Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - TUYÊN TRUYỀN

Trung Quốc tô son trát phấn để che lấp sự bối rối

Bất đồng không được giải quyết giữa Hy Lạp với các chủ nợ, có thể đưa Athens ra khỏi khu vực đồng euro, là chủ đề chính của nhiều nhật báo hôm nay. Le Monde chạy tựa lớn : « Châu Âu chuẩn bị cho việc Hy Lạp vỡ nợ ». « Châu Âu không còn loại trừ khả năng Hy Lạp ra khỏi euro » là tựa của Le Figaro. « Hy Lạp khiêu vũ bên bờ vực thẳm » là tên bài xã luận của báo La Croix. Trước hết xin giới thiệu bài bình luận đáng chú ý trên Les Echos mang tựa đề « Trung Quốc, vô địch thế giới về ‘‘tuyên truyền’’ ».

Một góc sàn chứng khoán Thượng Hải, 05/01/2015.
Một góc sàn chứng khoán Thượng Hải, 05/01/2015. Reuters/Aly Song
Quảng cáo

Bài viết do thông tín viên gửi về từ Bắc Kinh ghi nhận bức tranh hết sức tươi sáng mà truyền thông Trung Quốc mô tả về tình hình kinh tế trong nước và sức mạnh của Trung Quốc trên trường quốc tế. Về đối ngoại, Bắc Kinh đang thể hiện một quyền lực tài chính chưa từng thấy, với hàng tỉ đô la cho « con đường tơ lụa mới », Trung Quốc là trụ cột của một ngân hàng mới của các nước đang trỗi dậy, lãnh đạo Trung Quốc hết sức hào phóng với Brazil, Pakistan… Ở trong nước, chỉ trong một năm qua, sàn Thượng Hải lên cơn sốt, với giá chứng khoán tăng hơn 130%. Xu thế này khiến rất nhiều người dân thường có cảm giác đang giàu nhanh như có phép lạ, gây phấn chấn trong toàn xã hội.

Về mặt xã hội, hệ thống tuyên truyền của Nhà nước Trung Quốc đã « vào cuộc tận lực ». Tai nạn thảm khốc của một tàu chở khách trên sông Dương Tử khiến 440 người chết, đã được chính quyền sử dụng như một cơ hội để đánh bóng hình ảnh của chế độ. Với việc Thủ tướng có mặt khắp nơi, thăm hỏi người thoát chết, giám sát ê kíp cứu nạn… Truyền thông chỉ đưa ra chủ yếu những lời kể về các hành động cứu nạn anh hùng, mà nhấn chìm trong im lặng những nỗi đau và sự tức giận của các gia đình nạn nhân.

Một kịch điểm của sự tuyên truyền là việc, hồi đầu tuần, Bắc Kinh công bố Sách Trắng, ca ngợi « những thành tựu tuyệt vời » tại Trung Quốc trong lĩnh vực nhân quyền, đúng vào giai đoạn, mà số lượng nhà báo, luật sư hay nghệ sĩ bị bỏ tù hay bị đàn áp gia tăng.

Les Echos ghi nhận, « dường như không có gì có thể ngăn cản được sự khải hoàn của một chế độ đang ở đỉnh cao của sức mạnh và của việc làm chủ các hình ảnh về bản thân mình ». Một biểu hiện cho tính hiệu quả của bộ máy tuyên truyền, đó là dân chúng rất hâm mộ tân chủ tịch, ông Tập Cận Bình.

Không thừa nhận bế tắc, Bắc Kinh phi đại về phía trước

Tuy nhiên, Les Echos nhận xét, « có một cái gì đó bối rối đằng sau những tuyên truyền » tụng ca thản nhiên này. Tờ báo đặt câu hỏi : « Phải chăng Trung Quốc thực sự tin rằng giờ thống trị tuyệt đối của mình đã tới ? ». Câu trả lời là : phong cách tuyên truyền ồn ào đó là một dấu hiệu cho thấy « sự bối rối gia tăng » của chế độ. Điều này đúng với trường hợp tai nạn đường thủy nói trên, cũng như đối với nền kinh tế Trung Quốc nói chung.

