Vào nội dung chính
NHẬT- MỸ

Nhật : Biểu tình ở Okinawa phản đối căn cứ quân sự Mỹ

Theo thông tin của các nhà tổ chức do hãng tin AFP dẫn lại, hôm nay, 17/05/2015, hơn 35.000 người xuống đường biểu tình tại Naha, thủ phủ của tỉnh Okinawa. Người dân và chính quyền tỉnh Okinawa phản đối dự án di chuyển một căn cứ quân sự Mỹ từ Futenma tới quần đảo nằm ở phía nam Nhật Bản này.

Biểu tình phản đối vụ lính Mỹ cưỡng hiếp phụ nữ Nhật Bản, trước cổng doanh trại quân đội Hoa Kỳ ở Okinawa, 17/10/2012
Biểu tình phản đối vụ lính Mỹ cưỡng hiếp phụ nữ Nhật Bản, trước cổng doanh trại quân đội Hoa Kỳ ở Okinawa, 17/10/2012 REUTERS
Quảng cáo

Các nhà tổ chức cho biết cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa và không xảy ra biến cố nào. Vài tuần trước đó, nhiều cuộc biểu tình có quy mô nhỏ hơn đã được tổ chức tại Okinawa. 

Thị trưởng Nago, ông Susumu Inamine, địa phương nằm sát khu quân sự mới trong tương lai, phát biểu trước đám đông : « Chính phủ cáo buộc chúng ta gây cản trở từ 19 năm nay và yêu cầu chúng ta tìm một địa điểm khác (để lập căn cứ). Thật quá đáng ! Chính phủ đổ hết trách nhiệm lên chúng ta ! ». 

Dự án di chuyển căn cứ quân sự Mỹ từ Futenma, cách Naha không xa, tới Henoko, phía bắc quần đảo Okinawa, đã được đưa ra từ năm 1996. Tuy nhiên, người dân địa phương luôn phản đối dự án gây nhiều tranh cãi trên. 

Trong cuộc họp Thượng đỉnh với Tổng thống Barack Obama tại Washington ngày 29/04 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhắc lại ý định di dời căn cứ quân sự Mỹ tại Futenma, trong khuôn khổ hiệp ước quốc phòng song phương. Đối với Thủ tướng Abe, việc di chuyển căn cứ từ khu vực đô thị Futenma tới vùng biển Henoko thưa dân cư hơn là « giải pháp duy nhất ». 

Từ nhiều năm nay, người dân Okinawa, cùng với tỉnh trưởng Takeshi Onaga, luôn phản đối sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ và ý định di chuyển căn cứ quân sự Futenma do phía Mỹ yêu cầu. Họ bất bình về tình trạng ô nhiễm âm thanh và các nguy cơ tai nạn. Căn cứ vào các thông tin phạm tội từ vài năm nay, họ cho rằng sự hiện diện của thủy quân lục chiến Mỹ làm tăng tình trạng tội phạm, đặc biệt là số lượng các vụ cưỡng hiếp. 

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, quân đội Hoa Kỳ chiếm quần đảo này và chỉ trả lại cho Nhật Bản vào năm 1972. Hiện có khoảng 47.000 lính Mỹ đang đóng tại Nhật Bản, hơn một nửa trong số đó đồn trú tại Okinawa. 

Một thường dân Okinawa, 86 tuổi, đã từng chứng kiến trận chiến Okinawa đẫm máu vào năm 1945, phẫn nộ : « Liệu có phải chúng tôi đang sống trong một đất nước dân chủ hay không ? Cần phải loại trừ mọi nguy cơ khiến Okinawa rơi vào chiến tranh ». Việc phản đối dự án lập căn cứ quân sự tại Okinawa cũng nhận được sự ủng hộ của đạo diễn phim hoạt hình nổi tiếng của Nhật Bản, Hayao Miyazaki, và nhà đồng sáng lập studio Ghibli.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.