Vào nội dung chính
DU LỊCH - VĂN HÓA

10 điểm du lịch châu Á yêu chuộng nhất của dân Pháp

Trong số các nước châu Á, Thái Lan vẫn là điểm du lịch yêu chuộng hàng đầu của dân Pháp. Đó là kết quả cuộc khảo sát gần đây nhất của Hiệp hội Du lịch châu Á Thái Bình Dương (Pacific Asia Travel Association).

Quảng cáo

Nếu tính đơn thuần theo các số liệu của các hãng hàng không, thì trong nửa đầu năm 2015, Thái Lan chiếm đến 22% các chuyến bay khởi hành từ Pháp. Nói như vậy có nghĩa là cứ trên 5 chuyến bay cất cánh từ Paris sang châu Á, là có một chuyến hạ cánh xuống hai phi trường Bangkok và Phuket.

Dựa vào nghiên cứu của công ty ForwardKeys chuyên thu thập các thông tin thị trường, cuộc khảo sát của Hiệp hội Du lịch châu Á Thái Bình Dương cho thấy lượng khách quốc tế đi du lịch tại châu Á vẫn ở một mức ổn định, có phần tăng trong 4 tháng đầu năm, nhưng lại giảm trong những tháng sau đó.

Riêng về lượng du khách Pháp, thì số người Pháp đi châu Á tuy có tăng, nhưng rất ít, chỉ ở mức 0,7%. Mức tăng cũng thường là vào mùa đông trong ba tháng đầu năm 2015, nhưng đến những tháng hè thì lại giảm, do mùa hè lại là mùa mưa tại châu Á. Đồng euro tuột giá cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho người Pháp phải đắn đo suy nghĩ trước khi đi chơi xa, nhất là ở các nước nằm ngoài vùng có sử dụng đồng euro.

Nếu tính theo tổng số khách quốc tế đi du lịch ở châu Á thì Malaysia, Thái Lan và Hồng Kông vẫn về đầu, tỷ lệ chênh lệch và thứ hạng không có gì thay đổi nhiều cho lắm so với năm trước. Còn Việt Nam, với 7,87 triệu khách quốc tế trong năm 2014, đứng hàng thứ 9 ở châu Á, dựa theo số liệu của Hiệp hội Du lịch châu Á Thái Bình Dương (PATA).

Nếu chỉ tính đơn thuần về lượng du khách từ Pháp bay sang châu Á, Việt Nam đứng hạng tư, sau ba nước Thái Lan, Trung Quốc và Ấn Độ. Tính trung bình, hàng năm có khoảng 530.000 ngàn khách Pháp đến Thái Lan (chủ yếu là bằng đường hàng không), tức cao gấp đôi số khách Pháp đi Hồng Kông cũng như đi Việt Nam, cao gấp ba lần số dân Pháp đến thăm Indonesia, Malaysia, Singapore và Nhật Bản. Tuy nhiên, thị trường Thái Lan đối với du khách Pháp đang ở trong mức bão hoà, có dao động hay chênh lệch, thì vẫn ở trong một mức nhỏ.

Trong khi đó, điều đáng chú ý hơn cả trên bảng xếp hạng này là sự phát triển khá ngoạn mục của hai nước Miến Điện và Sri Lanka. Quá trình hội nhập thế giới của Miến Điện, cộng thêm với việc tạo điều kiện thuận lợi để tiếp đón du khách quốc tế có thể giải thích vì sao lượng khách Pháp đi thăm Miến Điện đã tăng thêm 52%, mức tăng mạnh nhất trong năm qua.

Một thị trường khác đầy tiềm năng hấp dẫn đối với các công ty lữ hành Pháp là Sri Lanka, tăng thêm 24 % chỉ trong một năm, phần lớn cũng vì hãng hàng không Sri Lankan vừa lập đường bay trực tiếp nối liền Paris với Colombo.

