Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - KHÍ HẬU

Cam kết cắt giảm khí thải của Bắc Kinh bị coi là chưa đủ

Hôm qua 30/06/2015, theo AFP, trong chuyến công du Pháp - quốc gia chủ nhà của Thượng đỉnh Khí hậu COP 21 -, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang) công bố các đóng góp của nước này trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cụ thể là giảm lượng khí thải từ 60 đến 65% (so với năm 2005), chậm nhất là vào năm 2030.

Trung Quốc tiêu thụ một nửa lượng than toàn thế giới. Trong ảnh, một cảnh tượng ô nhiễm xảy ra thường xuyên tại nhiều thành phố Trung Quốc.
Trung Quốc tiêu thụ một nửa lượng than toàn thế giới. Trong ảnh, một cảnh tượng ô nhiễm xảy ra thường xuyên tại nhiều thành phố Trung Quốc. Reuters
Quảng cáo

Tuyên bố của Trung Quốc - quốc gia chịu trách nhiệm của hơn một phần tư tổng lượng khí thải toàn cầu - được nhiều tổ chức phi chính phủ và chuyên gia hoan nghênh, nhưng vẫn bị coi là thấp hơn khá nhiều so với khả năng của nước này, và không đủ để giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C.

Thông tín viên Simon Leplâtre tường trình từ Bắc Kinh :

"Cam kết đóng góp dè dặt của Trung Quốc đã được đưa ra : lượng khí thải C02 đạt đỉnh vào năm 2030, và nếu có thể thì trước thời điểm này. Điều đáng kể nhất trong cam kết này là mục tiêu giảm hai phần ba lượng khí thải của Trung Quốc. Mục tiêu giảm khí thải nói trên cho phép đo lường được các nỗ lực Trung Quốc sẽ thực hiện, cho dù tỷ lệ tăng trưởng thế nào. Theo các chuyên gia, tuyên bố cắt giảm nói trên, dù là đáng kể, nhưng không đủ, và Trung Quốc vẫn có thể làm hơn thế.

Chính quyền Bắc Kinh vốn không thích các thỏa ước quốc tế mang tính ràng buộc. Với cam kết đóng góp này, Trung Quốc thể hiện là sẽ có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn tự dành cho mình một không gian tự do điều chỉnh.

Theo nhiều nghiên cứu, nhờ tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại hiện nay, lượng khí thải của Trung Quốc sẽ có thể đạt đỉnh ngay từ năm 2025, thậm chí trước đó, chứ không phải đợi đến 2030.

Trên thực tế, Trung Quốc đang thay đổi mô hình tăng trưởng : các dịch vụ và công nghệ mới dần dần thay thế cho công nghiệp nặng và hàng hóa sản xuất hàng loạt. Đây là một tin vui cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu".

Trung Quốc đứng thứ nhất về lượng phát thải CO2, với 27% tổng lượng toàn cầu một năm, gần gấp đôi Hoa Kỳ (14%). Quốc gia này vừa là nước tiêu thụ than nhiều nhất thế giới (than là năng lượng gây ô nhiễm nhiều nhất), nhưng cũng là quốc gia đầu tư nhiều nhất cho các năng lượng tái tạo. Lượng than tiêu thụ của Trung Quốc lần đầu tiên chững lại vào năm ngoái 2014.

Theo ông Matthieu Orphelin, thuộc Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Fondation Hulot, lượng khí thải hàng năm của Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần so với với năm 1990. Cam kết nói trên do Thủ tướng Trung Quốc đưa ra tương ứng với tỷ lệ giảm khí thải 4%/năm. Theo ông Pascal Canfin, chuyên gia của World Ressource Institute, cho đến nay, cùng với cam kết đóng góp của Trung Quốc và các nước gây ô nhiễm chủ yếu, Trái đất chúng ta tiếp tục đi trên con đường nóng lên 3,5°C đến 4°C vào cuối thế kỷ, chứ không phải 2°C như mong muốn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.