Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CHÂU Á - THAM NHŨNG

Cựu lãnh đạo Trung Quốc Chu Vĩnh Khang bị án tù chung thân

Hôm nay, 11/06/2015, theo AFP, một tòa án tại Trung Quốc đã kết án tù chung thân đối với cựu lãnh đạo ngành an ninh, nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản, Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang). Ông Chu Vĩnh Khang trở thành lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc bị thanh trừng trong vòng vài chục năm trở lại đây. Nhiều nhà quan sát ghi nhận, phán quyết nói trên khẳng định quyền lực bao trùm của ông Tập Cận Bình.

Chu Vĩnh Khang trong phiên họp Quốc hội ngày 14/3/2012.
Chu Vĩnh Khang trong phiên họp Quốc hội ngày 14/3/2012. REUTERS/Jason Lee/Files
Quảng cáo

Phần tuyên án đã được đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV truyền đi một cách long trọng. Bị cáo Chu Vĩnh Khang 72 tuổi, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng kể từ mùa thu 2013, nói trước tòa : « Tôi hối hận đã gây hại cho Đảng ». Cựu Ủy viên thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc thừa nhận toàn bộ các cáo buộc, và không khiếu nại phúc thẩm.

Ngược lại với phiên tòa xử Bạc Hy Lai (một cựu lãnh đạo cao cấp khác), phiên tòa xử Chu Vĩnh Khang đã diễn ra hết sức kín đáo. Theo một số nhà bình luận, đây là minh họa rõ ràng nhất cho « sự mờ tối của hệ thống tư pháp Trung Quốc ». Không có bất cứ thông tin nào lọt ra bên ngoài, trước bản án hôm nay. Chắc chắn là, ban lãnh đạo Trung Quốc hiện nay không muốn mạo hiểm trước khả năng ông Chu Vĩnh Khang có thể dùng cơ hội này để đưa ra những cáo giác gây rắc rối cho chế độ.

Vụ án Chu Vĩnh Khang cho thấy những quan hệ mờ ám của nhà nước Trung Quốc, giữa các thế lực cầm quyền với các tập đoàn kinh tế lớn. Sự thăng tiến của Chu Vĩnh Khang gắn liền với ngành công nghiệp dầu mỏ hái ra tiền, nổi tiếng với các khoản hối lộ hậu hĩnh.

Ông Chu Vĩnh Khang đặc biệt bị cáo buộc đã nhận khoảng 731.000 yuan (tương đương 105.000 euro) từ Tương Khiết Mẫn (Jiang Jiemin), nguyên Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước Trung Quốc. Số tiền nói trên không đáng kể so với khoản 130 triệu yuan tiền biển thủ vào túi con trai cựu lãnh đạo, ông Chu Bân (Zhou Bin) và vợ ông Chu Vĩnh Khang, bà Giả Hiểu Diệp (Jia Xiaoye).

Chu Vĩnh Khang từng là nhân vật quyền uy bậc nhất trong chế độ cộng sản Trung Quốc, với chức vụ đứng đầu Ủy ban kiểm tra chính trị và tư pháp của đảng Cộng sản, tức cơ quan quản lý hai ngành an ninh và tư pháp. Bê bối kéo dài từ hai năm nay liên quan đến tên tuổi Chu Vĩnh Khang và những người thân cận cho thấy những tệ nạn trầm kha của giai tầng lãnh đạo Trung Quốc. Việc loại trừ Chu Vĩnh Khang và một loạt các lãnh đạo cao cấp khác là nằm trong chủ trương tuyên chiến với tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, bộ máy cầm quyền Trung Quốc không thể tự tẩy rửa khỏi tham nhũng, nếu không có những cải cách thực sự về thể chế.

Theo nhà Trung Quốc học Lâm Lập Hòa (Willy Lam), bản án chung thân dành cho Chu Vĩnh Khang cho thấy sự thỏa hiệp của ông Tập Cận Bình : một bản án nặng hơn có thể biến nhiều cựu lãnh đạo cao cấp trở thành đối thủ với ông Tập.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.