Vào nội dung chính
ASEAN - CHÂU Á - INDONESIA - MALAYSIA - THÁI LAN - MIẾN ĐIỆN

Khủng hoảng thuyền nhân, khủng hoảng ASEAN ?

Những tuần gần đây, hàng ngàn người Rohinghya và Bangladesh đã được cứu vớt sau hàng tháng lênh đênh trên biển trong tình trạng sức khỏe bị suy sụp trầm trọng do thiếu lương thực và nước uống. Nguyên nhân của việc bùng phát nạn thuyền nhân do việc Thái Lan xiết chặt luật lệ chống nạn buôn người trung chuyển qua ngả đường rừng tại quốc gia này, buộc những kẻ dẫn đường bất lương thay đổi lộ trình đi bằng đường biển.

Cảnh sát Malaysia di dời thi thể các nạn nhân nhập cư trong các hố chôn tập thể trong rừng rậm, ngày 28/05/2015
Cảnh sát Malaysia di dời thi thể các nạn nhân nhập cư trong các hố chôn tập thể trong rừng rậm, ngày 28/05/2015 REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo đó, ngày hôm qua 29/05/2015, Thái Lan đã mở cuộc họp khẩn cấp để bàn về vấn đề thuyền nhân Đông Nam Á. Một sự việc không những mang tính chất khu vực mà còn là vấn đề chính trị, vì Miến Điện, quốc gia xuất phát của các thuyền nhân luôn phủ nhận cộng đồng sắc tộc thiểu số Rohingya.

Đây không phải là lần đầu tiên các quốc gia trong khu vực cố gắng tìm các giải pháp để đối mặt với làn sóng thuyền nhân, nhưng lần này cuộc họp đã được triệu tập khẩn cấp. Sau nhiều lần do dự, đến hay không đến, cuối cùng Tập đoàn quân sự Miến Điện đã chấp nhận lời mời của Bangkok. Tuy vậy, chính quyền nước này vẫn có thái độ cứng rắn trong vấn đề quy chế người Rohingya. Theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng thuyền nhân là một trắc nghiệm về khả năng hợp tác giữa các nước trong Hiệp hội Đông Nam Á - ASEAN.

Cuộc chiến chống lại những đường dây buôn người

Nhật báo Mỹ New York Times nhắc lại trong vòng ba tháng đầu năm 2015, tổng cộng gần 25.000 thuyền nhân đã vượt biển. Như thường lệ, người ta không bàn đến nguyên nhân của vấn đề mà chỉ đề cập đến một trong những hậu quả. Tại thượng đỉnh Bangkok, cuộc chiến chống lại những đường dây dẫn đường là những chủ đề ưu tiên, sau nhiều năm bất động thậm chí là đồng lõa của một số chính quyền. Bởi vì sự ra đi ồ ạt đó cho thấy rõ là có cả một tổ chức bất lương rộng lớn, không chỉ ở điểm xuất phát tại Miến Điện và Bangladesh, mà ở cả các nước di dân đến và tại các quốc gia trung chuyển, theo như khẳng định của ông Kothom Arya, giáo sư Đại học Mahidol ở Bangkok.

« Đó không chỉ là vấn đề dân nhập cư mà cả về vấn buôn người. Những thuyền chở đầy người đó thường cập vào vùng biển của Thái Lan. Cần phải khám xét những chiếc thuyền này, tịch thu thuyền và truy lùng những kẻ buôn người này. Những người Thái tham gia vào đường dây buôn người này, thường là những kẻ có quyền lực về mặt chính trị và hành chính và thậm chí là kiểm soát cả hệ thống ».

Vấn đề này có liên quan phần nào đến ngành đánh bắt hải sản. Một số ông chủ ngành này, không chút đắn đo, coi những người tỵ nạn đó như là nguồn nhân công rẻ mạt. Vị giáo sư trên, cũng là nhà đấu tranh cho Nhân quyền nói tiếp : « Với hoạt động đánh bắt hải sản, nhất là ở những vùng biển quốc tế, Thái Lan tận thu được rất nhiều tiền. Họ thiếu người làm việc trên các tàu đánh bắt, nên những thuyền nhân đó được cho là những lao động dễ bảo và rẻ tiền, cho nên dễ dàng sử dụng họ để làm việc trên các thuyền đánh bắt hải sản ».

