Vào nội dung chính
NGA - THÁI LAN

Thủ tướng Nga công du Thái Lan

Kết thúc chuyến công du Việt Nam, hôm nay 08/04/2015, tại Thái Lan, Thủ tướng Nga Medvedev hội kiến với lãnh đạo tập đoàn quân sự Thái, tướng Prayout Chan-O-Cha. Truyền thông quốc tế đặc biệt chú ý đến các thương lượng song phương về nông phẩm.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tiếp đón Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (Government House photo)
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tiếp đón Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (Government House photo)
Quảng cáo

Matxcơva muốn tìm kiếm một nguồn cung ứng thực phẩm mới, trong bối cảnh Nga tiếp tục duy trì lệnh cấm vận hàng hóa từ Châu Âu và Hoa Kỳ. Theo AFP, trước cuộc gặp với các doanh nhân Nga tại một khách sạn lớn tại Bangkok, tướng Prayout Chan-O-Cha – Thủ tướng chính phủ do giới quân sự lập ra sau cuộc đảo chính tháng 5/2014 - tuyên bố « Nước Nga quan tâm đến công nghiệp xe hơi và ngành chế biến thực phẩm » tại Thái Lan, cụ thể là việc « xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm sang Nga ».

Tướng Chan-O-Cha cho biết thêm là đã yêu cầu Nga nhập « cao su, gạo, thịt lợn đông lạnh và hoa quả tươi ». Cùng có mặt với lãnh đạo Thái Lan, Thủ tướng Nga Medvedev khẳng định Matxcơva cũng muốn tăng gấp đôi trao đổi thương mại với Bangkok, từ năm tỷ lên 10 tỷ đô la ngay từ năm tới.

Theo Thủ tướng Nga, Matxcơva dự kiến « hạ thấp hàng rào thuế quan » với Thái Lan. Cấm vận của Nga nhắm vào nông sản Châu Âu và Mỹ liên quan đến khủng hoảng Ukraina khiến giá cả thực phẩm ở nước này tăng hơn 15% trong năm qua, và xu thế trên còn tiếp tục tăng kể từ đầu năm.

Về phía Thái Lan, hợp tác với Nga trong lĩnh vực này là một cơ hội, khi tăng trưởng kinh tế đang khó phục hồi, bất chấp các hứa hẹn của chính quyền quân sự.

Bên cạnh nông phẩm, lãnh đạo hai nước cũng nêu ra vấn đề bảo đảm « an ninh » đối với khách du lịch Nga, với khoảng 1,6 triệu người tới Thái Lan trong năm ngoái. Thủ tướng Thái Lan cũng nhắc đến khả năng đặt mua máy bay quân sự và trực thăng chống hỏa hoạn của Nga với hãng thông tấn Nga Itar Tass, tuy nhiên không có thông tin cụ thể nào về thương lượng lọt ra bên ngoài.

Gazprom Neft Nga thỏa thuận với PetroVietnam khai thác chung

Trước Thái Lan, Thủ tướng Nga Medvedev có chặng dừng chân ba ngày tại Việt Nam. Theo báo chí trong nước và quốc tế, một trong những trọng tâm của chuyến đi này là thúc đẩy việc Việt Nam gia nhập Liên minh Kinh tế Âu-Á (gồm năm nước thuộc Liên Xô cũ), với hy vọng thương mại song phương Việt-Nga sẽ tăng lên 10 tỷ đô la vào năm 2020, tức gấp bốn lần so với năm ngoái.

Nếu được ký kết, Việt Nam sẽ là quốc gia đối tác đầu tiên của liên minh kinh tế mà Nga nắm quyền chi phối. Dầu khí, năng lượng nguyên tử và kỹ thuật quân sự là một số lĩnh vực chủ yếu mà hai bên có thể có thêm cơ hội hợp tác, sau chuyến công du của ông Medvedev, trong đó đáng chú ý là nhiều thỏa thuận hợp tác giữa tập đoàn Nga Gazprom Neft và tập đoàn Việt Nam PetroVietnam đã được ký.

Các thỏa thuận dự kiến hợp tác khai thác dầu tại vùng biến nông Petchora (tây bắc nước Nga), sát với Bắc Cực, địa điểm đặc biệt được công chúng biết tới với các xung đột giữa Gazprom và nhóm bảo vệ môi trường Greenpeace cuối năm 2013.

Gaspromp Neft cũng dự kiến sẽ mua lại 49% cổ phần của tổ hợp lọc dầu Dung Quất, do Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) quản lý, tham gia vào việc cải thiện công nghệ và năng lực sản xuất của nhà máy.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.