Cơn sốt chứng khoán Thượng Hải đang che lấp một thực tế là tất cả các chỉ số kinh tế đều cho thấy Trung Quốc đang khựng lại, với triển vọng tăng trưởng thấp nhất kể từ 1990. Tờ báo kinh tế Les Echos cũng thừa nhận, chính quyền Bắc Kinh đã có một số biện pháp để cải cách hệ thống, thế nhưng về cơ bản, họ lại không muốn « chấp nhận điều không thể tránh khỏi ». Vào thời điểm mà trên bình diện tiền tệ, việc hãm phanh là cần thiết, chính quyền lại mở cửa cho vay tín dụng, bất kể nạn đầu tư dư thừa và khả năng tiêu thụ yếu. Chỉ mới đây thôi, chính quyền Trung Quốc đã từ bỏ một số biện pháp được coi là dũng cảm hồi năm ngoái, như siết chặt tín dụng ở cấp địa phương. Các ngân hàng thậm chí còn nhận được chỉ thị tiếp tục cho vay đối với các cơ sở không có khả năng thanh toán.

Theo Les Echos, chính việc không có một khả năng thay đổi chính trị (như trong một chế độ đa đảng) đã khiến chế độ hiện hành tại Trung Quốc rất sợ hãi trước viễn cảnh một khủng hoảng kinh tế. Vào thời điểm sắp đi vào ngõ cụt, thay vì cải cách – hãm phanh tín dụng, chính quyền Bắc Kinh lại từ chối nhìn nhận sự thực, chọn con đường phi đại về phía trước, với giải pháp « hết sức đáng lo ngại », là khuyến khích vay nợ chồng chất.

Khả năng Hy Lạp ra khỏi đồng euro cận kề

Trở lại vấn đề Hy Lạp, theo Le Monde, lần đầu tiên kể từ đầu các đàm phán đến nay, các đối tác của Athens gợi ra « phương án B, tức khả năng Hy Lạp ra khỏi euro, trong cuộc thảo luận giữa các bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro ngày 11/06 ». Theo các thông tin của Le Monde, nếu khả năng tồi nhất này xảy ra, do Hy Lạp không có luật điều chỉnh việc kiểm soát dòng vốn, các chủ nợ lo ngại sẽ có một làn sóng rút tiền ồ ạt, khiến nhiều ngân hàng bị phá sản.

« Hy Lạp : kịch bản vỡ nợ đang hiện rõ » của Le Monde mô tả các nỗ lực bất thành của hai bên, Athens và các chủ nợ, trong đó Thủ tướng Hy Lạp Tsipras đứng trước một mâu thuẫn khó giải. Một mặt phải giữ lời hứa với cử tri, giải thoát Hy Lạp ra khỏi sự thống trị của Bruxelles, mặt khác lại muốn tiếp tục ở trong khu vực đồng euro. Điều mà Bruxelles và các cường quốc Châu Âu lo ngại là Hy Lạp không chấp nhận « các luật chơi Châu Âu ». Cuộc họp 18/06 tới tại Luxembourg có ý nghĩa quyết định, trước khi kế hoạch « trợ giúp đợt hai cho Hy Lạp » kết thúc, với khoản 1,6 tỉ euro mà Athens phải hoàn trả IMF.

Theo nhật báo Ouest France, trong những ngày tới có khả năng xảy ra ba giải pháp… "Một thỏa thuận đạt được vào thứ 5 này… đây là kịch bản tươi sáng nhất. Khả năng thứ hai là ‘‘phá sản có kiểm soát’’. Tất cả mọi người đều sẵn sàng cho khả năng này. Lúc đó một đồng tiền song song là điều cần thiết, nhưng Hy Lạp không hoàn toàn cắt đứt với euro. Còn việc Hy Lạp hoàn toàn đoạt tuyệt với euro, đây sẽ là một cú động đất kinh hoàng. Bởi, ngoài cái giá mà các chủ nợ phải trả, hiệu ứng domino sẽ tác động đến các nước vay mượn nhiều nhất, « toàn bộ tương lai của đồng euro sẽ bị đe dọa ». 

