Vào nội dung chính
INDONESIA

Joko Widodo : Một Tổng thống đầy mâu thuẫn

‘‘Jokowi’’ là một tổng thống đầy mâu thuẫn, đây là nhận xét của phương Tây về người đứng đầu đất nước vừa kết án tử hình 12 người nước ngoài về tội buôn bán ma túy. Tờ Le Monde nhận định, đang suy yếu trên trường chính trị, tổng thống Indonesia thể hiện hình ảnh cứng rắn bằng cách áp dụng án tử hình.

Joko Widodo thể hiện trái ngược với hình ảnh một nhà dân chủ trong thời gian tranh cử tổng thống. - REUTERS /Antara Foto /Ismar Patrizki
Joko Widodo thể hiện trái ngược với hình ảnh một nhà dân chủ trong thời gian tranh cử tổng thống. - REUTERS /Antara Foto /Ismar Patrizki
Quảng cáo

Hình ảnh của ông Joko Widodo sau bảy tháng lên nắm quyền tại Indonesia, ngày càng trái ngược với phon,g cách của một nhà dân chủ trong thời gian tranh cử tổng thống. Mùa hè năm trước, ông thể hiện mình như là một người bình dân, sinh ra tại một khu phố nghèo, và tay chưa bao giờ « nhúng chàm » trong giai đoạn độc tài.

Thế nhưng, hiện nay, hình ảnh tổng thống Jokowi trong mắt các nước phương Tây như một người cố chấp và đầy mâu thuẫn. Không để tâm tới dư luận và phản đối của quốc tế, ông giữ nguyên quyết định kết án tử hình đối với 12 phạm nhân buôn ma túy người nước ngoài, trong đó chỉ có tử tù người Pháp được tạm hoãn thi hành án. Tại đất nước có tới 80% người dân ủng hộ án tử hình cho những kẻ buôn ma túy, thì quyết định trên mang tính chiến lược, vì hình ảnh chính trị của tổng thống đang suy yếu. Ông biện hộ rằng ma túy là một vấn nạn thực sự đối với thanh niên Indonesia và ảnh hưởng trực tiếp tới 4% dân số nước này vào năm 2011.

Tiếp theo, vào tuần trước, trong chuyến thăm tỉnh Papua, ông đã đưa ra hai quyết định : Thứ nhất, trả tự do cho 5 nhà đấu tranh đòi ly khai, thứ hai các nhà báo nước ngoài sẽ được phép tới đây. Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ, quân đội vẫn tiếp tục quản lý khu vực này, như trong giai đoạn độc tài.

Theo một số nhà trí thức, ông Widodo tỏ ra « trước sau như một » về quyết định tử hình phạm nhân ma túy nước ngoài vì muốn chứng tỏ bản lĩnh của một nhà lãnh đạo nghị lực, tôn trọng những cam kết đưa ra trong chiến dịch bầu cử. Thế nhưng, gần đây, dư luận cũng cho rằng dường như ông chịu ảnh hưởng của bà Megawati, cựu tổng thống Indonesia (2001-2004). Một chuyên gia phân tích nước ngoài nhận định : « Không có kinh nghiệm trên trường quốc tế và trong nước, ông tỏ ra thiếu khả năng trình bày rõ ràng những dự định được vạch ra trong giai đoạn tranh cử ». Tuy nhiên, trên thực tế, tổng thống Widodo vẫn đạt được một số thành công về mặt kinh tế và là một nhà cải cách thật sự.

« Thảm họa nhân đạo » thuyền nhân Châu Á

Gần 6.000 người trốn chạy khỏi Miến Điện và Bangladesh lênh đênh trên biển, bị kẹt giữa những kẻ buôn người và chính quyền các nước trong khu vực từ chối tiếp nhận họ. Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã họp khẩn cấp hôm qua tại Kuala-Lumpur để đối phó với tình hình hiện trở thành « thảm họa nhân đạo ».

Le Figaro cho biết hai nước Malaysia và Indonesia đã thống nhất tiếp nhận tạm thời những nạn nhân trên, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ. Hoa Kỳ tuyên bố sẽ hỗ trợ tài chính cho các nước tiếp nhận và tiếp tục theo dõi các đề xuất của các nước liên quan.

Trong chuyên mục « Địa chính trị », Le Monde phân tích hiện tượng vượt biển đã có từ lâu tại khu vực Đông Nam Á. Các tổ chức buôn người hoạt động với sự đồng lõa hoặc « nhắm mắt làm ngơ » của một số chính quyền địa phương. Thế nhưng, điểm quan trọng ở đây chính là quy mô chưa từng có của hiện trạng này. Theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn (HCR), trong quý I năm 2015 đã có 25.000 người theo đường biển. Lý do khiến số lượng tăng gấp đôi so với tổng số năm ngoái là do chính quyền Thái Lan truy bắt các tổ chức buôn người buộc các nhóm này phải sử dụng tới đường biển để đưa các nạn nhân tới Malaysia và Indonesia.

Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng cho thấy chính sách an ninh của các quốc gia liên quan không tôn trọng các cam kết quốc tế, như Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 buộc cứu người gặp nạn trên biển. Để tránh mọi trách nhiệm, các nước trên coi người xin tỵ nạn chính trị như người nhập cư vì lý do kinh tế. Rất ít nước trong khu vực thông qua Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền tỵ nạn năm 1951. Nếu không có sức ép từ công luận quốc tế, họ sẽ còn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Gián điệp kinh tế : Thêm một « gáo nước lạnh » cho quan hệ Trung-Mỹ

Hoa Kỳ ra lệnh bắt giữ sáu gián điệp kinh tế Trung Quốc, trong đó có ba giảng viên đại học. Một người đã bị bắt ngay tại sân bay Los Angeles, những người còn lại vẫn đang ở Trung Quốc. Les Echos nhận định đây là « gáo nước lạnh » mới đọi vào quan hệ Trung-Mỹ.

