ít hôm trước khi thỏa thuận khung được ký kết, chuyên gia về Iran Bernard Hourcade, giám đốc nghiên cứu danh dự của CNRS, có một cái nhìn khác :

« Chúng ta nói đến Hezbollah. Đây là thành công thực sự quan trọng duy nhất của Iran. Ngay cả ở Yemen, hay Bahrein, Iran chỉ có một vai trò nhỏ và ở bên lề. Khi hiện tượng “mùa xuân Ả Rập” bắt đầu xuất hiện tại Damas, Teheran ngay lập tức thấy được ảnh hưởng của phong trào thánh chiến do Bahrein, Qatar hay Ả Rập Xê Út ủng hộ. Iran hiển nhiên không mong muốn Damas, đồng minh truyền thống của mình từ 35 năm nay, rơi vào tay Ả Rập Xê Út. Chính ảnh hưởng trên thực tế, hết sức lớn của các nền quân chủ dầu mỏ mà Iran buộc phải phản ứng. Tình hình tương tự tại Yemen, hay những nơi khác. Chúng ta hãy tưởng tượng, nếu thỏa thuận hạt nhân này không đạt được, thì các cuộc chiến mang tính ủy nhiệm như vậy sẽ còn tiếp tục gia tăng đến đâu tại Afghanistan, tại Ai Cập hay khắp mọi nơi trên thế giới ? ».

Cũng theo quan điểm không nên phóng đại mối đe dọa của Iran, đặc biệt trong tương quan với nguy cơ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo hiện nay, nhà nghiên cứu Clément Therme (EHESS), lý giải :

« Tôi không nghĩ rằng Iran có ý đồ thiết lập một đế chế trên nền các quốc gia đang tan rã, như các nước Ả Rập hiện nay, như những tình trạng hỗn loạn tại Yemen, tại Syria. Tình hình tại Liban vẫn rất mong manh. Nếu Teheran có ý đồ ấy, thì đây sẽ là một đế chế rất mong manh, dựng trên nền cát. Iran tất nhiên có thể có vai trò là kẻ gây bất ổn, đặc biệt là tại Syria, nhưng còn ở Irak, can thiệp của Iran được công luận ủng hộ, bởi nỗi sợ tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Đó là mối đe dọa lớn nhất ở Trung Đông, chứ không phải Iran.

Đối với Teheran, thách thức là bảo vệ được đường biên giới với Irak, khỏi Daesch, thậm chí cả từ phía Afghanistan. Mối đe dọa lớn của Iran là Daesch liên kết, mở rộng sang phía Afghanistan. Nếu trường hợp này xảy ra, Teheran sẽ bị tấn công từ hai mặt trận. Chính vì vậy, Teheran đã nối lại quan hệ với Taliban, một kẻ thù lịch sử. Như vậy, do đe dọa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, chúng ta chứng kiến có một sự tái lập quan hệ giữa các cựu thù, thậm chí giữa các nhóm phái Sunni cực đoan như Taliban với Iran, theo hệ phái Shia ».

(Tọa đàm do chương trình Débat du jour của RFI tổ chức, ngày 29/06/2015, với chủ đề « Chiites / Sunnites : fracture religieuse ou lutte de pouvoir ?/ Shia/Sunni: chia rẽ tôn giáo hay đấu tranh quyền lực?» ). Clément Therm là tác giả cuốn « Les relations entre Téhéran et Moscou depuis 1979 » (Các quan hệ giữa Teheran và Matxcơva từ 1979).

