Vào nội dung chính
TỊ NẠN - CHÂU Á

Người tỵ nạn tại Úc được tái định cư tại Cam Bốt

Hôm nay, 04/06/2015, Cam Bốt tiếp nhận những người tỵ nạn đầu tiên do Úc gởi đến, chiếu theo một hiệp định bị các tổ chức phi chính phủ và Liên hiệp quốc chỉ trích.

Một khu tạm cư dành cho người tỵ nạn từ một trại nam Thái Bình Dương, Phnom Penh, 04/06/2015.
Một khu tạm cư dành cho người tỵ nạn từ một trại nam Thái Bình Dương, Phnom Penh, 04/06/2015. REUTERS/Samrang Pring
Quảng cáo

Bốn người tỵ nạn, gồm 3 người Iran và một người thiểu số Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện, sáng nay đã đáp máy bay xuống phi trường Phnom Penh và đã được các nhà ngoại giao Úc đón tiếp tại phòng VIP, để tránh các phóng viên, kéo đến đây rất đông để đưa tin về việc tiếp nhận đợt tỵ nạn đầu tiên này.

Bốn người tỵ nạn nói trên đã được giao cho Tổ chức Di dân Quốc tế ( OIM ) quản lý. Tổ chức này sẽ giám sát việc sắp xếp nơi ở cho họ ở Phnom Penh và sự hội nhập của họ vào xã hội Cam Bốt, trong đó có việc học tiếng Khmer.

Nước Úc đã bị chỉ trích vì đã đưa những người xin tỵ nạn đến các trại ở Papua-New Guinea hoặc ở các đảo như Nauru, trong thời gian xét hồ sơ của họ. Theo hiệp định ký với Phnom Penh vào tháng 09/2014, những người nào được cấp quy chế tỵ nạn ở Nauru, nếu muốn, sẽ được tái định cư vĩnh viễn ở Cam Bốt. Đổi lại việc Cam Bốt tiếp nhận những người tỵ nạn này, Úc phải cấp cho Phnom Penh hàng triệu đôla viện trợ phát triển, mà số tiền chính xác chưa không được tiết lộ.

Phản ứng về việc tiếp nhận những người tỵ nạn đầu tiên hôm qua, ông Phil Robertson, đại diện tại châu Á của tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch, tuyên bố : « Đây là bốn người thí nghiệm trong khuôn khổ một thí nghiệm do Úc tiến hành ». Ông Robertson nhắc lại rằng Cam Bốt là quốc gia không tôn trọng nhân quyền, cũng như quyền của người xin tỵ nạn. Chính quyền Phnom Penh  đã đặc biệt bị chỉ trích, vì đã không công nhận quy chế tỵ nạn cho những người Thượng chạy sang Cam Bốt tỵ nạn do bị đàn áp ở Việt Nam.

Về phần tổ chức Ân xá Quốc tế thì yêu cầu chính phủ Úc ngưng chuyển người tỵ nạn sang những nước thứ ba nơi mà họ có thể trở thành nạn nhân của những vụ vi phạm nhân quyền.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.