Ba giảng viên đại học gốc Trung Quốc bị kết tội đánh cắp bí mật công nghệ của tập đoàn Avago Technologies và Skyworks Solutions. FBI công bố một bức thư điện tử của một người trong số họ, từng làm việc cho Avago : « Công việc của tôi là cố gắng để tìm hiểu mọi chi tiết công nghệ để chuyển trực tiếp về Trung Quốc ». Trong một bức thư khác, vẫn người này cho biết, mừng vì công ty của ông ta không phải tốn kém để cạnh tranh. Chính Avago phải chi 50 triệu đô la cho nghiên cứu và phát triển trong vòng 20 năm những bí mật mà ông ta đã đánh cắp.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết : « Gián điệp kinh tế là việc chúng tôi nghiêm túc quan tâm ». Quả thưc, cuộc chiến tình báo tin học đã gây ra nhiều căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã từng phát biểu, các hacker Trung Quốc luôn đeo sát các doanh nghiệp Mỹ. Trước đó, tư pháp Hoa Kỳ đã cáo buộc năm sĩ quan quân đội Trung Quốc đã đánh cắp dữ liệu của nhiều doanh nghiệp nước này. Bắc Kinh phản bác ngay lập tức và khẳng định hệ thống định vị của điện thoại iPhone là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Nghi ngại người dân bị theo dõi, Bắc Kinh khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc phát triển công nghệ.

Pháp trả người bệnh nước ngoài về nước

Thâm hụt ngân sách, nợ công cao dường như đang ảnh hưởng tới uy tín về ngành y tế, đặc biệt là « lòng hảo tâm » của nước Pháp. « Ngày càng có nhiều người bệnh nước ngoài bị trả về nước », đây là tin tức được tờ Le Monde đề cập.

Tại Pháp, quyền lưu trú chữa bệnh của người nước ngoài, đã được thông qua vào năm 1998, là thắng lợi của nhiều hiệp hội. Liệu quyền này có biến mất dưới thời thủ tướng Valls ? Phóng viên tờ Le Monde có trong tay một tài liệu cho thấy số phận của bệnh nhân nước ngoài hiện phụ thuộc vào quyết định của Bộ Nội vụ.

Trước đó, từ năm 2008-2012, trong nhiệm kỳ của tổng thống Sarkozy, cánh hữu đã đưa ra hai biện pháp nhằm giảm bớt số lượng xin lưu trú. Trước năm 2011, người bệnh nước ngoài có quyền nhận thẻ cư trú nếu họ không có điều kiện tài chính để chữa trị tại nước sở tại. Thế nhưng, luật Besson công bố ngày 16/06/2011, quy định chỉ cấp quyền lưu trú cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo mà quốc gia nơi họ sinh sống không có khả năng chữa trị.

Chính phủ hiện nay không xử lý trực diện như vậy. Số phận của từng bệnh nhân nước ngoài phụ thuộc vào quyết định của Bộ Nội vụ. Ý kiến của bác sĩ điều trị tại địa phương sẽ được một bác sĩ của Bộ Nội vụ xem xét lại. Công chức này sẽ là người đưa ra quyết định cho phép người bệnh ở lại hay gửi họ về nước. Theo một dự luật về quyền lưu trú tại Pháp, các bác sĩ đưa ra ý kiến sẽ không thuộc về Bộ Y tế nữa mà trực thuộc vào cơ quan quản lý người nhập cư (OFII) của Nội vụ.

Airbnb : Chủ nhà nằm trong tầm ngắm của thành phố Paris

Thay vì ở khách sạn, nhiều khách du lịch thuê nhà ở ngắn hạn, vừa tiết kiệm chi phí, vừa được thử sống như một người Paris. Nhiều chủ nhà tại thành phố hoa lệ chuyển sang hình thức cho thuê nhà này thông qua trang Airbnb. Họ thu được nhiều tiền hơn và gặp ít rắc rối hơn so với cho thuê nhà dài hạn. Thế nhưng, hình thức kinh doanh này đã gây ảnh hưởng tới quỹ nhà ở của Paris. Tờ Libération và Les Echos phản ánh thành phố Paris tăng cường kiểm tra các nhà cho thuê trái phép.

Một số nhà đủ tiêu chuẩn về diện tích phải được ưu tiên cho thuê dài hạn, thay vì ngắn hạn, để đảm bảo nhu cầu cung đối với vấn đề nhà ở tại Paris. Việc nhiều căn hộ chỉ cho thuê ngắn hạn khiến thị trường nhà ở khan hiếm và giá thuê cũng tăng lên. Ngoài ra, hầu hết thu nhập có được từ loại hình kinh doanh này rất ít được khai báo.

Năm 2014, 20 chủ sở hữu 56 căn hộ đầy đủ tiện nghi đã bị phạt 567.000 euro vì vi phạm quy định trên. Trước mùa du lịch đang tới gần, thành phố Paris quyết định mạnh tay với các chủ sở hữu của khoảng 30.000 căn hộ đủ tiện nghi tại Paris.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.