Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - NHÂN QUYỀN

Trung Quốc theo Nga giám sát các tổ chức phi chính phủ

Le Figaro ngày 16/04/2015 cho biết, « Bắc Kinh sẽ giám sát chặt chẽ các tổ chức phi chính phủ ». Trung Quốc bắt chước Nga, từ đây cho đến cuối năm sẽ thông qua một đạo luật mới nhằm quản lý chặt chẽ hơn các tổ chức NGO nước ngoài đang hoạt động trong nước.  

Tổ chức phi chính phủ China Labor Watch, có trụ sở tại Mỹ, công bố báo cáo về điều kiện lao động tồi tệ tại các cơ sở làm thuê cho hãng d’Apple tại Trung Quốc Chine.
Tổ chức phi chính phủ China Labor Watch, có trụ sở tại Mỹ, công bố báo cáo về điều kiện lao động tồi tệ tại các cơ sở làm thuê cho hãng d’Apple tại Trung Quốc Chine. DR
Quảng cáo

Tờ báo viết, cũng giống như ông Vladimir Putin, lãnh đạo số một Trung Quốc quyết định xem các tổ chức phi chính phủ nước ngoài như là một mối họa an ninh hơn là những đối tác. Các tổ chức này sẽ được đặt dưới sự giám sát của cơ quan An ninh « đáng gờm », thay vì là dưới sự quản lý của Bộ Ngoại giao như hiện nay.

Để có được giấy phép hoạt động, theo dự luật mới, các NGO phải được một cơ quan chính phủ tài trợ, một khả năng không thể nào có được cho hơn 6000 tổ chức đang hoạt động trong nước. Theo phát ngôn viên Quốc hội, ông Phó Oánh (Fu Ying), luật mới sẽ giúp « bảo vệ lợi ích chính đáng của các tổ chức », nhưng đồng thời việc quản lý tốt các hội đoàn cũng sẽ bảo vệ được « an ninh quốc gia » « ổn định xã hội ». Những thuật ngữ mà các tổ chức NGO quan ngại sẽ còn mở rộng đường hơn nữa cho các vụ bắt giữ hay trục xuất vô cớ.

Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, tình trạng trấn áp những người chỉ trích chính phủ, nhắm vào nhiều nhà đấu tranh, các blogger, kiểm soát mạng hay các diễn đàn trên các tiểu blog còn gia tăng mạnh mẽ hơn. Theo Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc có trụ sở tại ở nước ngoài, ước tính có khoảng 955 nhà đấu tranh hay bảo vệ nhân quyền đã bị bắt giam trong năm 2014, gần như bằng con số của hai năm trước đó gộp lại.

Hàn Quốc, tai tiếng làm suy yếu Tổng thống

Trong khi Hàn Quốc vẫn còn đang nhuốm màu tang tóc nhân lễ tưởng một năm vụ đắm phà thảm khốc Sewol, và mối ngờ vực của người dân đối với tầng lớp lãnh đạo không ngừng tăng lên, một vụ việc ám muội khác xảy ra, làm lung lay uy tín của Tổng thống Hàn Quốc. Le Figaro đề tựa « Tai tiếng đang làm suy yếu Tổng thống Hàn Quốc ».

Hôm qua, người ta phát hiện thi thể của trùm xây dựng Sung Wan-jong treo lơ lửng trên một cànhh cây, bên sườn núi Bukhan, cách không xa thủ đô. Trong túi áo nạn nhân, cảnh sát tìm thấy một danh sách ghi rõ tên 8 người mà ông này khẳng định đã đưa hối lộ. Trong số đó có tên của Thủ tướng Lee Wan-koo, tên ông chánh văn phòng tổng thống cũng như tên người giữ quỹ trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2012.

Trước khi tự tử, trong một cuộc phỏng vấn, ông Sung còn khẳng định đã chi tổng cộng 200 triệu won (172.000 euro) cho phe của nữ Tổng thống Park để tài trợ cho chiến dịch tranh cử. Nhật báo Joongang Ilbo còn tiết lộ ông Sung đã trao tận tay cho Thủ tướng hiện nay số tiền mặt lên đến 30 triệu won (25.000 euro) trong năm 2013. Le Figaro cho biết ông trùm xây dựng trong tình trạng tuyệt vọng hiện đang trong tầm ngắm điều tra về tội biển thủ công quỹ.

Các vụ tiết lộ này đang biến thành tai tiếng chính phủ, mang đến cho phe tả một cơ hội trước « đàn bà thép » Hàn Quốc. Trong khi đó, uy tín của Tổng thống Park đã tuột dưới mức 40% vào hôm thứ Hai 13/04/2015 vừa qua.

