Vào nội dung chính
THÁI LAN

Thái Lan điều tra về hố chôn người tập thể giữa rừng sâu

Chính quyền Thái Lan hôm nay 02/05/2015 đã khai quật thêm nhiều xác người từ hố chôn tập thể nằm sâu trong rừng rậm, có thể là những người nhập cư từ Miến Điện hoặc Bangladesh, nạn nhân của bọn buôn người.

Xác người từ hố chôn tập thể được phát hiện trong rừng rậm miền nam Thái Lan.
Xác người từ hố chôn tập thể được phát hiện trong rừng rậm miền nam Thái Lan. REUTERS/Surapan Boonthanom
Quảng cáo

Tổng cộng có tám xác chết được phát hiện tại khu lều trại cách biên giới Malaysia vài trăm mét, ở tỉnh Songkhla. Mưa lớn từ đêm qua đến nay gây khó khăn cho việc khai quật, có thể lên đến vài chục xác. Các nhân viên cứu hộ cho biết có bốn xác chỉ còn bộ xương, người thứ năm mới chết cách đây vài ngày. Hai người sống sót 25 và 35 tuổi được đưa vào bệnh viện ở Padang Besar, người lớn tuổi nhất cho biết đã bị sốt từ hai tháng nay trong rừng.

Cảnh sát trưởng Somyot Poompanmoung mô tả khu trại này như một « nhà tù », nơi những người tị nạn bị giữ trong các lồng bằng tre. Ông ưu tiên cho giả thiết đó là những người Rohingya, dân tộc thiểu số ở nước Miến Điện láng giềng.

Sự hiện diện của các trại trung chuyển trong rừng rậm miền nam nước Thái « không phải là một ngạc nhiên », theo Human Rights Watch (HRW). Nhưng hiếm khi chính quyền tiết lộ việc phát hiện ; các viên chức, cảnh sát và sĩ quan quân đội bị tố cáo là có tham gia việc làm ăn béo bở này.

Hồi tháng Giêng, tập đoàn quân sự cầm quyền thông báo truy tố hơn một chục viên chức về tội danh buôn người. Tuy vậy Human Rights Watch cho rằng vấn đề buôn người ở Thái Lan đã « vượt khỏi tầm kiểm soát ». Tổ chức này kêu gọi tiến hành điều tra quốc tế.

Theo HRW, những người tị nạn phải trả tiền cho bọn buôn người để có thể được ra khỏi trại. Cảnh sát Thái nhận định những người nhập cư khác trong nhóm đã được đưa sang lãnh thổ Malaysia, bọn đưa người vượt biên bỏ lại những người chết và bị bệnh.

Sự kiện chính quyền Thái Lan loan báo việc phát hiện khu lều trại người nhập cư cho thấy ý định chứng tỏ với quốc tế, nhất là với Hoa Kỳ, là Bangkok muốn giải quyết vấn đề này.

Hàng chục ngàn người Rohingya đã bỏ trốn khỏi Miến Điện do các cuộc bạo động chủng tộc đẫm máu từ năm 2012 giữa người Phật giáo và thiểu số Hồi giáo, làm trên 200 người chết và 140.000 phải di tản.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.