Vào nội dung chính
ẤN ĐỘ - PHÁP

Thủ tướng Ấn Độ đến Pháp để kêu gọi đầu tư

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công du nước Pháp trong ba ngày, từ ngày 9 đến 11/04/2015, với mục đích quảng bá chính sách « Make in India », kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn vào quốc gia Nam Á này. Sau buổi nói chuyện với các doanh nhân Pháp, thủ tướng Ấn tham quan cơ sở của tập đoàn chế tạo máy bay Airbus tại Toulouse.  

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (trái) tiếp Thủ tướng Ấn,Narendra Modi (phải). Ảnh ngày 10/04/2015.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (trái) tiếp Thủ tướng Ấn,Narendra Modi (phải). Ảnh ngày 10/04/2015. REUTERS/Ian Langsdon/Pool
Quảng cáo

Khi lên cầm quyền vào tháng 5/2014, thủ tướng Modi đề ra mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành một căn cứ công nghiệp của thế giới, tạo đà cho tăng trưởng tại nước đông dân thứ nhì trên địa cầu, giải quyết công việc làm cho 12 triệu thanh niên hàng năm gia nhập thị trường lao động.

New Delhi đặc biệt muốn đẩy mạnh ngành công nghệ quốc phòng, hạt nhân, tăng cường chuyển giao công nghệ. Để đạt được những mục tiêu đó, nội các Modi điều chỉnh luật đầu tư, cho phép các tập đoàn quốc tế có thể kiểm soát tới 49 % vốn của các tổ hợp liên doanh trong các lĩnh vực được coi là ưu tiên nói trên.

Ấn Độ hiện bị xem là một trong những địa điểm khó vào kinh doanh nhất trên thế giới. Trong bảng xếp hạng của Ngân Hàng Thế Giới Ấn Độ bị đẩy xuống hạng thứ 142 trên tổng số 189 quốc gia.

Về phía Pháp, Paris chờ đợi thủ tướng Narendra Modi khai thông hồ sơ liên quan tới hợp đồng bán 126 chiến đấu cơ Rafale cho Ấn Độ. Đôi bên đã ráo riết đàm phán về hợp đồng này từ 3 năm qua.

Trả lời đài RFI chuyên gia về Ấn Độ, Jean-Joseph Boilot, cố vấn về các hoạt động kinh doanh thuộc Trung tâm nghiên cứu vễ triển vọng và thông tin quốc tế CEPII cho rằng, Paris nóng lòng muốn bán cho New Delhi chiến đấu cơ Rafale, nhưng đây không phải là trọng tâm hàng đầu của thủ tướng Modi trong chuyến công du nước Pháp lần này :

« Bình thường ra, hồ sơ này không có hy vọng đạt nhiều tiến triển. Đây chỉ là chuyến công du châu Âu đầu tiên kể từ khi ông Narendra Modi lên cầm quyền. Lần này ông đến Pháp và Đức. Đừng quên rằng, Pháp là một trong 5 quốc gia có một vị trí quan trọng trong lịch sử của nước Ấn Độ độc lập ngày nay. Do đó Pháp một trong những điểm quan trọng trong chính sách đối ngoại của thủ tướng Modi. Còn chuyện mua chiến đấu cơ Rafale lại thuộc về một phạm trù khác ».

Hồ sơ Rafale đã được đôi bên khởi động từ 3 năm qua. Tới nay, Paris và New Delhi còn bất đồng về mặt giá cả. Thoạt đầu trị giá mua 126 chiến đấu cơ của Pháp lên tới 11 tỷ euro, nhưng giờ đây thì hợp đồng tăng lên thành 18 tỷ với điều kiện Pháp đồng ý chuyển giao công nghệ cho phía Ấn Độ và 108 chiếc trong số 126 nói trên sẽ được lắp ráp tại Ấn Độ. Cách biệt đến 7 tỷ euro nói trên, theo giải thích của nhà sản xuất là tập đoàn Dassault là do thời gian lắp ráp 108 chiếc Rafale tại Ấn Độ sẽ kéo dài, làm tăng chi phí.