Vụ tai tiếng này bùng nổ không đúng thời điểm, ngay đúng vào lúc diễn ra lễ tưởng niệm một năm vụ đắm phà Sewol. Trong vụ việc này, uy tín của Tổng thống Park cũng đã bị suy giảm do chưa bao giờ bà Park bị quy trách nhiệm trong việc xử lý yếu kém thảm kịch, cướp đi sinh mạng của hơn 300 người, trong đó phần đông là học sinh vào ngày 16/04/2014.

Gia đình các nạn nhân lên án chính phủ cản trở điều tra và bảo vệ các thủ phạm bị nghi ngờ là thông đồng với các tập đoàn lớn, những gia đình thống trị ngành công nghiệp đất nước. Do đó, khủng hoảng xảy ra có nguy cơ làm suy yếu hơn nữa bà Park trong phần hai nhiệm kỳ Tổng thống duy nhất của bà.

Biển Đông : Philippines cao giọng lên án Trung Quốc

Nhìn xuống Đông Nam Á, Le Monde trở lại sự việc « Tổng thống Philippines lên giọng trước Trung Quốc » khi trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Pháp AFP, ngày thứ Ba 14/04/2015.

Le Monde trích nhận định của một nhà ngoại giao Châu Âu tại Manila cho rằng sở dĩ Philippines dám lớn tiếng là vì quốc gia này « không còn tin tưởng vào khả năng đàm phán với Trung Quốc. Do đó, Tổng thống không còn ngần ngại sử dụng chiêu bài khiêu khích ». Ông Benigno Aquino cũng hiểu rằng cơ hội thắng kiện Trung Quốc trước tòa án trọng tài cũng rất mong manh, bất chấp sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, nhật báo cũng lưu ý là hậu thuẫn của Tổng thống Mỹ dành cho đồng nhiệm Philippines ngay từ đầu cuộc khủng hoảng chưa bao giờ được rõ ràng, cho dù thời gian gần đây Washington có những động thái chỉ trích mạnh mẽ hành động bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông. Một hành động mà nhật báo cho là đã củng cố thêm thái độ kiên quyết của Manila đối với Bắc Kinh.

Tuần rồi, Philippines và Hoa Kỳ đã cùng thông báo tiến hành tập trận chung bắt đầu từ thứ Hai 20/04 tới. Đây sẽ là lần tập trận quan trọng nhất trong vòng 15 năm nay, được tiến hành dọc theo các bờ biển đối diện với Biển Đông. Nhất là, tại khu căn cứ quân sự cũ của Hoa Kỳ tại San Miguel, cách bãi đá Scarborough 200 km, nơi khởi nguồn tranh chấp cách đây ba năm.

Hồ sơ nhập cư : Châu Âu chưa xứng tầm

Thảm kịch 400 thuyền nhân thiệt mạng trên Địa Trung Hải là chủ đề quốc tế chính trên các nhật báo. Nhật báo công giáo La Croix đưa tít lớn trên trang nhất : « Số phận hẩm hiu của người dân di cư ».

Libération trích lời thuật của một nhân chứng đề tựa bài phóng sự « Tôi chạy trốn chiến tranh nhưng tôi chỉ thấy toàn thảm kịch ». Nhật báo kể lại hành trình gian nan đầy nguy hiểm từ Alep (Syria) đến đảo Sicile (Ý) của nhân chứng tên Hassan, hiện đang xin tỵ nạn ở Áo. Nhưng buồn thay nhân chứng này sẽ bị buộc trả về Ý căn cứ theo các quy định của Liên Hiệp Châu Âu.

La Croix có bài xã luận đề tựa « Cuộc di tản không biên giới ». Tờ báo nhắc lại chi riêng trong hai ngày Chủ nhật và thứ Hai vừa qua, 42 tàu cứu hộ của cảnh sát biển Ý chở đầy 6.500 người nhập cư. Nhưng họ lại không thể ngăn cản được vụ đắm tàu làm thiệt mạng 400 người. Biển Địa Trung Hải nổi tiếng với những bãi tắm đẹp thơ mộng giờ đang trở thành « con đường chết người nhất của thế giới », theo như nhận định của Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc. Nhưng nỗi sợ chết cũng không làm nản lòng những người chạy trốn.

Đối với nhật báo Công giáo La Croix, trong vụ việc này Liên Hiệp Châu Âu cũng phải gánh vác lấy một phần trách nhiệm. Các quốc gia thành biên chưa tập hợp đủ các nỗ lực trong một tiếp cận chung bằng cách thể hiện tình liên đới với người nhập cư, chống lại những đường dây buôn người, bằng cách giúp đỡ phát triển và trấn yên các nước trong khủng hoảng, nhất là tại Syria và Libya.

Cuối cùng nhật báo cho rằng thật đáng tiếc khi thấy Ý phải đảm đương chủ yếu một mình các công tác cứu hộ. « Châu Âu không thật sự xứng tầm trước thách thức nhân loại đang đặt ra », La Croix kết luận.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.