Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - HỒNG KÔNG

Trung Quốc cảnh cáo phe dân chủ Hồng Kông

Trung Quốc hôm nay 16/06/2015 lên tiếng cảnh cáo các “ lực lượng cực đoan ” vào lúc cảnh sát Hồng Kông thông báo bắt thêm người thứ 10. Cảnh sát nghi ngờ một phong trào cực đoan đứng sau vụ việc, trước thềm cuộc bỏ phiếu dự án cải cách bầu cử gây tranh cãi tại Nghị viện. Giới chuyên gia và phe ủng hộ dân chủ nghi ngờ chính quyền Hồng Kông dàn dựng vụ việc.

Biểu tình chống dự luật cải cách bầu cử do Bắc Kinh áp đặt tại Hồng Kông, ngày 14/06/2015;
Biểu tình chống dự luật cải cách bầu cử do Bắc Kinh áp đặt tại Hồng Kông, ngày 14/06/2015; REUTERS/Tyrone Siu
Quảng cáo

Ông Tống Như, đại diện Ngoại giao của Bắc Kinh tại Hồng Kông, cảnh cáo phe ủng hộ dân chủ nên có hướng đi ôn hòa, khi nhận định rằng : “ Phe đối lập cực đoan gần đây có xu hướng sử dụng các phương thức hèn hạ và tiến hành ác hoạt động cực kỳ bạo động. Chúng tôi hy vọng rằng các nhà đấu tranh ủng hộ dân chủ ôn hòa sẽ thấy rõ được bộ mặt thật của các lực lượng cực đoan ”. Đồng thời, vị quan chức này cũng thúc giục các nhà lập pháp sớm thông qua dự thảo luật bầu cử lãnh đạo hành pháp mới, diễn ra vào năm 2017.

AFP cho biết, tối hôm qua, cảnh sát Hồng Kông thông báo một người đàn ông 58 tuổi, bị nghi ngờ là “ âm mưu chế tạo chất nổ ” đã bị bắt giữ. Trước đó, đã có chín người khác bị bắt với cùng cáo buộc. Cảnh sát cho biết là một trong số những người bị bắt nhìn nhận thuộc một  “ nhóm cực đoan địa phương ”. Tuy nhiên, cảnh sát từ chối nêu rõ tên của tổ chức, đồng thời cảnh báo tất cả những ai tham gia biểu tình tránh xa “ những người biểu tình bạo động ”.

16 loại hóa chất đã được tìm thấy trong một phòng thu hình bỏ hoang. Cảnh sát cho biết những chất này dùng để chế tạo TATP, một loại chất nổ cực mạnh nhưng rất dễ bay hơi. Ngoài ra, cảnh sát còn phát hiện nhiều tấm bản đồ trung tâm Hồng Kông, cũng như là các loại súng hơi và mặt nạ.

Theo báo chí địa phương, một số nghi can có liên hệ với đảng chính trị tên là Đảng Quốc gia Độc lập (PNI), được cho là theo xu hướng “ chủ nghĩa địa phương ”, nổi lên từ các cuộc biểu tình về cải cách chính trị tại đặc khu hành chính này. Các nhóm theo xu hướng địa phương muốn rằng Hồng Kông, được trao trả về cho Trung Quốc năm 1997, vẫn giữ được khoảng cách với Bắc Kinh và tự quyết định tương lai chính trị của mình.

Tuy nhiên, ông Kam Sai-kit, một người ủng hộ dân chủ, tỏ ra hoài nghi về mối liên hệ giữa các nhà đấu tranh theo xu hướng địa phương với đảng PNI. Ông nói: “ Chúng tôi chưa bao giờ nghe nói đến tổ chức này và cũng không biết các thành viên của họ. Tất cả vụ việc này có thể là một vụ dàn dựng nhằm bôi nhọ phe theo xu hướng địa phương ”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.