Trục Israel-Ả Rập Xê Út trước viễn cảnh liên kết Mỹ-Iran

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo là mối đe dọa chung đối với các quốc gia khu vực và cộng đồng quốc tế. Theo nhiều nhà quan sát, giữa quân đội Hoa Kỳ và Iran trên thực tế đã có một số liên kết trên thực địa để chống lại IS, nhưng hai bên đều không muốn công khai vấn đề này. Washington rất cần đến sự góp phần của Iran, như lời giáo sư chính trị học Azadeh Kian, đại học Paris VII – Diderot (Tạp chí Décryptage : "L’Iran, allié objectif des Etats-Unis contre l’Etat islamique ?/Iran, đồng minh khách quan của Hoa Kỳ chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo):

« Các bên có cùng một lợi ích. Không nên quên là, nước Mỹ cũng hết sức cần Iran, bởi vì Obama không thể đưa quân trực tiếp tham chiến trên đất Irak. Chúng ta thấy lực lượng vệ binh Cộng hòa của Iran, tuy không đông, nhưng đảm nhiệm các công việc chỉ huy. Người Mỹ cần đến sự có mặt của Iran tại Irak. »

Bên cạnh Irak, theo nhiều nhà quan sát, khó thể tưởng tượng được một giải pháp chính trị tại Syria, mà không có sự tham gia của Iran, tuy nhiên một liên minh như vậy, nếu có thể xuất hiện ngay lập tức sẽ gặp phải sự kháng cự của hai cường quốc khu vực (bài « Liệu có thể có một liên minh với Iran chống IS ? », Le Huffington Post, ngày 20/07/2015, cho biết kể từ một năm nay, hai cựu thù Israel và Ả Rập Xê Út đã bắt đầu đàm phán bí mật để tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng lớn của Iran).

Còn ông Eytan Gilboa, giáo sư chính trị học đại học Bar-Ilan, Israel, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Israel, dự báo thỏa thuận hạt nhân vừa qua sẽ khiến chạy đua vũ trang khu vực gia tăng (theo AFP, ngày 21/07). Trong thời gian gần đây, chưa cần thỏa thuận ký kết, hai phe đang nỗ lực gia tăng chi phí quân sự (Xem thêm bài «Hiệp định hạt nhân Iran làm xáo trộn cân bằng tại Trung Đông », điểm báo RFI, ngày 16/07/2015).

Nhiều khả năng phe cực đoan Iran trỗi dậy

Thỏa thuận hạt nhân Iran không chỉ làm thay đổi thế tương quan lực lượng giữa các quốc gia trong khu vực mà đồng thời mở ra một bối cảnh mới, rất nhiều khả năng các lực lượng bảo thủ, cực đoan tại Iran sẽ trỗi dậy. Trong bài phỏng vấn nói trên với RFI, chuyên gia về Iran Bernard Hourcade dự báo : « Nếu có một thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran, trên bình diện đối nội, đó sẽ là sự chiến thắng của sự đồng thuận tại Iran, giữa cánh hữu, cánh tả và cánh trung, trong đó nhân vật trung tâm là Tổng thống Hassan Rohani. Một thỏa thuận sẽ cho phép Iran thoát khỏi ngõ cụt và tránh cho quốc gia này rơi vào hỗn loạn ». Nhưng vẫn theo nhà nghiên cứu Bernard Hourcade, trong một bài viết được công bố ngay hôm thỏa thuận được ký kết hôm 14/07 (« Thỏa thuận hạt nhân Iran : chìa khóa để mở cánh cửa nào ? »), « bị thua trong trận chiến mở cửa ngoại giao với Hoa Kỳ (của Tổng thống Rohani), các nhóm cực đoan và bảo thủ tôn giáo sẽ trở nên tích cực hơn và cứng rắn hơn trong các lĩnh vực văn hóa và nhân quyền, lợi dụng không khí phấn khởi và sự im lặng do làn sóng đô la tràn ngập và các hợp đồng kinh tế quốc tế ». Theo Bernard Hourcade, « về trung hạn và dài hạn, việc cánh cửa Iran mở ra (sau thỏa thuận) sẽ đi theo hướng ôn hòa trong mọi lĩnh vực, nhưng trước mắt, chắc chắn xung đột sẽ quyết liệt ».

Để có thể dự báo được tương lai, hiểu rõ những sức nặng của quá khứ là cần thiết. Theo chuyên gia Iran Bernard Hourcade, sự đối đầu giữa hai "hệ thống chính trị" - một Iran hậu cách mạng Hồi giáo, và một Ả Rập Xê Út, quốc gia dầu mỏ mới phất lên từ hơn 30 năm nay – là một đặc điểm địa chính trị nền tảng của khu vực. Đây là một tương quan có thể bị nhiều quan hệ khác che lấp.