Một điểm bất ngờ khác nữa là sự khởi sắc ngoạn mục của Nhật Bản và Philippines : lượng khách Pháp đi Nhật tăng thêm 9%, phần lớn nhờ đợt khuyến mãi hấp dẫn của hai ngành hàng không và du lịch nhắm vào dân Pháp nói riêng, dân châu Âu nói chung. Lượng khách Pháp đi du lịch ở Philippines cũng tăng thêm khoảng 14% mỗi năm, trong vòng hai năm liền, thành quả này phần lớn nhờ vào nỗ lực quảng bá du lịch và văn hóa sau khi có cuộc triển lãm đồ sộ về nghệ thuật Philippines tại Viện bảo tàng nghệ thuật nguyên thủy Quai Branly ở thủ đô Paris vào giữa năm 2013.

Ngược lại, tình hình chính trị bất ổn và xáo trộn ở Hồng Kông đã khiến cho lượng du khách Pháp đến thăm vùng đất này bị giảm tới 6%. Macau cũng bị vạ lây, do khách Pháp thường kết hợp các chuyến đi thăm cùng lúc hai điểm du lịch Hồng Kông với Macau. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Du lịch châu Á Thái Bình Dương (Pacific Asia Travel Association /PATA), tình hình hiện giờ cũng không mấy khả quan hơn.

Số lượng đặt vé máy bay cũng như đặt phòng khách sạn ở Hồng Kông tiếp tục giảm cho tới tháng 9 năm 2015. Điều đó có thẻ giải thích vì sao trong mùa hè này các tập đoàn khách sạn lớn như như Hilton, Marriott, Sheraton, Accor, Carlsson …. đều đã lần lượt tung ra những đợt khuyến mãi bán phá giá với mức mềm chưa từng thấy.

Riêng về trường hợp của Việt Nam, nếu tính gộp sáu tháng đầu năm 2015, lượng khách quốc tế đến Việt Nam được ước tính là 3,8 triệu lượt người, giảm 11,3% so với cùng thời kỳ năm trước, theo số liệu của Tổng cục thống kê. Ngoại trừ ba nước Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, du khách đến từ hầu hết các quốc gia khác ở vùng châu Á Thái Bình Dương kể cả nước Úc, đều có phần giảm sút, so với cùng thời kỳ 6 tháng đầu năm 2014.

Đối với thị trường Âu Mỹ, du khách đến từ Hoa Kỳ, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Phần Lan có phần tăng thêm một chút, trong khi khách đến từ Canada, Nga và các nước châu Âu khác kể cả khách Pháp đều giảm sút. Sự kiện Việt Nam ban hành quyết định miễn visa nhập cảnh 15 ngày cho kiều dân 5 nước Châu Âu là Anh, Pháp, Đức, Ý, và Tây Ban Nha …. hy vọng tạo thêm một luồng dưỡng khí cho ngành du lịch Việt Nam. Việt Nam cũng đã từng miễn visa nhập cảnh cho 7 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Nga, và 9 quốc gia trong khối ASEAN.

Các công ty lữ hành ở Việt Nam đều đã đánh giá tích cực quyết định của Việt Nam miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 5 nước Châu Âu trong vòng một năm, kể từ đầu tháng 7 năm 2015, nhưng biện pháp này nên chăng cần được mở rộng để tăng thêm sức cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Cho tới nay, Thái Lan, Malaysia Singapore đều có chính sách miễn visa cho du khách đến từ nhiều nước trên thế giới, trong thời hạn 30 ngày.

Cũng theo Tổng cục thống kê, trong vài năm gần đây, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn thấp so với một số quốc gia trong khu vực châu Á. Với 7,8 triệu lượt khách trong năm 2014, Việt Nam đứng sau Malaysia (27,4 triệu), Thái Lan (24,8 triệu), Singapore (15,1 triệu) Indonesia (9,4 triệu) ….

Dựa theo kết quả điều tra vào năm 2013, có tới 68,5%  tổng số du khách quốc tế đánh giá Việt Nam là điểm du lịch hấp dẫn, có nhiều phong cảnh đẹp. Nhưng chỉ có 40% (39,2 %) du khách hài lòng về chất lượng dịch vụ cũng như cung cách phục vụ. Với 3,8 triệu lượt khách quốc tế đến thăm Việt Nam trong sáu tháng đầu năm nay, liệu biện pháp miễn visa có đủ để khôi phục ngành du lịch ? Việt Nam còn khoảng 6 tháng nữa để đạt chỉ tiêu tiếp đón 8,3 triệu lượt du khách quốc tế trong năm 2015.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.