Vào nội dung chính
PHILIPPINES

Philippines tăng 25% chi phí quốc phòng chủ yếu để chống Trung Quốc

Bị Trung Quốc chèn ép tại Biển Đông, Philippines quyết định gia tăng đáng kể ngân sách quốc phòng. Theo các quan chức chính phủ Philippines,ngân sách quốc phòng năm 2016 của Manila sẽ tăng 25% so với hiện nay, đạt mức kỷ lục là 25 tỷ pesos (hơn 550 triệu đô la). Ưu tiên được dành cho việc mua thêm chiến hạm và máy bay tuần thám.

Máy bay P3-C Orion của Nhật có sức hấp dẫn cao với Philippines. Ảnh ngày 23/06/2015.
Máy bay P3-C Orion của Nhật có sức hấp dẫn cao với Philippines. Ảnh ngày 23/06/2015. Reuters
Quảng cáo

Trả lời hãng tin Pháp AFP khi được hỏi là phải chăng tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc là nguyên nhân khiến Manila quyết định tăng cường chi tiêu quốc phòng, Bộ trưởng Ngân sách Philippines Florencio Abad xác nhận : « Chúng tôi cần phải bảo vệ những gì rõ ràng là thuộc chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi… Chắc chắn là chúng tôi ít ra phải có năng lực giám sát hiệu quả các diễn biến trong khu vực, đặc biệt là tại những vùng đang tranh chấp ».

Cho đến nay, Quân đội Philippines luôn luôn bị xếp vào diện yếu kém nhất trong vùng Đông Nam Á, với lực lượng không quân và hải quân chủ yếu dựa trên các chiến hạm hay phi cơ có từ thời Đệ nhị Thế chiến để tuần tra vùng Biển Đông, nơi căng thẳng đã bùng lên trong những năm gần đây.

Một trong những ví dụ điển hình về sự lạc hậu về của các trang thiết bị quân sự Philippines là soái hạm của hạm đội Philippines hiện nay lại là một chiếc tàu tuần tra lớp Hamilton của Mỹ. Chiếc tàu này do lực lượng tuần duyên Mỹ thải ra, và được Philippines tân trang lại để sử dụng.

Sau khi phải cắt giảm chi tiêu quân sự vào năm 2013 để có tiền cứu trợ nạn nhân bão Haiyan, chính quyền Philippines đã tăng ngân sách quốc phòng trở lại để hiện đại hóa quân đội. Ngân sách 2016 tính ra sẽ cao hơn gấp 5 lần so với mức vỏn vẹn 5 tỷ pesos của năm 2013.

Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong, với ngân sách được tăng cường, lực lượng võ trang Philippines sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc mua sắm các loại trang thiết bị và vũ khí mới : « Chúng tôi đang đẩy mạnh công cuộc hiện đại hóa quân đội, và chúng tôi cần đến mọi sự giúp đỡ… Điều này bao gồm cả việc mua thêm các khu trục hộ tống hạm và máy bay tuần tra ».

Trong số các hợp đồng vũ khí gần đây, Philippines đã đặt mua 12 chiến đấu cơ FA-50 do Hàn Quốc chế tạo. Theo ông Andolong, hai chiếc đầu tiên trong số này sẽ được giao vào đầu tháng 11/2015.

Trả lời hãng tin Anh Reuters, một viên tướng cao cấp trong quân đội Philippines tiết lộ ngân sách năm 2016 sẽ được sử dụng để mua hai tàu khu trục hạm, hai phi cơ tuần thám tầm xa, và ba hệ thống radar giám sát trên không. Phần còn lại của số tiền sẽ được dùng để thanh toán một phần chi phí mua 12 chiến đấu cơ Hàn Quốc.

Nếu chi phí quốc phòng năm 2016 của Philippines sẽ đạt mức cao kỷ lục, thì số tiền hơn 550 triệu đô la đó chẳng thấm vào đâu so với ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, nước đang đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Chi tiêu quân sự của Bắc Kinh năm nay chẳng hạn, đã vượt mức 140 tỷ đô la.

Ngân sách đó của Philippines cũng thấp hơn rất nhiều so với ngân sách quốc phòng của Việt Nam, mà vào năm 2013 đã đạt mức 3,4 tỷ đô la, và cũng đang trong chiều hướng gia tăng trước mối đe dọa ngày càng dữ dội đến từ Trung Quốc.

Tổng thống Philippines Aquino như đã biết rõ khả năng tài chánh hạn chế của đất nước. Vì vậy, trong thời gian gần đây, ông đã không ngừng tìm kiếm trợ giúp từ các đồng minh. Nhân chuyến công du Nhật Bản mới đây, ông đã yêu cầu Tokyo cung cấp loại phi cơ tuần tra biển P-3C Orion mà Nhật Bản dự định thay thế bằng loại máy bay đời mới hơn, sau khi đã được tài trợ để mua 10 tàu tuần tra mới.

Các quốc gia như Úc, Hàn Quốc và Mỹ cũng đã biếu không thiết bị quân sự cũ của mình cho Philippines trong những năm gần đây và cho biết sẽ sẵn sàng làm nhiều hơn nữa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.