Vào nội dung chính
CHÂU Á

Chống buôn người : 10 nước Châu Á lập quỹ để tiếp nhận nạn nhân

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN tuyên bố thành lập một quỹ hỗ trợ cùng chia sẻ chi phí tiếp nhận nạn nhân của tệ buôn người. Đây là một bước tiến triển mới do việc cho đến giờ vẫn còn một số nước có thái độ do dự, không muốn tiếp nhận các thuyền nhân.

Thuyền nhân Rohingya và Bangladesh. Ảnh ngày 20/05/2015.
Thuyền nhân Rohingya và Bangladesh. Ảnh ngày 20/05/2015. Reuters
Quảng cáo

Kết thúc phiên họp các bộ trưởng nội vụ tại Malaysia ngày 02/07/2015, Bộ trưởng Nội vụ nước này, Zahid Hamidi cho biết mười quốc gia thành viên ASEAN (Malaysia, Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Lào, Cam Bốt, Miến Điện và Brunei) cùng với nhiều tổ chức quốc tế sẽ tham gia đóng góp vào quỹ hỗ trợ tiếp nhận thuyền nhân.

Malaysia đề nghị mỗi nước thành viên đóng góp 100.000 đô-la. Riêng Singapore hứa sẽ đóng góp 200.000 đô-la. Và quỹ này sẽ do Ban thư ký của Hiệp hội, tại Jakarta, Indonesia quản lý. Mục đích của việc thành lập một quỹ tài chính là nhằm « hỗ trợ các nỗ lực nhân đạo và cứu hộ để đối phó với nạn đưa người trái phép tại Đông Nam Á », theo như thông cáo của Hiệp hội. Tham dự phiên họp còn có đại diện của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Cơ quan di trú của Liên Hiệp Quốc.

Vào tháng 5/2015, Thái Lan đã có những biện pháp nghiêm khắc chống lại mạng lưới đưa người trái phép. Những tên dẫn đường đã bỏ rơi các thuyền nhân lênh đênh trên biển nhiều tuần liền dẫn đến cuộc khủng hoảng thuyền nhân trong khu vực. Hơn 3.500 người Bangladesh và người Hồi giáo Rohingya tập trung trong các trại tỵ nạn tại Miến Điện, Malaysia và Indonesia.

Tuy nhiên, ngay từ đầu khủng hoảng, Malaysia và Indonesia đã có thái độ do dự, xua đuổi tàu các thuyền nhân ra khơi trước khi phải nhượng bộ dưới áp lực của cộng đồng quốc tế.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.