Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC -NHÂN QUYỀN

Nhân quyền ở Trung Quốc qua lăng kính của chế độ Cộng sản

Le Figaro trở lại sự kiện Trung Quốc đầu tuần này vừa cho công bố Sách Trắng về nhân quyền ở nước này với nội dung tự ca tụng đã đạt được những tiến bộ « kỳ diệu» trong lĩnh vực mà Bắc Kinh vẫn luôn bị các tổ chức xã hội dân sự và phi chính phủ vẫn lên án không ngớt. Bài viết của Le Figaro chạy tựa : « Bắc Kinh tự mãn nguyện về nhân quyền » .

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình REUTERS/Saul Loeb/Pool
Quảng cáo

Hôm thứ Hai (08/06/2015) đầu tuần này, Bắc Kinh đã cho công bố sách trắng về vấn đề nhân quyền ở trong nước năm 2014. Le Figaro nhận thấy nhìn từ lăng kính của đảng Cộng sản và chính phủ Trung Quốc thì trong năm qua nước này đã đạt được « thành tựu kỳ diệu » trong lĩnh vực nhân quyền.

Tờ báo dẫn một đoạn trong Sách trắng viết : « Những thành tựu kỳ diệu của Trung Quốc trong việc thực thi quyền con người chứng minh đầy đủ Trung Quốc đang đi đúng hướng phát triển nhân quyền phù hợp với điều kiện quốc gia của mình ».

Đây là báo cáo thứ 12 về tình hình nhân quyền do chính quyền soạn thảo sau lần đầu tiên vào năm 1991, tức là chỉ 2 năm sau sự kiện đàn áp Thiên An Môn.

Theo Le Figaro, việc ra Sách Trắng về nhân quyền lần này nhằm đáp trả các báo cáo của nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế và của Bộ Ngoại giao Mỹ vốn vẫn nghiêm khắc lên án về tình hình nhân quyền tại Trung Quốc, đặc biệt kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012.

Sách Trắng nhân quyền của Bắc Kinh chỉ dày có 48 trang nhưng tập trung đưa ra hàng loạt số liệu rất tích cực như là : Trong năm 2014, Trung Quốc đã tạo thêm 13 triệu việc làm mới, thu nhập bình quân đầu người dân thành phố tăng 6,4% và ở nông thôn là 9,2%, hay như truyền hình Nhà nước phủ sóng khắp cả nước đến tận cả những làng chỉ có 20 hộ dân. Chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động đã thống kê được 226 nghìn trường hợp bị phát hiện, trong đó đã đưa ra xét xử khoảng 12 nghìn cá nhân.

Báo chí chính thức tại Trung Quốc đã ngay lập tức ca ngợi coi đó là bước tiến ngoạn mục trong « cuộc chiến chống đói nghèo, cải thiện đời sống người dân ... bảo vệ các quyền tự do, tôn trọng pháp quyền dân chủ ... »

Đó là nhìn từ phía chính quyền. Thực tế vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc là thế nào ? Nhật báo Pháp nhắc lại con số của Chinese Human Rights Defenders (CHRD) cho biết trong năm qua gần một nghìn nhà hoạt động bị bắt, tức là gần bằng tổng số 2 năm trước đó gộp lại. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền cũng liên tục tố cáo chính quyền Bắc Kinh đã bỏ tù rất đông các nhà báo, luật sư, gia tăng kiểm duyệt thông tin hay tình trạng tra tấn ép cung vẫn phổ biến.

Eva Pils, giáo sư luật pháp quốc tế và là nhà nghiên cứu Trung Quốc tại King’s College Luân Đôn nhận định : « Từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, ý tưởng Nhà nước có quyền hành động chống lại kẻ thù đã được áp đặt... Đảng kiểm soát toàn bộ tư pháp. Tập Cận Bình quên mất rằng tư pháp được cho là chế tài quyền lực và nhân quyền là một bộ phận trong pháp luật ».

Luật sư, mục tiêu chính của chế độ

Le Figaro cho biết các luật sư là mục tiêu trấn áp chính hiện nay của chế độ Trung Quốc. Bài báo đưa thí dụ về vụ bắt giữ luật sư Phố Chí Cường với cáo buộc « kích động hận thù dân tộc » « gây rối », tội danh vẫn thường xuyên được chính quyền sử dụng để kết án các nhà ly khai, luật sư hay nhà báo. Vụ bắt giữ này đã gây quan ngại đối với Washington cũng như Liên hiệp Châu Âu.