« Độ phức tạp là hết sức lớn. Quan hệ giữa hai hệ phái Sunni và Shia, trên bình diện văn hóa, truyền thông, là một khía cạnh. Nhưng có một điều căn bản hơn, đó là mối quan hệ giữa hai Nhà nước, hai hệ thống chính trị, chứ không đơn thuần chỉ là tôn giáo : giữa Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, một bên, và bên kia là các nền quân chủ dầu mỏ. Có thể thấy, từ 35 năm nay, nổi lên hai cường quốc khu vực chủ chốt. Trường hợp của Iran là thể chế Cộng hòa, thay thế nền quân chủ, đây là điều mới. Mặt khác, các nền quân chủ dầu mỏ mới chỉ xuất hiện cách nay 35 năm. Dubai, Abou Dabi, ngay cả Ả Rập Xê Út 35 năm về trước cũng không có được tầm cỡ như hiện nay.

Ở đây, chúng ta có hai hệ thống chính trị, hai quan điểm, hai lịch sử. Tôi cho rằng, đây là một thực tế mang ý nghĩa toàn thể. Cho dù, vấn đề hệ phái Sunni hay Shia có thể là một yếu tố quan trọng, hay vấn đề sắc tộc Ả Rập hay Ba Tư, cũng có thể nhiều khi được khẳng định là quan trọng ».

Khủng bố thánh chiến : Trách nhiệm Phương Tây và vai trò Ả Rập

Ngược dòng lịch sử, Bernard Hourcade chỉ ra những nghịch lý dẫn đến sự ra đời của các phong trào khủng bố đương đại, khi những dung dưỡng của Phương Tây đối với các nền quân chủ vùng Vịnh theo hệ phái Sunni, gián tiếp để lại những hệ quả ngoài tưởng tượng. Cùng lúc đó là sự cô lập của Iran với thế giới bên ngoài.

« Cần thấy rằng, cuộc cách mạng Hồi giáo 1979 đã gây ra một cú sốc rất lớn. Vua Iran trước đây là một thành lũy chống cộng chủ yếu, một đồng minh chủ yếu của Hoa Kỳ tại khu vực. Nền quân chủ đã tan vỡ, gần như không hề kháng cự. Mối đe dọa Iran trong suốt 35 năm, cho đến tận hiện nay, vẫn được coi là hết sức lớn, đặc biệt theo quan điểm của Israel.

Tuy nhiên, có một điều ngược lại là, trong những năm này, hệ phái Hồi giáo wahabit và các mạng lưới Sunni triệt để được Phương Tây ưu ái với vai trò trong cuộc chiến tại Afghanistan chống chế độ cộng sản. Nói một cách khác, có một sự hậu thuẫn đối với một thứ Hồi giáo mang tính bảo thủ của Ả Rập Xê Út, được coi là “tốt”, trong vòng 35 năm. Các mạng lưới này đã phát triển một loạt các hệ thống trường học tại Châu Phi, phía nam Sahara, và cả tại Châu Á hoặc các nơi khác.

Nói cách khác, người Iran nhận thấy rằng, sau 35 năm nước này bị gạt ra bên lề hệ thống, bên hưởng lợi là các nền quân chủ dầu mỏ vùng Vịnh. Chủ nghĩa tôn giáo cực đoan của trường phái wahabit đã biến thành các lực lượng thánh chiến, thành Al-Qaida, thành tổ chức Nhà nước Hồi giáo hiện nay. Các quốc gia quân chủ dầu mỏ này không còn kiểm soát được người của mình. Trong thời gian gần đây người ta nói nhiều đến “đế quốc Iran” – điều này không hoàn toàn sai. Tuy nhiên, vào thời điểm Iran tìm lại được vị trí trên trường quốc tế, có thể thấy một phần lớn thành phần các thế lực khủng bố quốc tế có nguồn gốc Ả Rập Xê Út, hay được các lực lượng theo hệ phái Sunni cực đoan, thân cận với Ả Rập Xê Út, hậu thuẫn. Iran nhận thấy khu vực không còn thuộc về họ nữa. Vào thời quân chủ trước cách mạng, Iran từng thống trị khu vực. Còn giờ đây, khi quay trở lại hội nhập quốc tế, Teheran nhận ra mình đã chậm chân, và thiếu đủ thứ.

