Vào nội dung chính
NHẬT BẢN

Shinzo Abe, « nhà cải cách » hay là cực đoan ?

Khác với hình ảnh một nhà cải cách do các chính sách được mệnh danh là « Abenomics » để vực dậy nền kinh tế đất nước, Thủ tướng Nhật Bản là thành viên của một tổ chức cực hữu theo chủ nghĩa xét lại, kêu gọi quay trở về với chế độ quân phiệt. Chủ đề này được tuần san L’Obs số ra tuần này (từ ngày 21-27/05/2015) phản ảnh lại qua bài viết đề tựa « Mặt trái của Shinzo Abe ».

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe REUTERS/Issei Kato/Files
Quảng cáo

Đặc phái viên Vincent Jauvert của tuần báo tại Tokyo cho biết Thủ tướng Shinzo Abe là thành viên của tổ chức cực hữu mang tên « Nippon Kaigi » (tạm dịch là Hội nghị Nhật Bản), từ năm 1997, khi còn là Nghị sĩ Quốc hội. Một tổ chức bí mật nhưng có tầm ảnh hưởng rất lớn, vừa theo chủ nghĩa xét lại vừa độc tài.

Không chỉ có riêng ông, 3/4 số bộ trưởng trong nội các, đều có liên hệ chặt chẽ với tổ chức này. Ông Koichi Nakano, giáo sư ngành Khoa học chính trị, Đại học Sophia tại Tokyo, ước tính hiện có đến 289 nghị sĩ (tức chiếm đến 40% số ghế trong Quốc hội) là thành viên của tổ chức cực hữu đó.

« Nippon Kaigi » được thành lập vào năm 1997, sau khi được sáp nhập từ hai phong trào cực hữu nhỏ, một từ các cựu sĩ quan hoàng gia – những người đã từng tham gia cuộc xâm lược Mãn Châu, và một phong trào khác từ những thành viên của giáo phái Thần đạo (Shinto).

Theo giải thích của ông Jiro Yamaguchi, chuyên gia về các phong trào cánh hữu thuộc đại học Hosei, « Hai nhóm theo chủ nghĩa xét lại và hoài tưởng những năm 1930 không chấp nhận việc Nhật Bản phải xin lỗi về những hành động dã man phạm phải trong suốt thời kỳ chiến tranh. Theo họ, người Nhật phải tự hào về đế chế. Họ đã sáp nhập lại với nhau khi hiểu ra rằng vì chia rẽ nên họ đang bị thua trong cuộc chiến ý thức hệ ».

Chủ trương của tổ chức bí mật này là gì ?

Theo tuần san L’Obs, một trong những chủ trương hàng đầu của « Nippon Kaigi » là chấm dứt một nước Nhật Bản thời hậu chiến, được cho là có các mô hình và định chế do Mỹ áp đặt. Theo họ, cần phải viết lại lịch sử đất nước. Nhật Bản không đi « xâm lược », mà là đến « giải phóng » các dân tộc Châu Á.

Vụ thảm sát Nam Kinh chỉ là một hành động can thiệp giải cứu người dân khỏi các binh sĩ Trung Hoa ngụy trang thành thường dân. « Gái giải sầu » chẳng qua là những phụ nữ đó tình nguyện hành nghề mại dâm để tăng thêm thu nhập vào cuối tháng.

Trên phương diện giáo dục, dạy về « lòng yêu nước » là nền tảng chủ đạo. Đặc biệt, « Nippon Kaigi » muốn thay đổi điều số 9 trong Hiến pháp chủ hòa, được cho là thông qua « dưới áp lực của Hoa Kỳ ». Những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan cũng như bản thân ông Shinzo Abe đều muốn rằng Nhật Bản phải có một quân đội để có thể can thiệp khắp nơi chứ không phải là một « lực lượng tự vệ » như ngày nay.

