Vào nội dung chính
HOA KỲ - TRUNG QUỐC - TIN TẶC

Tin tặc xâm nhập dữ liệu của 4 triệu viên chức Mỹ, Bắc Kinh bị nghi ngờ

Theo báo Washington Post hôm qua, 04/05/2015, chính quyền Mỹ thông báo đã phát hiện được vụ tin tặc xâm nhập dữ liệu cá nhân của bốn triệu nhân viên Liên bang. Vụ tấn công tin học lớn này bị tình nghi là xuất phát từ Trung Quốc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa DR
Quảng cáo

Vụ tấn công nói trên đã được cơ quan quản lý nhân sự Hoa Kỳ (OPM) phát giác hồi tháng 4/2015. Đây là cuộc tin tặc lớn thứ hai mà cơ quan này bị nhắm vào. Một số giới chức Mỹ ẩn danh cho biết OPM đã bị tấn công lần đầu vào tháng 12/2014. Hiện tại, người ta không biết các cuộc tấn công - bị tình nghi do Bắc Kinh đằng sau - được thực hiện nhằm mục tiêu đánh cắp dữ liệu cá nhân hay gián điệp.

Hôm nay, trong một cuộc trả lời báo giới về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án Hoa Kỳ là « vô trách nhiệm » và quy kết đưa ra là « hoàn toàn không có cơ sở khoa học ». Theo người phát ngôn Trung Quốc, rất khó tìm ra thủ phạm của các vụ tin tặc, vì chúng thường được tiến hành bên ngoài biên giới quốc gia và người thực hiện không để lại danh tính.

Hồi tháng Hai năm nay, giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ DNI, ông James Clapper, nhắc lại rằng nạn gián điệp Trung Quốc nhắm vào doanh nghiệp Mỹ đặt ra « một vấn đề nghiêm trọng ». Theo giám đốc tình báo Mỹ, Bắc Kinh và Matxcơva sở hữu nhiều hệ thống « rất hùng mạnh » cho mục tiêu này. Ông James Clapper từng công khai nói đến vai trò của Trung Quốc trong một cuộc tấn công tin học tháng 8/2014, nhắm vào các bệnh viện thuộc hệ thống quản lý của Community Heatlth Systems (gồm 200 cơ sở), nhiều dữ liệu cá nhân của bệnh nhân đã bị đánh cắp.

Tin tặc là một trong những vấn đề khiến quan hệ Washington và Bắc Kinh xấu đi, hồi tháng 5/2014, tư pháp Mỹ truy tố năm quân nhân Trung Quốc, vì tội « gián điệp kinh tế » « tin tặc ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.