Le Figaro đã gặp luật sư Trương Tuyến Trung tai Trung Quốc và được biết « trong vòng một năm điều tra Phố Chí Cường, người ta chỉ tìm được những lời bình luận của ông đăng công khai trên mạng Vi Bác để khép tội. Phố Chí Cường là một trong những luật sư có tiếng trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền. Qua việc bắt giữ ông, chính quyền muốn răn đe các luật sư khác. »

Ở Trung Quốc có khoảng hai đến ba trăm luật sư chuyên về quyền công dân, tất cả đều lên án sự bất công trong tư pháp và điều kiện hành nghề bấp bênh. Thường xuyên có người bị tống giam, có người bị tra tấn chỉ vì muốn bảo vệ cho thân chủ của họ.

Kết thúc bài viết, Le Figaro trích lời của luật sư Trương : « Tại Trung Quốc, có chế độ độc tài đảng trị, các công dân bị tước quyền tự do ngôn luận và không có tư pháp độc lập. Tư pháp chỉ theo lệnh chính quyền.... Các Sách Trắng do chính quyền đưa ra không có liên quan gì với thực tế. Đó chỉ là tuyên truyền ».

Hàn Quốc lao đao với dịch viêm phổi cấp

Tiếp tục với thời sự liên quan đến châu Á. Le Figaro lưu ý đến dịch viêm phổi cấp do siêu vi Mers có nguồn gốc từ Trung Đông đang hoành hành tại Hàn Quốc từ nhiều tuần qua và mỗi ngày tình hình thêm nghiêm trọng.

Tờ báo ghi nhận « Đợt dịch chết người đang làm Hàn Quốc hốt hoảng » . Nhịp sống ở thủ đô Seoul bị chững lại từ khi bùng phát dịch viêm phổi do siêu vi MERS cuối tháng trước, đến nay đã làm 7 người thiệt mạng. Thủ đô Hàn Quốc những ngày này vắng hẳn người, thành phố 15 triệu dân này đã mất hẳn nhịp sống hối hả đông đúc vốn có.

Bị dư luận chỉ trích dữ dội, chính quyền Hàn Quốc hôm qua đã thông báo « kế hoạch khẩn cấp » để dập tắt dịch « ngay trong tuần này ». Bộ Y tế Hàn Quốc thừa nhận hành động chậm và đã xin lỗi dân chúng. Hiện 2.900 người được cách ly và hơn 200 trường học bị đóng cửa.

Le Figaro nhận thấy, một năm sau vụ tai nạn đắm phà Sewol làm hơn 300 người chết, chính quyền của bà Tổng thống Park Geun Hye giờ đây lại bị chỉ trích về cách xử lý khủng hoảng thiếu minh bạch và chậm trễ.

Thiệt hại kinh tế đã thấy ngay : 45 nghìn du khách đã hủy chuyến đến Hàn Quốc trong tuần đầu tháng này. Các rạp chiếu phim giảm 20% lượng khán giả. Ngân hàng Goldman Sach vừa điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc từ 3,3% xuống còn 2,8%.

Pháp : Một năm trước Euro 2016, việc chuẩn bị đúng tiến độ

Trang thể thao của Le Figaro đến với giải Vô địch bóng đá châu Âu Euro 2016 còn đúng 365 ngày nữa sẽ khai cuộc tại Pháp. Tờ báo có bài : « Euro 2016 tại Pháp đang đi đúng hướng ».

Theo Le Figaro, một năm trước ngày khai mạc Cúp bóng đá châu Âu Euro 2016, mọi công việc chuẩn bị của nước chủ nhà Pháp tiến triển tốt đẹp. Các công trình xây dựng mới, nâng cấp sân vận động để đón các trận đấu của Euro 2016 kéo dài từ ngày 10/6 đến 10/7 năm 2016 đều bảo đảm đúng tiến độ và đang gần như hoàn tất.

Hôm nay Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Châu Âu UEFA Michel Platini có cuộc họp báo tại Paris để khai trương đợt bán vé đầu tiên của Euro 2016.