Về mặt xã hội, các thành viên của Nippon Kaigi muốn sửa đổi điều số 24 liên quan đến quyền bình đẳng nam và nữ trong hôn nhân. Người chồng là chủ gia đình, có quyền áp đặt trên mọi lãnh vực. Tại trường học, người ta điểm danh theo thứ tự ABC nhưng con trai trước, rồi mới đến con gái. Về tôn giáo, tổ chức bí mật muốn xóa bỏ điều 16 quy định tách rời tôn giáo với Nhà nước. Một điều luật cản trở chính phủ quan tâm đến đền thờ Yasukuni, nơi vinh danh các sĩ tử, nhưng cũng là nơi yên nghỉ của nhiều tội phạm chiến tranh.

Và điều cuối cùng mà tổ chức bí mật này muốn thực hiện đó là sự trở về của hoàng đế trong đời sống chính trị tại Nhật Bản, một kiểu nền dân chủ chuyên chế. Câu hỏi đặt ra, ông Abe và các cộng sự của ông có thể đi đến đâu ? Theo nhận định của ông Jiro Yamaguchi, « Tất cả những điều đó phụ thuộc vào người Mỹ. Vì muốn đối phó với Bắc Kinh, họ rất cần một nước Nhật tái quân sự hóa. Để có thể làm được điều đó, bất chấp xuất xứ chủ nghĩa dân tộc, ông Abe cũng đã được đón tiếp long trọng tại Washington hồi tháng Tư vừa qua. Nhưng Nhà Trắng cũng không thể chấp nhận quá mức hơi hướng chủ nghĩa xét lại, nếu không muốn mất các đồng minh khác trong khu vực ».

Narendra Modi, một nhà cải cách thật sự ?

Nếu như ông Shinzo Abe nổi tiếng với các chính sách kinh tế « Abenomics » của mình, thì tại Ấn Độ, lên cầm quyền lãnh đạo đất nước cách đây một năm, ông Narendra Modi, cũng là một người theo tình thần dân tộc như đồng nhiệm Nhật Bản, đang vật vã thực hiện công cuộc cải cách đất nước. Người dân bắt đầu nghi ngờ về khả năng thực hiện những cam kết mà ông đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử. Chủ đề này được L’Express đề cập đến qua bài phóng sự đề tựa « Hiệu quả Modi ngắn ngủi ».

Đối với một số chuyên gia hay một số đối thủ chính trị, ông Narendra chỉ có tài làm marketing và dàn dựng kịch bản, kể cả cho chính bản thân ông. Xem lại những năm ông làm lãnh đạo bang Gujarat, kết quả cũng không mấy khích lệ nhất là trên lãnh vực xã hội. Nổi tiếng là người rất ủng hộ giới chủ (do các chính sách kêu gọi đầu tư ưu đãi), khá nghiêm khắc với giới công chức, nhưng 15 năm lãnh đạo bang, điều kiện sống cho người dân cũng chưa có gì là cải thiện hơn so với các đời lãnh đạo trước.

Theo các chỉ trích của phe đối lập, thì tại bang Gujarat, nạn thất nghiệp vẫn còn cao (hàng triệu người), 45% trẻ em vẫn trong tình trạng thiếu ăn, và 20% người dân mù chữ. Nhiều nơi, nhất là tại những vùng nông thôn xung quanh, người dân đã chờ đợi từ 15 năm qua để có được một bệnh viện hay như đường ống dẫn nước sạch đến từng hộ gia đình. Vấn đề nhà ở cho người nghèo vẫn tiếp tục là những giấc mơ xa vời. Và nạn tham nhũng cũng không hề thuyên giảm.

Thái Lan của hai màu áo

Đã một năm trôi qua, kể từ khi tập đoàn quân sự trở lại cầm quyền, sau cú đảo chính ngày 22/05/2014, lật đổ chính phủ nữ Thủ tướng Thái Yingluck Shinawatra, bản tổng kết đưa ra cho thấy kết quả điều hành trong năm qua không mấy gì sáng sủa thậm chí là thảm hại hơn trên cả ba phương diện kinh tế, chính trị và nhân quyền. Thái Lan vẫn còn bị chia rẽ sâu sắc trên phương diện xã hội và chính trị. Le Monde đề tựa nhận định « Tại Thái Lan, chế độ độc tài ngự trị ».

