Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CHỨNG KHOÁN

Trung Quốc : Chơi chứng khoán như là đan áo

« Trung Quốc, vương quốc của những người học nghề buôn chứng khoán » là hàng tít nhỏ nhận định trên Libération số ra ngày cuối tuần 18/07/2015. Mua và bán chứng khoán là niềm vui cả nước. Nhận định trên được nhật báo đính kèm với tấm ảnh các bà trung niên ngồi dán mắt lên các màn hình tại một sàn giao dịch trung gian, theo dõi biến động của giá cổ phiếu.

Người dân Trung Quốc theo dõi giá cổ phiếu tại một điểm mua bán trung gian.
Người dân Trung Quốc theo dõi giá cổ phiếu tại một điểm mua bán trung gian. REUTERS/Jon Woo
Quảng cáo

Số người học chơi chứng khoán hiện nay chiếm đến 80% các hoạt động giao dịch, đến mức Libération phải thốt lên « Tại Bắc Kinh, người ta chơi chứng khoán như là đan áo », tựa của bài viết trên trang 14. Theo ước tính, hiện tại Trung Quốc có đến 90 triệu người chơi chứng khoán, còn đông hơn cả số đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc. Riêng trong năm 2014, chứng khoán đã tạo cơ hội cho hơn một triệu người trở thành triệu phú (bằng đồng nhân dân tệ). Tờ báo có cảm giác người dân Trung Quốc nghiện chơi chứng khoán, bởi vì hiện tượng này tác động lên mọi thành phần xã hội, từ công chức cho đến thợ cắt tóc, tài xế taxi, sinh viên hay người về hưu…

Nhật báo nhắc lại, Trung Quốc chính thức đưa vào hoạt động các sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến vào năm 1990. Nhưng người dân thật sự bắt đầu ồ ạt đổ vào đầu tư trong hoạt động này từ năm 2007, vào lúc mà niềm hân hoan chuẩn bị đón Thế Vận hội Olympic lan tỏa khắp xã hội Trung Quốc và thúc đẩy mức tăng trưởng.

Giờ đây tại Trung Quốc, chơi chứng khoán cũng là một môn thể thao quốc gia, mà tiếng lóng được gọi là « sao cổ ». Nghĩa là, bán đi rồi mua lại nhanh chóng các cổ phíếu, đôi khi diễn ra trong cùng một ngày. Theo giải thích của tờ báo, đó là do hệ thống khuyến khích cách ứng xử ngắn hạn như vậy. Tại Trung Quốc, lượng hoạt động giao dịch do các nhà mua bán trung gian chuyên nghiệp trên các sàn giao dịch chỉ chiếm có 0,01%, thấp hơn cả trăm lần so với Hồng Kông (1%) và 200 lần tại Hoa Kỳ (2%).

Đối với các hộ gia đình Trung Quốc, hoạt động mua bán chứng khoán còn trở nên dễ dàng hơn bao hết khi smartphone ra đời, cùng với các ứng dụng môi giới miễn phí của các tập đoàn lớn. Lượng giao dịch của các nhà đầu tư chứng khoán nhỏ này chiếm đến 80% hoạt động mua bán chứng khoán thường nhật tại Trung Quốc. Ngoài việc giải trí, đối với nhiều người dân Trung Quốc, chơi chứng khoán còn là phương cách kiếm thêm nhu nhập, đặc biệt đối với những lao động trẻ tuổi có bằng cấp nhưng thu nhập thấp, hay những người có lương hưu ít ỏi, những người bị thất thu do khủng hoảng địa ốc… Nhìn chung, việc thiếu vắng một hệ thống an sinh xã hội đã đẩy những người tầng lớp nghèo này lao vào trò chơi may rủi.