Euro 2016 là giải Vô địch bóng đá châu Âu đầu tiên mở rộng từ 16 lên 24 đội bóng tham dự. Các trận đấu cũng sẽ tăng từ 31 lên 51 trận đấu. Số lượng vé bán ra trong Euro 2016 cũng tăng từ 1,4 triệu lên 2,5 triệu euro. Giá vé ở vòng đầu tối thiểu là 25 euro và vé xem trận chung kết thấp nhất là 85 euro. Ngay từ hôm nay, người hâm mộ bóng đá có thể đăng ký đặt mua vé qua mạng.

Với việc giao cho Pháp làm nước chủ nhà Euro 2016, Liên đoàn Bóng đá Châu Âu rất thảnh thơi, không phải ngược xuôi đốc thúc như trường hợp của Ukraina và Ba Lan ở giải Euro 2012. Tất cả mọi công việc chuẩn bị đầu diễn ra như dự kiến trong sự chủ động của nhà tổ chức. Le Figaro tự hào nhận thấy « trên phương diện hạ tầng cơ sở, phương tiện giao thông hay khả năng đón tiếp du khách, Pháp là nước được trang bị tốt nhất hành tinh ».

Như vậy là 32 năm sau Euro 1984, cùng với đội trưởng Michel Platini, đội tuyển Pháp giành chức vô địch châu Âu trên sân nhà, lần này Euro 2016 trở lại với nước Pháp với quy mô lớn gần bằng Cúp bóng đá thế giới . Một năm nữa người hâm mộ bóng đá trên cả thế giới sẽ hướng về nước Pháp để theo dõi các trận cầu đỉnh cao của lục địa châu Âu, nơi hội tụ tinh hoa bóng đá thế giới. Vòng loại cho Euro 2016 sẽ kết thúc vào ngày 17/11 tới với các trận tranh vé vớt. Khi đó chúng ta sẽ biết được hết 24 gương mặt tiêu biểu cho bóng đá châu Âu tới Pháp dự ngày hội bóng đá của châu lục.

Vụ Thủ tướng Pháp bay tới Berlin xem bóng đá chung kết C1 vẫn chưa nguôi

Trở lại với trang nhất các tờ báo Pháp, thời sự nóng chiếm trang nhất một số tờ báo ra hôm nay vẫn là vụ lùm xùm xung quanh chuyến bay khứ hồi bằng chuyên cơ tới Berlin cuối tuần qua của Thủ tướng Pháp Manuel Valls để xem trận chung kết Cúp C1 bóng đá châu Âu, đặc biệt với chi tiết mới được phát giác đó là cả hai con trai ông Thủ tướng cũng đi cùng chuyến bay tốn kém này.

Nhật báo Le Parisien chạy tựa lớn trang nhất « Hố lớn rồi ! », còn báo Libération thì than rằng : « Valls ghi bàn phản lưới nhà ». Les Echos cũng chạy tựa « Hiệu ứng quả bóng tròn ». Nhật báo kinh tế nhận xét chuyến vi hành bóng đá bằng tiền Nhà nước của Manuel Valls đang trở thành một trường hợp tiêu biểu công tư lẫn lộn.

Le Figaro thì xoáy vào cách lý giải cho chuyến đi. Tờ báo cho rằng lẽ ra cứ thẳng thắn nhận rằng mình có quyền được thư giãn thì ông lại quanh quẩn với các lý giải không thuyết phục rằng đó là chuyến đi vì công việc, mà việc này không có trong thời gian biểu của ông. Dù gì thì vụ lùm xùm này sẽ khiến ông Manuel Valls phải trả giá bằng việc hình ảnh bị sứt mẻ.

Nhật báo Le Parisien bình luận : Thủ tướng vẫn chăm chút tỉ mỉ cho hình ảnh trước người dân Pháp của một người tằn tiện, nghiêm khắc và tận tụy với công việc. Một chuyến du hành bằng máy bay, thế là sụp đổ hết. Làm sao một người đứng đầu chính phủ lại mắc phải một sai lầm dại dột đến như vậy ? Tờ báo trả lời : Chắc hẳn bởi vì cũng như những người khác trước đây, ông đã mất đi cái giác quan thực tế khi có quyền trong tay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.