Theo nhật báo, nền chính trị đất nước phân chia rõ nét theo hai màu sắc chính trị. Một bên là « màu vàng », màu áo của những người bảo thủ, cực kỳ hoàng gia, xuất thân từ thành phần đại tư sản thành thị, thành phần trung lưu hay cao cấp trong xã hội. Còn bên kia là « màu đỏ », màu của một liên minh ô hợp giữa những doanh nghiệp giàu có ở Bangkok với tầng lớp nông dân, của những vùng nông thôn nghèo khổ nhất tập trung chủ yếu ở phía đông và đông bắc đất nước.

Sự đối đầu của hai màu áo, phản ảnh hai tầm nhìn đối kháng lẫn nhau. Phe màu vàng, đại diện là những thành phần lãnh đạo truyền thống – hoàng gia, quân đội, đại tư sản cho rằng họ có thể góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của hệ thống tương thích với các giá trị dân tộc Thái. Đối với họ, đất nước vẫn chưa đủ chín muồi để đi theo nền dân chủ kiểu phương Tây.

Phe Áo Đỏ, những người ủng hộ gia đình Shinawatra thì lập luận rằng chỉ có việc nâng cao mức sống người nông dân và mức độ tham gia nhiều hơn nữa vào đời sống chính trị của họ mới có thể củng cố nền dân chủ. Kết quả là những người ủng hộ gia đình « Thaksin » lại rất « dị ứng » với tập đoàn quân sự. Trong khi mà Bangkok đại tư sản ủng hộ phần nào quân đội, được xem như là một yếu tố vững chắc cho sự ổn định.

Cuối cùng, nhật bảo nhận thấy kể từ khi quân đội trở lại lãnh đạo đất nước, mọi quyền tự do chính trị hầu như đã bị tước đoạt. Giới truyền thông bị kiểm duyệt và mọi cuộc tụ tập từ năm người trở đi đều bị cấm đoán. Nhiều nhà đấu tranh nhân quyền hay ủng hộ dân chủ đã bị bắt giam và kết án tù. Và tội danh « phạm thượng » đã trở thành một trong những công cụ hữu hiệu nhất được tập đoàn quân sự sử dụng để trấn áp các tiếng nói đối lập.

Đông Nam Á : Quốc phòng làm hao tốn ngân sách

Cũng tại Đông Nam Á, trong bối cảnh Trung Quốc luôn gây hấn trong khu vực, nhiều quốc gia buộc phải gia tăng mức chi tiêu cho quân sự. Thế nhưng, theo nhận định của tờ Southeast Asia Globe tại Phnom Pênh, ngành công nghiệp quốc phòng trong khu vực chỉ hưởng được những mảnh vụn của sự tăng trưởng đó. Bài viết được tuần san Courrier International trích dịch lại qua tựa đề « Càng phòng vệ, càng tốn tiền ».

Từ 10 năm nay, các nước Đông Nam Á tăng mạnh ngân sách cho quốc phòng, nhất là trong vòng hai năm gần đây. Mức chi cho quốc phòng không còn ở mức hàng triệu nữa mà là hàng tỷ đô-la. Tại nhiều nước như Singapore chẳng hạn, quốc phòng chiếm đến 20% ngân sách quốc gia. Mức tăng cho quốc phòng đó cũng xuất phát từ một phản ứng của các quốc gia này trước việc Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn trong khu vực Biển Đông, nơi đang xảy ra nhiều vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Thế nhưng, theo nhận định của tờ báo Cam Bốt, trước sự gia tăng ồ ạt việc trang bị vũ khí, ngành công nghiệp vũ khí trong khu vực lại chỉ hưởng được những phần vụn của sự tăng trưởng này. Chẳng hạn như hãng Singapore Technologies Engineering (ST Engineering) chuyên sản xuất các thiết bị quân sự, từ vũ khí, đạn dược cho đến các linh kiện phức tạp cho dành cho tàu ngầm hay máy bay. Được xếp hạng 49 trên tổng số 100 hãng sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới, nhưng doanh thu của doanh nghiệp Singapore này trong năm 2013 chỉ đạt ở mức có 1,84 tỉ euro, tăng thêm 10 triệu so với năm trước đó.