Thế nhưng, với sự sụp đổ sàn chứng khoán trong ba tuần liên tiếp, hơn 2.700 tỉ đô-la ảo đã tan thành mây khói. Người chịu thiệt hại nặng nề nhất lại là số các nhà đầu tư nhỏ này. Nhiều người không những mất số tiền ảo mà cả tiền thật, do đã thế chấp tài sản để lao vào cuộc chơi may rủi.

Nhật Bản bớt hiếu hòa

Nhìn sang Nhật Bản, Le Monde chú ý đến sự việc Hạ viện Nhật Bản vừa thông qua dự thảo luật quốc phòng, cho phép Tokyo gởi quân đội ra tác chiến bên ngoài lãnh thổ. Dự thảo luật gặp phải sự phản đối khá gay gắt của một bộ phận dân chúng trong nước, nhất là tại quốc gia cựu thù, Trung Quốc. Le Monde nhận định « Tại Nhật Bản, Abe tìm cách áp đặt luật quốc phòng ».

Với việc thông qua dự thảo luật tại Hạ viện, như vậy là ông Abe có lẽ đã đạt được một trong các mục tiêu của mình. Thế nhưng các chính đảng đối lập phản đối dự thảo luật cho là « vi hiến ». Trung Quốc, thông qua phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, bà Hoa Xuân Oánh khuyên Tokyo tiếp tục « góp phần duy trì hòa bình và an ninh khu vực ». Bắc Kinh tự hỏi « phải chăng là Tokyo đang từ bỏ các chính sách hiếu hòa ? », đồng thời kêu gọi Nhật Bản « tiếp tục theo hướng phát triển hòa bình ».

Trong khi ở trong nước, người dân ngày càng tỏ ra phản ứng mạnh mẽ với dự thảo luật quốc phòng của Thủ tướng Nhật Bản. Theo kết quả thăm dò của kênh truyền hình công NHK, duy chỉ có 18% số người được hỏi là ủng hộ dự thảo luật, 41% người dân cho biết việc Thủ tướng cố thông qua dự thảo luật chỉ làm giảm thêm uy tín của ông. Giới nhân sĩ và nghệ sĩ trong nước cho rằng chính việc Nhật Bản « từ bỏ chiến tranh đã góp phần tô điểm lại lại hình ảnh đất nước trên thế giới hậu Đệ nhị Thế chiến. Một đất nước phát triển hùng cường trên phương diện kinh tế và văn hóa, có một quỹ tài chính dồi dào cho các hoạt động nhân đạo và phát triển ».

Hơn nữa, Le Monde lưu ý là các tiêu chí quy định các mối đe dọa đến « sự sinh tồn của Nhật Bản » khá mù mờ. Ông Shinzo Abe đã từ chối ghi rõ các mối họa đó. Vì điều này sẽ « để lại nhiều chọn lựa cho việc sử dụng quân đội » như nhận định của tờ Japan Times.

« Thế giới khác » của BRICS

Nhân kỳ họp bên lề thượng đỉnh khối G7 năm 1990, nhiều quốc gia chủ trương thành lập một trật tự thế giới mới đã từng tuyên bố rằng « Một thế giới khác là điều có thể ». Và « thế giới khác » đó đang dần hình thành xung quanh khối BRICS, tập họp 5 quốc gia mới nổi lên, đến từ 3 châu lục: Brazil, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Nam Phi. Về chủ đề này, tuần san L’OBS có bài nhận định đề tựa « Thế giới khác của khối BRICS » trên chuyên mục Nhãn quan thế giới.

Theo tuần san, hiện khối này chiếm 40% dân số thế giới và 20% GDP toàn cầu. Khối này tổ chức thượng đỉnh hằng năm và Thượng đỉnh BRICS lần thứ 9 diễn ra vào ngày 8 và 9 tháng Bảy tại Ufa, Nga. Khối này có ngân hàng riêng của mình, sẽ chính thức đi vào hoạt động năm 2016 với mục tiêu thoát khỏi sự chi phối của đồng đô la. Bên cạnh đó, khối BRICS còn có Liên minh quân sự « anh em », đó là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (OCS), được thành lập theo sáng kiến của Bắc Kinh và Matxcơva, tập hợp tất cả các quốc gia Trung Á cũng như Ấn Độ, và Iran là quan sát viên.