Ngoài vấn đề khủng bố, lĩnh vực kinh tế được nói ít. Xét về mặt này, thủ đô kinh tế hiện nay của Iran chính là Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập). Iran nhận ra là đã bị chậm mất 35 năm, bị lỡ mất cuộc toàn cầu hóa, Teheran đang cố gắng tăng tốc để tìm ra một lối thoát. Trong vấn đề hạt nhân, có chiếc chìa khóa để giải quyết những vấn đề này ».

Then chốt : Ả Rập Xê Út và Iran chung sống hòa bình

Sau thỏa thuận hạt nhân Iran, khả năng đoàn kết trong khu vực trước hiểm họa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo gia tăng hay mất đi một phần chủ yếu phụ thuộc vào mối quan hệ giữa hai quốc gia trụ cột : Ả Rập Xê Út và Iran. Sự trở lại của Iran với một vai trò quan trọng hơn trong khu vực liệu có đi kèm với sự thức tỉnh hòa bình của Ả Rập Xê Út ? Xin dẫn lời của nhà nghiên cứu Bernard Hourcade trong cuộc trả lời phỏng vấn RFI như một lời tạm kết :

« Chúng ta từng cho rằng các nền quân chủ dầu mỏ và các ảnh hưởng của họ, cùng với sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại khu vực cho phép ổn định tình hình. Sau khi Hoa Kỳ rút một phần khỏi khu vực, sau các thất bại tại Afghanistan và Irak - cần phải thừa nhận đó là thất bại - khu vực này cần một sự cân bằng. Vấn đề bây giờ là làm thế nào hai quốc gia, hai thế lực lớn của khu vực, Iran và Ả Rập Xê Út, có thể tìm được cách để hiểu nhau – cho dù giữa họ có hàng nghìn bất đồng – để tham gia vào việc ổn định một khu vực, chứa đựng nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt chủ yếu của thế giới, như chúng ta biết ».

Một thử thách lớn đầu tiên cho khả năng cải thiện quan hệ khu vực sẽ là Irak. Một Irak thống nhất, với sự chung sống hòa bình giữa các cộng đồng Sunni, Shia và Kurdistan, sẽ là cơ sở để giải quyết vấn đề tổ chức Nhà nước Hồi giáo, mang lại cơ hội hòa bình cho Trung Đông, và rộng hơn nữa. Một số diễn biến gần đây có vẻ mang lại các tín hiệu cho phép lạc quan. Giữa tháng 6/2015 vừa qua, lần đầu tiên Ả Rập Xê Út và Iran chấp nhận đối thoại trong vấn đề Yemen. Cuối tháng 5/2015, Thủ tướng Irak có một tuyên bố bất ngờ, không muốn nước mình bị mắc kẹt trong thế đối đầu Iran-Ả Rập Xê Út.

Tin bài liên quan

Quốc hội Mỹ có thể chặn thỏa thuận hạt nhân với Iran

Thỏa thuận hạt nhân Iran: Thắng lợi ngoại giao của Obama

Lục cường và Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân

Tin cậy : yếu tố cốt lõi thiếu vắng trong thỏa thuận hạt nhân Iran

Áp lực ký kết thỏa thuận về hạt nhân Iran ngày càng lớn

Đàm phán hạt nhân Iran trong thế trận Trung Đông

Iran không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Irak mà không thông qua Mỹ

Iran tấn công khủng bố tại Irak để bảo vệ ảnh hưởng trong khu vực

Iran đơn độc chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo

Nhà nước Hồi giáo mất đà nhưng không lui bước

Nhà nước Hồi giáo : giờ thất bại đã điểm

Iran phủ nhận việc quân đội tham chiến tại Syria

Iran sẵn sàng hợp tác với Mỹ giúp Irak
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.