Trong khi đó, các quốc gia như Trung Quốc, Nga,, Mỹ, Pháp, Đức, Anh hay như Hàn Quốc vẫn là những quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu sang Đông Nam Á. Dù sao thì ngân sách cho quốc phòng tại Đông Nam Á cũng không thể sánh bằng các khu vực khác trên thế giới. Tổng mức ngân sách cho lãnh vực này trên toàn bộ khu vực chỉ ở mức 33 tỉ euro trong năm 2013, chỉ vừa nhỉnh hơn của Hàn Quốc 1 hay 2 tỷ euro, quá nhỏ bé so với 590 tỉ của Hoa Kỳ hay như 173 tỉ euro của Trung Quốc.

Làn sóng tị nạn thế giới: Quốc gia nào mới thật sự là nạn nhân ?

Hồ sơ người tị nạn là chủ đề trọng tâm của nhật báo Libération cuối tuần. Trong bối cảnh Châu Á và Châu Âu đang phải đối mặt với vấn đề thuyền nhân nóng bỏng, tờ báo thiên tả này mở một hồ sơ dài 6 trang để phản bác lại nhiều tường thuật lại nhiều luận điểm được cho là sai sự thật. Tờ báo khẳng định có « 10 ý kiến sai về tình trạng nhập cư » và tìm cách giải thích « Đâu là điểm đến đầu tiên của các thuyền nhân Châu Phi ». Đó cũng là tít lớn trên trang nhất của tờ báo.

Theo trình bày của Libération, đúng là có một làn sóng nhập cư trái phép vào Châu Âu qua ngả Địa Trung Hải. Hiện tượng này có chiều hướng tăng mạnh, nhưng nếu nhìn kỹ lại, số người nhập cư vào Châu Âu chỉ chiếm ở mức 0,05% dân số trong Liên Hiệp. Một con số không thấm tháp vào đâu so với những gì các quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (1, 7 triệu người tị nạn), Liban (một triệu) hay như Jordani (600.000 người tị nạn) đang phải hứng chịu. Các quốc gia giàu có chỉ tiếp nhận có 1/10 số người tị nạn. Phần đông ở lại những nước đang phát triển.

Tương tự cho những người được cho là tị nạn kinh tế. Trong số 31 triệu người Châu Phi di tản, phân nửa vẫn còn ở lại tại châu lục, chỉ có 1/4 tìm cách xâm nhập vào Châu Âu. Còn tại Pháp thì sao ? Tờ báo tự hỏi « Liệu có ai tin rằng nước Pháp một ngày nào đó sẽ là vùng đất xuất phát ? ». Hiện có nhiều người Pháp bỏ xứ ra đi hơn là quay về. Nhưng người ta không gọi họ là dân nhập cư mà lại gọi là những kẻ bỏ xứ. Cứ như là trong lớp người di dân cũng có một cấp bậc, một trật tự.

Cuối cùng, tờ báo tố cáo những cảnh báo hơi quá mức của NATO cho rằng cũng có những tên « khủng bố » trà trộn trong đám người nhập cư bất hợp pháp. Libération trích giải thích của một nhà phân tích cho rằng « Trong hai năm gần đây tại Châu Âu, chưa có một tác giả nào của các vụ khủng bố, được phát hiện trước hay không là dân nhập cư trái phép. Một tên thánh chiến sẽ làm được gì khi đến Châu Âu nếu như không có giấy tờ, vũ khí hay tiền bạc ? ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.