Vào nội dung chính
THÁI LAN - PHÁP

Bangkok yêu cầu Paris cho dẫn độ ba nhà đối lập

Chính quyền Bangkok ngày 14/07/2015 cho biết đã yêu cầu Paris cho dẫn độ các nhà đối lập hiện đang được hưởng quy chế tỵ nạn tại Pháp. Đại sứ Pháp tại Bangkok hiện vẫn chưa có giải thích về vấn đề được cho là rất nhạy cảm này.

Jaran Ditapichai, một cựu lãnh đạo phong trào Áo Đỏ tại Thái Lan. Ông thuộc nhóm ba người mà Bangkok ngày 14/07/2015 đòi Paris cho dẫn độ về nước.
Jaran Ditapichai, một cựu lãnh đạo phong trào Áo Đỏ tại Thái Lan. Ông thuộc nhóm ba người mà Bangkok ngày 14/07/2015 đòi Paris cho dẫn độ về nước. RFI
Quảng cáo

Phát ngôn viên Bộ Tư pháp Thái Lan, tướng Paiboon Khumchaya, cho biết « đã chuyển tên của ba người tình nghi » phạm tội khi quân, một tội danh có thể bị lãnh án đến 15 năm tù tại Thái Lan. Yêu cầu này đã được Bộ trưởng Tư pháp trao tận tay Đại sứ Pháp Thierry Viteau tại Bangkok nhân buổi gặp tại Bộ.

Đại sứ Pháp tại Thái Lan không muốn bình luận về chủ đề vốn rất nhạy cảm này, vào lúc mà chính quyền quân sự cầm quyền từ tháng 05/2014 đang gia tăng các vụ bắt bớ nhắm vào những người có hành động khi quân.

Theo báo chí Thái Lan, hiện ba công dân nước này đang tỵ nạn tại Pháp : Saran Chuichai – một nhà đấu tranh cho giới đồng tính, Jaran Ditapichai – lãnh tụ phong trào ủng hộ chính quyền dân cử bị lật đổ, và Somsak Jeamteerasakul – giáo sư đại học. Vào tháng Sáu vừa qua, chính quyền Thái Lan đã yêu cầu New Zealand cho dẫn độ một người Thái Lan đang bị truy lùng về tội khi quân nhưng không thành..

Mười người bị kết án vì chống chế độ quân chủ

Hôm qua, 13/07/52015, mười người Thái Lan đã bị kết án tới 5 năm tù vì tham gia vào một mạng lưới « chống chế độ quân chủ ». Thái Lan nổi tiếng là quốc gia có luật khi quân vô cùng nghiêm khắc.

Có mặt lúc tòa án quân sự đưa ra phán quyết tại Bangkok, phóng viên của AFP cho biết các thành viên của nhóm Bandpodj bị kết án « thóa mạ chế độ quân chủ » vì đã phát hành CD và đăng tải trên mạng các tài liệu thu thanh. Trang Facebook của mạng lưới Bandpodj không còn hoạt động kể từ tháng 12/2014. Trước đây, trang này được coi là nơi nói « sự thật » về hoàng tộc.

Tám trên tổng số mười người đã bị kết án 10 năm tù giam, song được giảm xuống còn 5 năm do đã nhận tội. Trong số họ, Hasadin Uraipraiwan, 64 tuổi, được coi là người cầm đầu. Ông bị bắt vào tháng Hai vừa qua tại một khách sạn, sau khi lẩn trốn trong suốt hai tuần. Hai người còn lại bị kết án 3 năm tù, thay vì bản án cũ là 6 năm, nhờ đã nhận tội.

Chế độ kiểm duyệt diễn ra rất khắt khe tại Thái Lan, trong đó có cả các phương tiện truyền thông nước ngoài. Theo điều 12 bộ luật hình sự, bất kể người nào xúc phạm tới nhà vua, hoàng hậu, người kế vị hay nhiếp chính sẽ có thể bị kết án tới 15 năm tù giam.

Từ khi lên nắm quyền sau cuộc đảo chính vào tháng 05/2014, quân đội đã biến cuộc chiến chống tội khi quân thành vũ khí để đàn áp những nhà đối lập. Số lượng vụ xét xử và kết án vì phạm tội khi quân đã không ngừng gia tăng từ đó.

Theo thống kê các vụ xét xử tội khi quân của tổ chức phi chính phủ iLaw, có hơn 56 vụ phạm tội trên đang được tư pháp điều tra, trong khi đó, trước cuộc đảo chính, chỉ có hai vụ.

Cuối tháng Sáu vừa qua, một người đàn ông bị mắc chứng rối loạn về tâm lý đã bị kết án 3 năm và 4 tháng tù giam vì đã phỉ báng hoàng gia. Tháng 03/2015, một người đàn ông khác đã bị kết án 25 năm tù vì đăng trên trang Facebook các thông điệp vu khống.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.