Tuy nhiên theo các nhà quan sát, việc New Delhi trang bị chiến đấu cơ trước hết là nhằm tăng cường khả năng phòng thủ. Về mặt địa chính trị, Ấn Độ nằm sát cạnh Trung Quốc, Pakistan và gần sát với Trung Đông. Chuyên gia Jean-Joseph Boilot coi đây là điều tất yếu :

« Về mặt quân số, Ấn Độ là quốc gia có lực lượng hùng hậu đứng thứ ba trên thế giới. Nhưng về mặt kỹ thuật thì quốc gia này chưa thể tự lập. Chính vì vậy mà Ấn Độ gần như là quốc gia nhập khẩu vũ khí và trang thiết bị quân sự hàng đầu cửa thế giới. Trong một vài năm trở lại đây, New Delhi bắt đầu đẩy mạnh lĩnh vực công nghệ quốc phòng. Thủ tướng Narendra Modi, từ khi lên cầm quyền lại coi đây là một trong những khu vực ưu tiên, ông đặt trọng tâm vào việc đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa đất nước, với chiến dịch mang tên « Make in India ». trong bối cảnh đó, đương nhiên New Delhi sẽ thảo luận với Paris về một đối tác chiến lược, không chỉ giới hạn ở lĩnh vực quốc phòng ».

Về phần mình bà Johanna Melka, chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng BNP-PARIBAS lưu ý : với một tỷ lệ tăng trưởng dự trù vượt ngưỡng 8 % trong năm nay, và để mở rộng mạng lưới công nghiệp, Ấn Độ đang đề ra mục tiêu thu hút đầu tư ngoại quốc ít nhất trong 25 lĩnh vực, và kể cả ngành giao thông, để đem lại công việc làm cho 12 triệu thanh niên hàng năm gia nhập đội ngũ lao động :

« Để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, nội các Modi đã thông qua hai đạo luật quan trọng. Đạo luật thứ nhất, cho phép doanh nghiệp nước ngoài kiểm soát đếm 49 % vốn của các tổ hợp liên doanh trong ngành bảo hiểm, thay vì 26 % như trước. Văn bản thứ nhì cũng quan trong không kém nhằm khuyến khích đầu tư trong ngành đường sắt : về điểm này thậm chí New Delhi còn cho phép các tập đoàn ngoại quốc bỏ vốn ra đến 100 %. Dù vậy môi trường làm ăn ở Ấn Độ đang bị sa sút đáng kể so với nhiều quốc gia đang trỗi dậy khác, chẳng hạn như tại Trung Quốc, cho dù Trung Quốc vẫn bị nạn tham nhũng hoành hành và vẫn nổi tiếng là một quốc gia với những thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê ».

Mọi người còn nhớ tập đoàn luyện kim Arcellor Mittal của Pháp, năm 2013 đã phải bỏ dở một dự án đầu tư vào Ấn Độ mà tập đoàn này đã theo đuổi trong suốt 6 năm liền. Lý do là Arcellor Mittal đã không được cấp giấy phép hoạt động, và cũng không được quyền khai thác quặng mỏ. Một thí dụ khác nữa là vào năm ngoái, dây chuyền siêu thị Carrefour của Pháp cũng đã phải đóng cửa 5 chi nhánh… Vậy các tập đoàn Pháp liệu có sẵn sàng đầu tư vào Ấn Độ hay không ? Hiện tại có gần 400 tập đoàn và doanh nghiệp Pháp đang hiện diện tại quốc gia với hơn 1,2 tỷ dân này. Trong số đó có những tên tuổi hàng đầu của mạng lưới công nghệ Pháp, từ tập đoàn xe hơi Renault đến hãng chế tạo vỏ xe Michelin, từ tập đoàn xi-măng Lafarge đến công ty viễn thông Alcatel. Theo lời luật gia cố vấn cho Phòng thương mại Paris, Olivier Monange, Ấn Độ vẫn là một thị trường đầy sức hấp dẫn :

« Có nhiều hợp đồng đã được ký kết từ một vài năm qua, chẳng hạn như hợp đồng mua bán tàu ngầm, hay cung cấp chiến đấu cơ, nâng cấp và hiện đại hóa các loại máy bay mà phía Pháp đã cung cấp cho đối tác Ấn Độ. Bên cạnh đó có hợp đồng Rafale và nếu như hợp đồng này được kết thúc tốt đẹp, thì lập tức sẽ tạo ra nhiều công việc làm cho ngành công nghiệp sản xuất máy bay, cho các tập đoàn trang thiết bị quân sự của Pháp. Dù muốn hay không Ấn Độ là một thị trường không thể bỏ qua ».

Sau Pháp, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ công du nước Đức. Chủ nhật 12/04/2015 ông sẽ cùng thủ tướng Angela Merkel khai mạc Hội chợ kỹ nghệ công nghiệp Hannover, tiếp xúc với các doanh nhân hàng đầu của Đức như lãnh đạo tập đoàn xe hơi và xe tải, Daimler… Trong số các nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu Đức hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ. Tổng trao đổi mậu dịch hai chiều năm 2013 lên tới hơn 73 tỷ euro.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.