Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Đức Đạt Lai Lạt Ma kêu gọi lãnh tụ đối lập Miến Điện giúp dân Rohingya

Vào lúc thông tin về thảm cảnh mà người thiểu số Rohingya tại Miến Điện phải chịu đựng ngày càng nhiều, Đức Đạt Lai Lạt Ma, vào hôm nay, 28/05/2015 đã lên tiếng một lần nữa. Ông đã kêu gọi lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi, người cũng được giải Nobel Hòa bình như ông, là nên làm nhiều hơn để giúp đỡ người Rohingya.

Đức Đạt Lai Lạt Ma kêu gọi sự cứu giúp cho dân Rohingya - REUTERS /Utpal Baruah
Đức Đạt Lai Lạt Ma kêu gọi sự cứu giúp cho dân Rohingya - REUTERS /Utpal Baruah
Quảng cáo

Trong bài phỏng vấn dành cho nhật báo Úc The Australian, một tuần trước chuyến thăm Úc, lãnh tụ tinh thần của Phật giáo Tây Tạng đã cho rằng bà Aung San Suu Kyi cần phải lên tiếng mạnh mẽ để bênh vực người Hồi giáo Rohingya đang bị kỳ thị, ngược đãi ở Miến Điện, một quốc gia Phật giáo.

Đức Đạt Lai Lạt Ma còn nói rõ là từ năm 2012 đến nay, ông đã hai lần đích thân cầu cứu bà Aung San Suu Kyi khi nổ ra những vụ bạo động đẫm máu tại bang Rakhine giữa người Rohingya và cư dân đại phương theo Phật giáo.

Trong thời gian gần đây, lãnh tụ đối lập Miến Điện hầu như đã im hơi lặng tiếng trước thảm cảnh đang diễn ra đối với hàng ngàn người Rohingya, đã phải vượt biển qua các nước khác để thoát khỏi cảnh đói nghèo và phân biệt đối xử mà họ phải gánh chịu tại Miến Điện.

Giới quan sát cho rằng sở dĩ bà Aung San Suu Kyi không lên tiếng, đó là vì bà không muốn làm phật lòng cử tri mà đa số theo Phật giáo, trước cuộc bầu cử dự kiến vào tháng Mười Một.

Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng công nhận tình thế tế nhị của bà Aung San Suu Kyi, nhưng tin rằng trong tư cách một người đoạt giải Nobel Hòa bình, bà « có thể làm một cái gì đó ».

Về thảm cảnh mà người Rohingya vượt biên phải gánh chịu, trong những ngày qua, Malaysia đã phát hiện 139 ngôi mộ tại vùng biên giới với Thái Lan, tình nghi là chôn người Rohingya tìm cách vượt biên vào Malaysia.

Mọi người đã lo ngại rằng đó là những hố chôn tập thể, nhưng theo chính quyền Malaysia vào hôm nay, mỗi ngôi mộ chỉ có một thi hài. Kết quả điều tra sơ khởi cho thấy là những người này được chôn cất tử tế, theo đúng nghi thức Hồi giáo, nên rất có thể là người Rohingya.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.