Thủ tướng Đức không muốn chịu trách nhiệm về thất bại Hy Lạp

Trong tình huống hiện nay, theo Le Monde (vẫn trong bài viết nói trên), không ai muốn nhận trách nhiệm về mình, nếu như đổ vỡ xảy ra, nhất là Thủ tướng Đức Merkel. Một nguồn tin ngoại giao Châu Âu đưa ra bình luận : « Thủ tướng Đức muốn giúp Tsipras, đang ở trong tình trạng bất lực, giống như một sinh viên ngành y, nhưng lại được đòi hỏi thực hiện một ca phẫu thuật tim ». Báo Les Echos nhấn mạnh điều này với bài viết « Merkel không muốn là thủ phạm của một tai họa với Hy Lạp ». Nữ Thủ tướng Đức không muốn trở thành tội đồ lịch sử, nếu khu vực đồng euro tan vỡ, đe dọa tương lai của chính Châu Âu. Bà Merkel luôn khẳng định có nỗ lực để Hy Lạp ở lại trong khối euro. Tuy nhiên, nếu như Thủ tướng sẵn sàng có những nhân nhượng, thì Bộ trưởng Tài chính Đức lại có một quan điểm hết sức cứng rắn. Ngược hẳn với người đứng đầu chính phủ, Bộ trưởng Schauble sẵn sàng chơi ván bài quyết liệt với ông Tsipras đến phút cuối cùng.

Về phần mình, Le Figaro tỏ thái độ cương quyết với bài xã luận « Từ chối dọa nạt », nêu hai lý do : thứ nhất là Athens đã hành hạ các nước Châu Âu quá nhiều, và thứ hai là, nếu không đạt thỏa thuận, Hy Lạp sẽ là nạn nhân đầu tiên, và lúc đó « người Hy Lạp sẽ thực sự nhận ra sự mị dân trong chương trình mà đảng Syriza đã rao bán cho họ ». Le Figaro khẳng định : vẫn còn cơ hội cho một thỏa hiệp, kể cả việc tái cấu trúc nợ, nhưng Châu Âu không thể đầu hàng.

Phụ trương kinh tế của Le Figaro nêu ra ba hồ sơ hiện tại đang khiến cho đàm phán tắc nghẽn : (bài) « hưu bổng, ngân sách thâm hụt và thuế TVA ». Cũng bài này cho biết, Athens có thể sẵn sàng cho nhiều thỏa hiệp, với điều kiện, « chương trình khung » hiện nay về nguyên tắc kết thúc ngày 30/06, được triển hạn thêm 9 tháng nữa, cũng có nghĩa là hoãn trả nợ để tiếp thục thương thuyết. Đây là điều mà Đức hiện tại không đồng ý.

Bắc Triều Tiên có đáng sợ ?

Nhìn sang Châu Á, sức mạnh quân sự của Bắc Triều Tiên là một tiêu điểm chú ý của Le Figaro với hồ sơ « Liệu có nên sợ Bắc Triều Tiên của Kim Jong Un? ». Bài nhận định nêu ra bốn vấn đề. Thứ nhất là số lượng bom hạt nhân mà quốc gia này hiện có, với khoảng từ 10 đến 15 trái bom cỡ nhỏ, và dự đoán sẽ tiếp tục tăng lên gấp 5 lần từ nay đến 2020. Vấn đề thứ hai là khả năng chế tạo thành công tên lửa đạn đạo có mang đầu đạn hạt nhân. Về điều này, chưa có bằng chứng chắn chắn, nhưng Bình Nhưỡng đã được coi là thành công khi đưa được lên quỹ đạo một vệ tinh nhờ tên lửa đầy, khiến quốc gia này gia nhập được « câu lạc bộ » gồm rất ít các cường quốc không gian. Vấn đề thứ ba mà Le Figaro lo ngại là khả năng Bắc Triều Tiên « bán vũ khí nguyên tử cho các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo ». Tuy nhiên, khả năng ít có thể xảy ra, vì nếu có một sự hợp tác như vậy, Bình Nhưỡng sẽ bị Hoa Kỳ trả đũa mạnh… Câu hỏi mà Le Figaro đặt ra là : tại sao chế độ Bắc Triều Tiên lại phải giương oai giễu võ như vậy ?

Theo tờ báo, khả năng Hàn Quốc bị tấn công Bình Nhưỡng bằng hạt nhân là gần như bằng không, vì nếu điều này xảy ra đây sẽ là một « sự tự sát của chế độ », vì Hoa Kỳ sẽ giáng đòn hủy diệt lên Bắc Triều Tiên. Trên thực tế, bom hạt nhân là một thứ « vũ khí chính trị » mà Bình Nhưỡng sử dụng để « duy trì sự sống còn về mặt quốc tế » của mình. Những thành công về vũ khí hạt nhân được Bình Nhưỡng sử dụng để kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong dân chúng, và khiêu khích Hoa Kỳ, vốn không không công nhận lãnh đạo họ Kim.

