Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - TRUNG QUỐC

Hồng Kông: Các vụ hành hung nhà báo đạt kỷ lục vào năm 2014

Một tổ chức quan sát quyền tự do báo chí hôm nay, 12/07/2015, cho biết các nhà báo Hồng Kông phải đối mặt với số lượng các vụ tấn công nhiều chưa từng có trong năm qua. Nguyên nhân là do căng thẳng chính trị xuất phát từ phong trào đấu tranh đòi dân chủ tại hòn đảo này.

Cảnh sát Hồng Kông câu lưu luật gia Albert Chan 11/12/2014 - Reuters
Cảnh sát Hồng Kông câu lưu luật gia Albert Chan 11/12/2014 - Reuters
Quảng cáo

Việc Bắc Kinh quy định Hồng Kông sẽ chọn nhà lãnh đạo tương lai như thế nào đã gây làn sóng phẫn nộ tại thành phố miền Nam Trung Quốc vào năm ngoái. Quyết định này cũng làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối rầm rộ ngoài đường phố kéo dài suốt hơn hai tháng.

Trong bản báo cáo hàng năm về quyền tự do báo chí tại Hồng Kông, Hội Nhà báo của thành phố đã thống kê hơn 30 nhà báo bị sách nhiễu hay bị người biểu tình hoặc cảnh sát tấn công trong suốt thời gian diễn ra các cuộc biểu tình.

Bà Phó Chủ tịch cơ quan giám sát độc lập, Shirley Yam, giải thích với AFP rằng một số nhà báo bị đấm đá hay bị ném các chai nước vào người. Còn một số khác thì bị cướp máy quay phim, bị đẩy xuống sàn rồi bị kéo lê. Năm 2014 chắc chắn là năm giữ kỷ lục về số lượng các vụ xâm phạm cơ thể.

Mùa hè năm ngoái, chính quyền Trung Quốc quyết định người dân Hồng Kông có thể bầu ra người đứng đầu thành phố, lần đầu tiên vào năm 2017. Tuy nhiên, những người phản đối coi đây là « nền dân chủ giả tạo » vì các ứng viên phải được một ủy ban thân Bắc Kinh xem xét trước đó. Tháng 06/2015, dự luật trên đã bị các đại biểu ủng hộ dân chủ bác bỏ tại Nghị viện Hồng Kông.

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) cho biết tháng 11/2014, cảnh sát Hồng Kông đã lạm dụng quyền lực để đàn áp người biểu tình, người đứng xem và các nhà báo khi chính quyền giải tán một khu vực biểu tình tại Mongkok, và đã gây ra nhiều cuộc ẩu đả nghiêm trọng nhất trong số các cuộc biểu tình diễn ra vào năm ngoái.

Hồng Kông là thuộc địa cũ của Anh và được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Từ thời điểm này, hòn đảo được hưởng chế độ « một quốc gia, hai chế độ » cho phép người dân Hồng Kông tiếp tục được hưởng những quyền tự do dân sự hơn nhiều so với người dân Trung Quốc đại lục, bao gồm cả quyền tự do ngôn luận và quyền kháng nghị. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều lo ngại rằng những quyền tự do này đang bị mất dần do ảnh hưởng lớn từ Bắc Kinh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.