Từ trại này qua trại khác

Chấm dứt nạn buôn người, nhưng trước hết cần phải phòng ngừa khủng hoảng nhân đạo : vì lẽ Miến Điện cuối cùng đã chấp thuận tham gia, nên một số quốc gia xem cuộc thượng đỉnh nhỏ này như là một cơ hội duy nhất để xử lý nguồn cội của cuộc di dân. Ai cũng biết rõ vấn đề này và đã biết từ rất lâu. Phần đông thuyền nhân là người Rohingya, một sắc tộc thiểu số tại bang Rakhine, phía tây Miến Điện. Tại bang này, rất nhiều người theo đạo Hồi đã bị khước từ quyền công dân.

Kể từ vụ xung đột giữa các sắc tộc xảy ra từ năm 2012, 140.000 người trong số họ phải sống trong những trại tỵ nạn tạm bợ. Bị truy bức, họ cố tìm cách chạy khỏi đất nước bằng mọi giá. 100.000 trong số họ có lẽ đã chọn con đường vượt biển để đến Malaysia, đôi khi là tỉnh Aceh của Indonesia. Nhưng những người tỵ nạn này rời bỏ trại tạm bợ tại Miến Điện để rồi lại rơi vào những trại khác : những trại của bọn bất lương trong những khu rừng sâu của Thái Lan hay Malaysia, nơi mà họ bị giam giữ cho đến khi nào gia đình trả một khoản tiền chuộc, và giờ đây, họ lại phải sống trong những trại tạm bợ tại Indonesia và Malaysia với sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc.

Thế nhưng, theo suy luận của bà Chris Lewa, giám đốc Dự án Arakan (tên Miến Điện của bang Rakhine), dù là từ một tuần nay, những chiếc thuyền đó đã biến mất khỏi tầm mắt, có lẽ là do kẻ dẫn đường rất sợ bị trả thù nhưng chắc chắnlà vẫn còn có rất nhiều thuyền neo đậu đâu đó ngoài khơi xa.

« Nhân thượng đỉnh lần này, nhất thiết phải có một sự hợp tác giữa các lực lượng hải quân của các nước trong khu vực. Việc khẩn cấp hiện nay là cứu hộ trên biển, bởi vì chúng tôi nghĩ là vẫn có hàng trăm người nếu không muốn nói là hàng nghìn người Rohingya và Bangladesh còn lênh đênh trên biển. Chúng tôi đã nói chuyện với những gia đình có người vượt biển ra đi vào tháng Ba và tháng Tư vừa qua. Họ cho biết là vẫn chưa có tin tức gì của người thân. Cần phải tiến hành các cuộc tìm kiếm trên các vùng biển quốc tế ».

Khủng hoảng nhập cư, khủng hoảng ASEAN

Hình ảnh các con thuyền chở đầy dân nhập cư trong những ngày qua và bóng dáng những thân hình gầy còm do thiếu ăn đã được các đài truyền hình loan tải ra toàn thế giới. Các hình ảnh này làm nhớ lại những thảm cảnh trước đây. Người ta vẫn còn nhớ hình ảnh tàu hải quân Thái Lan kéo những chiếc thuyền buồm chở người tỵ nạn, trong cuộc khủng hoảng hồi tháng 12/2008 và tháng Giêng năm 2009. Khi lôi các thuyền này ra hải phận quốc tế, tuần duyên Thái Lan cắt dây kéo và bỏ mặc số phận của gần một ngàn người tỵ nạn. Vào lúc đó, ASEAN tỏ thái độ bất bình nhưng không đưa ra quyết định nào cả.

Giờ đây, một cuộc khủng hoảng mới lại đặt ASEAN vào tình thế khó xử, cũng như nhiều diễn đàn khu vực khác đang phải đối mặt với quá nhiều các thỏa thuận song phương. Tại đây, lại một lần nữa, các nước « đón nhận » thuyền nhân phải hứng chịu. Ông Mathew Davies, chuyên gia về Nhân quyền và ASEAN thuộc trường Châu Á-Thái Bình Dương Coral Bell, đại học Quốc gia Úc, được trang thông tin Châu Á Alter Asia trích dẫn, giải thích :

« Việc thử thách ASEAN trong khuôn khổ cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ còn nghiêm trọng hơn so với cuộc khủng hoảng trong những năm 2000. Hoàn cảnh của người Rohingya có thể gây nhiều nghi ngờ về cam kết của ASEAN chú trọng đến vấn đề con người. Chúng ta chuyển từ trắc nghiệm liên quan đến tổng thể các quy định ngoại giao sang trắc nghiệm về mục tiêu đạo đức của ASEAN. Với hàng ngàn sinh mạng con người đang bị đe dọa, vấn đề không phải là chỉ trích mà là sự im lặng nặng nề thể hiện đặc trưng cho câu trả lời của ASEAN… Các thành viên ASEAN dường như đồng lõa với nhau trước nỗi bất hạnh của người Rohingya hơn là muốn tìm kiếm một giải pháp ».