Không thể phủ nhận rằng khối này ra đời nhằm thoát khỏi sự thống trị của phương Tây và nhất là Mỹ, thông qua các định chế lớn như Quỹ Tiền Tệ Thế giới (IMF) hoặc Ngân hàng Thế giới. Thế nhưng, cả năm quốc gia này chưa thể hình thành một « thế giới khác » như mong muốn, bởi giữa các quốc gia này vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt cả trên phương diện kinh tế lẫn chính trị.

L’OBS công nhận rằng sự trỗi dậy của khối BRICS đang hình thành một đối trọng với siêu cường Hoa Kỳ. Chẳng hạn như Vladimir Putin, có thể tìm được chút dưỡng khí ở người « bạn lớn » Tập Cận Bình. Nước Nga đang bị phương Tây trừng phạt kinh tế do có liên can đến khủng hoảng Ukraina. Trung Quốc qua khối BRICS, tìm thấy ảnh hưởng nhằm thoát khỏi một chiến lược của Hoa Kỳ mà Bắc Kinh cho là « bao vây » như thời chiến tranh lạnh.

Theo L’OBS, với những hạn chế, mâu thuẫn và điểm yếu của họ, khối BRICS đang thay đổi cán cân quyền lực quốc tế theo hướng bất lợi cho Washington. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tái tạo kiểu tư tưởng khối này chống khối kia như thời Chiến tranh Lạnh. Thậm chí cũng không làm xuất hiện một « thế giới khác » về mặt mô hình và giá trị. Tờ báo kết luận : Từ quan điểm này, khẩu hiệu của những người chủ trương thay thế một thế giới khác vẫn còn nguyên vẹn. Nếu như « Một Thế giới khác là điều có thể » thì không phải là do khối BRICS làm nên.

"Kho báu" được che giấu của Giáo hội Chính thống giáo

Tuần san còn quan tâm đến khủng hoảng nợ Hy Lạp. Tờ báo đặt nghi vấn liệu trong chương trình cải cách tới đây, « Ông Alexis Tsipras sẽ tấn công vào Giáo hội Chính thống giáo ? ». Một thể chế giàu có và không bao giờ đóng thuế. Nhưng trong bối cảnh đất nước bị tàn phá bởi cuộc khủng hoảng, thể chế này có thể bổ sung vào nguồn ngân sách cạn kiệt của chính phủ. Tờ báo đề tựa « Kho báu được che giấu của các trưởng giáo».

Giáo hội Chính thống giáo Hy Lạp sở hữu nhiều đất đai và tài sản lớn, chỉ sau Nhà nước. Qua nhiều thế kỷ, Giáo hội tích lũy một khối tài sản ước tính gần 2 tỉ euro. Trên thực tế, thể chế tôn giáo chỉ bị đánh thuế có một phần nhỏ như những khoản thu được từ việc cho người dân hay doanh nghiệp thuê bất động sản cũng như từ nguồn thu các hoạt động kinh doanh khác.

Tuy nhiên, rất nhiều bất động sản không được sử dụng (nhà bỏ trống, rừng…), các công trình phục vụ thờ cúng (nhà thờ và tu viện) cũng như mọi cơ sở xây dựng khác phục vụ cho công tác từ thiện đều được miễn thuế hoàn toàn. Tất cả những khoản này được Hiến pháp năm 1975 đảm bảo, do đó, những hoạt động kinh doanh được tổ chức bên trong các tu viện cũng được miễn thuế. Tờ báo cho biết việc gỡ bỏ chế độ « miễn thuế » này đối với Giáo hội là một nhiệm vụ bất khả thi, do bởi việc cải cách Hiến pháp phải được thông qua hai lần với số phiếu tán thành 3/5 tại Nghị viện.

