Vào nội dung chính
NEPAL - ĐỘNG ĐẤT

Động đất Nepal : nguy cơ có tới 10 nghìn người chết

Thủ tướng Nepal Sushil Koirala lo ngại số nạn nhân thiệt mạng sau trận động đất ngày 25/04/2015 có thể sẽ lên tới 10 nghìn người. Các cuộc tìm kiếm cứu hộ vẫn tiếp tục, trong khi dân chúng trong vùng bị nạn bắt đầu phẫn nộ về phản ứng chậm trễ của chính quyền trước thảm họa.

Cảnh đổ nát sau thiên tai, động đất hôm 25/04/2015.
Cảnh đổ nát sau thiên tai, động đất hôm 25/04/2015. REUTERS/IFRC/Palani Mohan
Quảng cáo

Số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa cứ tăng gấp bội mỗi ngày. Theo con số mới nhất do bộ Nội vụ Nepal thông báo sáng ngày 28/04/2015, đã có 4349 người chết và 7000 người bị thương trong trận động đất tại vùng Katmandou vào cuối tuần trước.

Thủ tướng Nepal, Sushil Koirala cho biết : « Thống kê về thiệt hại nhân mạng có thể sẽ lên tới 10 nghìn người chết bởi vì chúng tôi vẫn còn chưa nhận được hết thông tin từ các khu làng hẻo lánh ». Liên Hiệp Quốc thông báo có 8 triệu người Nepal bị ảnh hưởng trong trận thiên tai, trong đó có 1,4 triệu người đang cần được cứu trợ thực phẩm.

Tại thủ đô Katmandou, rất đông người dân với bàn tay trần, xẻng cuốc thô sơ tự đào bới tìm kiếm các nạn nhân, người thân của mình trong các đống đổ nát mà không đợi lực lượng cứu hộ can thiệp.

Đêm thứ ba liên tục, rất đông người dân Katmandou phải ngủ ngoài trời trên vỉa hè, công viên hoặc trong các lều tạm vì nhà cửa của họ đã bị san bằng. Các bệnh viện vẫn trong tình trạng quá tải.

Hàng cứu trợ đến chậm khiến người dân phẫn nộ, chỉ trích chính phủ đã không xử lý được khủng hoảng. Ở các vùng thôn quê hẻo lánh tình trạng còn tồi tệ hơn khi các trục đường giao thông và liên lạc bị cắt đứt hoàn toàn khiến các nạn nhân bên trong vùng bị nạn không nhận được cứu trợ nào từ bên ngoài.

Quốc tế tiếp tục được huy động giúp đỡ Nepal. Sau Ấn Độ, Trung Quốc, những nước đầu tiên cử đội cứu hộ đến Katmandou. Hoa Kỳ thông báo nâng viện trợ cho Nepal lên 10 triệu đô la.

Trong khi đó hôm qua, bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan cho biết do sức ép của Trung Quốc, chính phủ Nepal vào phút chót đã từ chối nhận trợ giúp của Đài Bắc. Đài Loan định cử một nhóm cứu hộ 20 nhân viên đến Katmandou. Tuy nhiên chính quyền Đài Loan vẫn hứa viện trợ nhân đạo cho Nepal 300 nghìn đô la Mỹ.

Hai máy bay vận tải C-17 của quân đội Mỹ chở các nhân viên cứu hộ và thiết bị đã cất cánh tới Nepal. Úc cũng đã đưa một máy bay C-17 chở các vật dụng thiết yếu cứu trợ nạn nhân động đất.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.