Vào nội dung chính
BANGLADESH - MIẾN ĐIỆN

Bangladesh dự định đưa người Rohingya ra đảo

Hàng ngàn người Rohingya sống trong những lán trại tạm bợ gần biên giới Miến Điện có thể sẽ được di dời đến một hòn đảo. Trên đây là thông báo của một quan chức chính phủ Bangladesh hôm nay 28/05/2015.

Trẻ em Rohingya tại trại tỵ nạn Sittwe, Miến Điện - REUTERS /Soe Zeya Tun
Trẻ em Rohingya tại trại tỵ nạn Sittwe, Miến Điện - REUTERS /Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Ông Amit Kumar Baul, chuyên trách về hồ sơ người tỵ nạn đến từ Miến Điện cho AFP biết dự án này đã được Thủ tướng chính phủ Sheikh Hasina ủng hộ. Hàng ngàn người Rohingya sẽ được đưa đến đảo Hatiya, ở phía nam đất nước, trong Vịnh Bengal. Khoảng 32.000 người tỵ nạn Rohingya hiện đang sinh sống trong hai trại tỵ nạn tạm bợ ở vùng đông nam Bangladesh, huyện Cox’s Bazar, sát với biên giới Miến Điện, nơi mà cộng đồng thiểu số Hồi giáo này đã bị chối bỏ và bị truy bức.

Chính phủ Bangladesh đưa ra quyết định trên vì cho rằng những trại tỵ nạn tạm bợ đó kiềm hãm tiềm năng khai thác du lịch tại Cox’s Bazar. Hàng dãy khách sạn nằm dọc theo bờ biển và đây cũng là điểm du lịch ưa thích của người Bangladesh, theo như giải thích của vị quan chức chính phủ trên.

Tuy nhiên, lãnh tụ cộng đồng người tỵ nạn Rohyngya, Mohammad Islam đã lên án quyết định này, cho rằng dự án đó sẽ còn làm cho cuộc sống của người Rohingya thêm khó khăn. Nhiều người trong số này đã phải sống mòn mỏi trong các trại tạm bợ từ nhiều năm nay, sau khi rời bỏ Miến Điện. Ông Mohammad Islam kêu gọi chính phủ và cộng đồng quốc tế nên giải quyết vấn đề của họ ngay tại chỗ.

Còn theo nhận định của phát ngôn viên Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, tổ chức đã giúp đỡ những người tỵ nạn này từ năm 1991, việc ra đi đến chỗ mới phải được dựa trên tinh thần tự nguyện. Mọi sự cưỡng bức sẽ làm cho vấn đề thêm phức tạp và gây ra nhiều tranh cãi.

AF nhắc lại hàng ngàn người Rohingya và Bangladesh đã tìm cách vượt biển để đến Đông Nam Á. Khủng hoảng thuyền nhân bùng nổ hồi đầu tháng 5/2015 sau khi chính quyền Thái Lan xiết chặt chính sách chống đưa người nhập cư lậu, trung chuyển qua đường rừng của Thái Lan. Hàng ngàn thuyền nhân đã bỏ mạng trên biển do hành động vô nhân đạo của những kẻ dẫn đường, bỏ rơi người tỵ nạn lênh đênh trên biển hàng tháng trời.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.