Môi trường bị phá hoại vì người giàu Châu Á

« Các băng đảng mafia: Chúng đã phá hủy hành tinh như thế nào ? » tuần san L’Express giận dữ đề tít. Săn bắt động vật hoang dã, buôn lậu gỗ quý hay cây thuốc, buôn cát hay chất thải độc hại… Tội phạm môi trường hầu như không có biên giới và không ngừng phát triển. Bất chấp sự huy động mạnh mẽ và quan trọng lực lượng cảnh sát, cộng đồng quốc tế chống lại các băng đảng một cách vất vả.

Tổng cộng với 14 trang báo, tuần san l’Express điểm lại các hoạt động phạm pháp điển hình. Ví dụ tại Châu Phi, theo ước tính mỗi năm có 2000 tê giác bị sát hại để lấy sừng, chủ yếu để cung cấp cho hai thị trường Châu Á là Trung Quốc và Việt Nam, chiếm đến 70% thị trường thế giới (2009-2014). Tại hai quốc gia này, bột sừng tê giác được cho là phương thuốc chữa bách bệnh: hạ sốt, đẩy lùi bệnh ung thư, ngưng chảy máu mũi và thậm chí tăng cường sinh lực. Những lập luận chưa được ngành y khoa kiểm chứng.

Hơn nữa, sở hữu một chiếc sừng tê giác còn là một biểu tượng cho sự thành công. Các thăm dò tại Việt Nam cho thấy 5% số người được hỏi nhìn nhận có mua hay tiêu thụ sừng tê giác. Cực điểm của sự thái quá của tầng lớp nhà giàu mới nổi tại Sài Gòn và Hà Nội : pha bột sừng tê giác với rượu dường như sẽ giúp cho đầu óc tỉnh táo hơn buổi sáng sớm. Không biết thực hư thế nào, mà chỉ biết là tê giác sắp bị tiệt chủng.

Trang nhất các báo Pháp

Chủ đề trên trang nhất các báo Pháp cuối tuần 18/07/2015 khá tản mạn. Tháng 7 và 8 là mùa đi nghỉ của người Pháp, nên các đề tài về mùa hè cũng là chủ đề chính trên một số nhật báo như Libération với hàng tít « Mùa hè của mọi sự cấm kỵ ». Nhật báo sẽ lần lượt giới thiệu từ đây cho đến cuối tháng 8 (29/08) các tiểu phẩm, truyện tranh, ảnh … Hoặc như đối với những ai thích đi dã ngoại, ngắm cảnh, trong loạt bài giới thiệu độc giả 8 điểm hành hương, nhật báo Công giáo La Croix mời độc giả cùng « Vượt qua dãy núi Alpe, đến vùng Assise ».

Kinh tế và tình hình cứu trợ Hy Lạp là mối quan tâm hàng đầu của nhật báo thiên hữu Le Figaro với hai hàng tít lớn « Những doanh nhân Pháp đã chọn Luân Đôn để lập nghiệp » và « Siêu cường và bị chỉ trích, nước Đức thông qua kế hoạch cứu trợ Hy Lạp ». Hùa theo mối lo về kinh tế của Le Figaro, tờ Le Monde đưa tít nhận định « Bầu không khí ngày nay rất giống như Châu Âu năm 1968 ». Donald Tusk, chủ tịch Hội đồng Châu Âu, bày tỏ quan ngại về những nghi vấn ý thức hệ nảy sinh từ cuộc khủng hoảng Hy Lạp.

Tuần san L’Express lo lắng cho hệ sinh thái môi trường, mở hẳn một hồ sơ dài gần một chục trang lên án nạn thảm sát thú hoang dã, chặt phá rừng hay buôn lậu chất thải, những tệ nạn đang tàn phá nghiêm trọng hệ sinh thái, nhiều loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ biến mất hoàn toàn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.