Theo Wang Junsheng, một chuyên gia viện nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại Thượng Hải, chiến lược của Bình Nhưỡng lôi kéo Hoa Kỳ trở lại đàm phán đã thất bại, do thái độ kiên quyết của Washington, chỉ chấp nhận đối thoại với Bình Nhưỡng trong khuôn khổ đàm phán 6 bên, chừng nào Bình Nhưỡng nhân nhượng trong vấn đề hạt nhân. Chính vì thế, Bắc Triều Tiên vẫn sẽ còn diễn lại « những màn khiêu khích » mới trên bán đảo Triều Tiên.

Người thủ vai Aung San Suu Kyi được Miến Điện tiếp đón

Trái ngược với chế độ Bắc Triều Tiên độc tài khép kín là sự cởi mở của Miến Điện, quốc gia đang trên đường cải cách. Le Monde quan tâm đến thực tế này trên bình diện văn hóa qua bài « Người Miến Điện tìm kiếm hồi ức thính thị của mình ».

Một sự kiện lịch sử : ngày 29/05 vừa qua, tại Rangoon, Bộ trưởng Thông tin Miến Điện cùng với người phát ngôn chính phủ đã nồng nhiệt đón nữ tài tử Malaysia Michelle Yeoh, trong buổi khai mạc Liên hoan phim quốc tế « Memory ! » lần thứ ba. Michelle Yeoh chính là người đã đóng vai nhà đối lập Aung San Suu Kyi trong bộ phim nổi tiếng « The Lady » (năm 2011) của đạo diễn người Pháp Luc Besson. Nữ nghệ sĩ Michelle Yeoh tuyên bố tại Rangoon : « Miến Điện không thể chỉ quay về quá khứ của mình, và các thế hệ mới không còn muốn lớn lên trong sự u tối ».

Không thể tưởng tượng được những lời lẽ trên được nói ra cách nay ít năm. « Sự có mặt của tôi ở đây là một thay đổi tích cực », nữ nghệ sĩ nhận xét. Sau khi thực hiện bộ phim, bà Michelle Yeoh đã bị cấm nhập cảnh Miến Điện.

Liên hoan phim Memory không có ban giám khảo, cũng không có giải thưởng. Mục đích của liên hoan là đưa đến với công chúng một cách tự do những hồi ức, những góc nhìn văn hóa đa dạng. 54 bộ phim kinh điển của toàn thế giới được trình chiếu với công chúng, trong đó có nhiều phim Miến Điện « có may mắn thoát khỏi những sọt rác của Lịch sử ». Nhiều cơ sở văn hóa Pháp đã tham gia trợ giúp điện ảnh Miến Điện trên con đường phục sinh.

El Nino đang trở lại sau 5 năm vắng bóng

« El Nino », tức hiện tượng nóng lên khác thường trên Thái Bình Dương, đang trở lại. Đó là thông tin từ giới nghiên cứu khí hậu được Le Monde đăng tải qua bài « El Nino trở lại sau 5 năm vắng bóng ». Theo NOAA, cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia Hoa Kỳ, đợt nóng bốn tháng đầu năm nay cao hơn 0,8°C so với nhiệt độ trung bình. Nếu tiếp tục đà này, năm 2015 sẽ là năm nóng nhất từ trước đến nay, được ghi nhận, hơn cả năm 2014 (vốn là năm được coi là nóng nhất).

Chu kỳ của El Nino là từ ba đến bảy năm. Năm nay, khả năng El Nino trở lại là từ 80 đến 90%, theo một nhà khí hậu học, Trung tâm khoa học Pháp CNRS (tại đại học Reading, Anh Quốc). Hiện tượng El Nino sẽ dẫn đến nhiều đảo lộn về khí hậu, tác động đến các đại dương, nghề cá, trồng trọt… Riêng tại Ấn Độ, thiệt hại do El Nino vào năm 2002 tương đương 3% GDP. Riêng ở Châu Âu, ảnh hưởng của El Nino là không đáng kể.

Tương tác giữa El Nino và biến đổi khí hậu là rất phức tạp, điều mà đang giới nghiên cứu cố gắng giải mã. Vẫn theo nhà nghiên cứu CNRS, việc trái đất bị hâm nóng có thể khiến tần suất của các đợt El Nino dữ dội gia tăng. Hiện tại khoảng một phần sáu các El Nino là « rất dữ dội », nếu đà phát khí thải cứ tiếp tục như hiện nay, vào cuối thế kỷ tới, tỉ lệ này sẽ tăng gấp đôi.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.