Các hố chôn tập thể gây chấn động công luận

Ban đầu, các hố chôn tập thể những ngưòi nhập cư được phát hiện trong rừng rậm Thái Lan hồi đầu tháng Năm, rồi gần đây là ở phía bên kia biên giới, trong khu rừng rậm Malaysia. Sự kiện này gây chấn động một bộ phận công luận, nhất là tại Thái Lan, một số phương tiện truyền thông đã công khai chỉ trích chính quyền không hành động. Xã luận tờ Bangkok Post, hôm thứ Tư, 27/05, nhận định : « Chính quyền Bangkok nói rằng Thái Lan chỉ là một vùng trung chuyển và do vậy không liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng thuyền nhân; các khẳng định này không có cơ sở. Thực ra, Thái Lan là trung tâm đầu não của nạn buôn người trong khu vực. Và chỉ có việc thực tâm hợp tác với các nước liên quan thì mới có thể đối phó được với cuộc khủng hoảng ».

Về phần mình, giáo sư Kothom Arya giải thích : « Chúng ta bất ngờ phát hiện ra nhiều xác chết trong các trại tập trung bất hợp pháp, thật là bê bối, xấu hổ. Người ta đã cả gan bòn rút tiền của những người nghèo khổ, cướp giật tiền của những người cùng quẫn, những người cùng cực nhất trong số những người nghèo khổ, để trả tiền cho những kẻ buôn người. Và trong nhiều năm trời, người ta đã làm như không biết đến những kẻ nghèo khổ này. Những người tỵ nạn được giấu trong các trại trung chuyển bí mật ở trong rừng, nhưng chính quyền vẫn tiếp tục không thừa nhận sự tồn tại của các trại này, thậm chí còn khai thác thảm họa, làm nổi bật vấn đề, như trò ảo thuật ».

Tại Malaysia, tuần này, các giải thích chống chế quá vụng về, khó thuyết phục. Theo báo Strait Times, cảnh sát Malaysia cuối cùng phải thừa nhận là ngày 11/05, đã việc phát hiện ra các hố chôn 139 xác dân nhập cư ở vùng biên giới chung với Thái Lan, và chỉ đưa báo chí đến quan sát hôm thứ Hai, 25/05/2015.

Đùn đẩy trách nhiệm

Cho dù có ý thức được vấn đề nhưng các nước trong vùng vẫn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Nếu như chính quyền Malaysia và Thái Lan không nhắm mắt làm ngơ trước sự tồn tại các trại trung chuyển người nhập cư ở trong rừng, thành ngữ « bóng bàn nhân mạng » mà các tổ chức phi chính phủ tố cáo, vẫn là một thực tế rất phũ phàng. Bà Chris Lewa kể lại : « Tôi từ các trại ở Aceh trở về, ở đó, nhiều người tỵ nạn nói với chúng tôi là họ đã bị tàu hải quân Thái Lan và Malaysia đẩy ra ngoài khơi, trước khi họ tới được Indonesia ».

Ngoài sức ép của các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền, còn có các bản báo cáo của Hoa Kỳ và Châu Âu, chỉ trích nạn buôn người tại Thái Lan và Malaysia, thúc ép chính phủ các nước này phải hành động. Bà Lateefah Koya, lãnh đạo tổ chức phi chính phủ Liberty for Lawyers tại Kuala Lumpur nhấn mạnh :

« Nhất thiết phải có một giải pháp cho toàn khu vực. Malaysia, Indonesia và Thái Lan phải ý thức được trách nhiệm của mình, với tư cách là thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN, đồng thời, đó cũng là các nước mà những người nhập cư này muốn tới lánh nạn. Chúng ta không thể nói đây là một tình hình mới trong khu vực. Những người Rohingya tỵ nạn đến Malaysia từ cuối những năm 70, do vậy, giờ đây, đẩy họ ra là một việc làm rất vô nhân đạo. Malaysia biết rõ là nếu những người nhập cư này bị đuổi về Miến Điện, họ có nguy cơ bị tra tấn hoặc bị giết hại ».

Theo tổ chức phi chính phủ Arakan Project, cách nay vài ngày, lực lượng tuần duyên Miến Điện dường như đã kéo được một tàu chở 200 người nhập cư. Khoảng một chục người trong số này, hôm thứ Hai, 25/05, dường như đã bị kết án tù nhiều năm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.