Vào nội dung chính

Đệ nhị Thế chiến: 25 dân biểu Mỹ kêu gọi Nhật hành động thực sự vì hòa giải

Trước chuyến công du Hoa Kỳ của Thủ tướng Nhật Bản tuần tới, một nhóm dân biểu Mỹ gửi thư đến Đại sứ quán Nhật vào ngày hôm qua, 23/04/2015, yêu cầu Thủ tướng Shinzo Abe có các hành động « làm lành các vết thương », đối với các nạn nhân của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Việc Thủ tướng Nhật « hối hận sâu sắc » nhưng không xin lỗi, hôm thứ Tư 22/004, đã bị nhiều chỉ trích.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. REUTERS/Issei Kato/Files
Quảng cáo

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ có một phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào thứ Tư tới. Đây là lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên được hưởng vinh dự như vậy. Nhân sự kiện này, một nhóm 25 dân biểu Mỹ, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ed Royce, đã viết thư yêu cầu lãnh đạo Nhật Bản « tạo lập các cơ sở cho việc làm lành các vết thương và một thái độ hòa giải khiêm nhường khi nói đến các vấn đề lịch sử ». 

Hàn Quốc trách cứ Nhật Bản đã không xin lỗi đủ về các tội ác của đế chế Nhật trong thời gian Triều Tiên bị quân đội Nhật chiếm đóng (1910-1945), đặc biệt về vấn đề phụ nữ bị ép buộc phải làm « gái giải sầu » cho quân nhân Nhật. Các sử gia ước tính khoảng 200.000 phụ nữ Châu Á là nạn nhân, phần chủ yếu trong số họ là người Triều Tiên. 

Hôm qua, bà Lee Yong See, 87 tuổi, một nô lệ tình dục của quân đội Nhật đã ra làm chứng trước Quốc hội Mỹ. Bà kể đã bị quân đội Nhật bắt từ năm 16 tuổi và buộc phải làm việc trong nhà thổ trong hai năm, ở đó bà bị cưỡng hiếp, đánh đập và tra tấn bằng điện, đến mức « tưởng chết ». 

Theo Chủ tịch hiệp hội các nạn nhân Washington Coalition for Comfort Women Issues (WCCW): « Không có nơi nào tốt hơn là Quốc hội Mỹ, để ông Abe (…) có lời xin lỗi trực tiếp và chân thành ». 

Hôm thứ Tư vừa rồi, Thủ tướng Nhật đã bày tỏ « những hối hận sâu sắc » của Nhật Bản đối với các tội ác của nước này trong Thế chiến Hai, tại thượng đỉnh Á-Phi ở Jakarta, tuy nhiên không có lời xin lỗi. Các Thủ tướng Nhật trước đó, ông Tomicchi Murayama (vào năm 1995) và ông Junichiro Koizumi (vào năm 2005), đã không chỉ thể hiện « hối hận sâu sắc », mà còn có « những lời xin lỗi chân thành » về « giai đoạn thực dân và xâm lược » của Nhật Bản, mà nạn nhân là các nước láng giềng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.