Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - HOA KỲ - QUỐC PHÒNG

Tokyo yêu cầu đưa Senkaku vào thỏa thuận quốc phòng Mỹ-Nhật

Phải chăng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc sẽ trở thành khó nuốt đối với Bắc Kinh ? Khả năng này sẽ hoàn toàn trở thành hiện thực nếu bản hướng dẫn hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật đang được cập nhật, ghi rõ cam kết của Washington bảo vệ các đảo dưới quyền kiểm soát của Tokyo trong trường hợp bị tấn công.

Không ảnh cho thấy tàu hải giám 66 của Trung Quốc lượn quanh tàu tuần duyên Nhật ở Biển Hoa Đông.
Không ảnh cho thấy tàu hải giám 66 của Trung Quốc lượn quanh tàu tuần duyên Nhật ở Biển Hoa Đông. REUTERS/Kyodo/Files
Quảng cáo

Nhật báo Yomiuri Shimbun số ghi ngày 14/04/2015 vừa tiết lộ thông tin theo đó Tokyo đã yêu cầu Washington nêu rõ trong bản hướng dẫn này cam kết dùng lực lượng quân sự Mỹ để bảo vệ các đảo ngoài xa mà Nhật Bản cho là thuộc chủ quyền của mình nếu các đảo này bị tấn công.

Đây chính là trường hợp của quần đảo Senkaku trên Biển Hoa Đông, đang do Nhật Bản kiểm soát nhưng lại bị Trung Quốc đòi chủ quyền, và thường xuyên cho tàu và máy bay đến khiêu khích.

Các cuộc đàm phán Mỹ-Nhật nhằm đúc kết bản hướng dẫn mới về hợp tác đang bước vào giai đoạn chung cuộc vì hai đồng minh dự kiến công bố thỏa thuận về bản cập nhật nói trên vào cuối tháng Tư này, trùng hợp với chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Shinzo Abe, với một cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 28/04.

Theo các nhà phân tích, Nhật Bản như vậy đã gia tăng sức ép trên đồng minh Hoa Kỳ khi đòi có cam kết bằng « giấy trắng mực đen » trên một vấn đề cho đến nay luôn được các lãnh đạo Mỹ hứa miệng.

Mỹ đã hứa miệng, nhưng Nhật thấy chưa đủ

Vào tháng Bảy năm ngoái (2014), chính Tổng thống Mỹ Obama đã đích thân khẳng định rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi áp dụng của Điều 5 Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật. Theo điều khoản này, Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ Nhật nếu quốc gia này bị tấn công.

Nhân chuyến công du Nhật Bản vào tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng nhắc lại cam kết của ông Obama. Trong một thông điệp rõ ràng là nhắm vào Bắc Kinh, ông Carter còn tuyên bố cực lực chống lại « bất kỳ hành động đơn phương, ép buộc nào nhằm hủy hoại quyền quản lý hành chính của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku ».

Tuy nhiên, đối với Nhật Bản, vấn đề là cho đến nay, chưa có văn bản chính thức nào nêu rõ nhiệm vụ của Washington trong việc giúp Tokyo bảo vệ các hòn đảo ngoài xa như Senkaku. Bản Hướng dẫn Hợp tác Quốc phòng hiện hữu, ấn bản 1997, không hề đề cập đến nhu cầu bảo vệ các đảo nhỏ và ở xa bờ của Nhật Bản.

Ngoài ra, Điều 5 bản Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật chỉ nói chung chung là Mỹ sẽ bảo vệ Nhật trong trường hợp nước này bị tấn công. Khái niệm « Nhật bị tấn công » khá mơ hồ, vì vấn đề đặt ra là nếu chỉ có một hòn đảo nhỏ, ở rất xa Nhật Bản bị xâm lấn, thì liệu Mỹ có điều quân bảo vệ hay không ?

Mối quan ngại trên đây cũng xuất phát từ một quan điểm khác cũng thường được Mỹ nêu bật : Đó là Washington không muốn bị lôi kéo vào một xung đột vũ trang giữa Tokyo và Bắc Kinh.

Có lẽ chính vì các quan ngại nói trên mà chính phủ Nhật Bản đòi Mỹ phải lồng vấn đề bảo vệ đảo xa vào bản Hướng dẫn Hợp tác Quốc phòng song phương.

Văn kiện này trên nguyên tắc quy định cách phân công, phân nhiệm giữa lực lượng võ trang hai bên. Nếu bản hướng dẫn này đề cập đến việc bảo vệ các hòn đảo lớn nhỏ của Nhật Bản, cách thức can thiệp của lực lượng Mỹ khi xẩy ra sự cố sẽ trở nên rõ ràng hơn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.