Vào nội dung chính
MALAYSIA - LIÊN HIỆP QUỐC - MH17

Vụ MH17 : Malaysia muốn đề nghị LHQ lập tòa án đặc biệt

Một năm sau thảm nạn hàng không tại miền đông Ukraina, khiến 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng, chính quyền Malaysia cho biết sẽ đề nghị Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc xem xét thành lập một tòa án đặc biệt để xét xử những người có trách nhiệm trong vụ máy bay của hàng không Malaysia bị rớt.

Một trong số các mảnh vụ của chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia, bị bắn hạ trên vùng trời đông Ukraina hồi tháng 7/2014.
Một trong số các mảnh vụ của chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia, bị bắn hạ trên vùng trời đông Ukraina hồi tháng 7/2014. REUTERS/Sergei Karpukhin
Quảng cáo

Hôm qua 02/07/2015, theo AFP, Đại sứ Malaysia Ramlan bin Ibrahim đã tuyên bố trước Hội đồng Bảo an, theo đó, một tòa án đặc biệt được Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm « sẽ mang lại những bảo đảm tốt nhất cho sự công bằng trong việc xét xử » các thủ phạm của vụ máy bay rớt. Theo Đại sứ Malaysia, một dự thảo nghị quyết về vấn đề này, cũng như các quy chế của tòa án đặc biệt sẽ được gửi đến các thành viên Hội đồng Bảo an vào tuần tới, với mục tiêu đưa ra bỏ phiếu trước cuối tháng 7/2015.

Sáng kiến của Malaysia, phối hợp với Úc, Bỉ, Hà Lan và Ukraina, rất có khả năng bị Matxcơva phản đối. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Guennadi Gatilove mới đây đưa ra quan điểm : một tòa án như vậy là « không phù hợp và phản tác dụng », và bất luận thế nào cũng phải đợi các kết quả của điều tra về vụ máy bay rớt. Theo các nhà ngoại giao có mặt trong buổi họp hôm qua của Hội đồng Bảo an, đại diện của Nga đã không phản đối sáng kiến vừa được Malaysia đưa ra.

Ngày 17/07/2014, một máy bay Boeing 777 của hãng Malaysia Airlines đã bị bắn rớt tại miền đông Ukraina, nơi xung đột giữa phe ly khai thân Nga và quân đội chính phủ đang hồi dữ dội. Phần lớn trong số 298 người chết là công dân Hà Lan. Ukraina và Hoa Kỳ khẳng định chuyến bay MH17 trúng một tên lửa đất đối không mà Nga cung cấp cho phe nổi dậy. Về phần mình, Matxcơva cáo buộc chính quyền Kiev. Hà Lan phụ trách điều tra về vụ này.

Sau thảm nạn nói trên, Hội đồng Bảo an đã thông qua một nghị quyết yêu cầu « tất cả những người có trách nhiệm trong vụ này phải trả lời về hành động của mình, và chính quyền các nước phải hợp tác với điều tra đang được triển khai, để xác định trách nhiệm ». Dự thảo nghị quyết dẫn chương 7 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, quy định các quốc gia thành viên phải hợp tác với tòa án, nếu không sẽ bị xử phạt.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.