Vào nội dung chính
CHÂU Á - HỢP TÁC

Jakarta và Bắc Kinh thăm dò khả năng hợp tác hạ tầng hàng hải

Hôm nay, 27/03/2015, Tổng thống Indonesia kết thúc chuyến công du hai ngày tại Trung Quốc. Theo tuần báo quan hệ quốc tế The Diplomat, hai bên đã cam kết nhiều hợp tác, đặc biệt đáng chú ý là hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng hàng hải.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại Diễn đàn hợp tác kinh tế Indonesia - Trung Quốc, Bắc Kinh, 27/03/2015.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại Diễn đàn hợp tác kinh tế Indonesia - Trung Quốc, Bắc Kinh, 27/03/2015. REUTERS/Feng Li
Quảng cáo

Trong cuộc gặp lần thứ hai với người đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Indonesia Joko Widodo ghi nhận, hai bên đã có nhiều tiến bộ trong hợp tác kể từ cuộc gặp lần trước, tháng 11/2014, khi ông gặp chủ tịch Trung Quốc bên lề hội nghị APEC tại Bắc Kinh. The Diplomat nhận xét, trọng tâm của chuyến công du của nguyên thủ Indonesia đến Trung Quốc lần này là kích thích thương mại song phương và thu hút đầu tư Trung Quốc. Tổng thống Jokowi nhắc lại Trung Quốc mới chỉ xếp hàng thứ 13 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Trung Quốc. Lĩnh vực mà Jakarta đặc biệt mong muốn đầu tư của Bắc Kinh là các cơ sở hạ tầng hàng hải, với dự án xây dựng 24 cảng biển trong năm năm tới.

Kết thúc cuộc hội kiến tại Bắc Kinh, hai bên ra thông cáo chung, ghi nhận dự án « Con đường tơ lụa trên biển » theo đề nghị của ông Tập Cận Bình có thể phối hợp với sáng kiến « Trục Hàng hải toàn cầu » (« Global Martime Fulcrum ») của phía Indonesia. Dự án « Con đường tơ lụa trên biển » là ý tưởng được Chủ tịch Trung Quốc nêu lên tại Indonesia trong chuyến công du 2013. Theo Tổng thống Indonesia, « hiện tại chương trình Con đường tơ lụa trên biển còn chưa được cụ thể hóa » (trả lời báo South China Morning Post, theo The Diplomat).

Hãng tin Pháp AFP thông báo, hai bên đã ký kết tám thỏa thuận, trong đó có việc tránh đánh thuế hai lần, hợp tác đường sắt cao tốc, hợp tác không gian, cũng như tìm kiếm và cứu nạn trên biển. Jakarta cũng đề nghị Trung Quốc đơn giản hóa thủ tục hải quan để tăng số lượng người Indonesia thăm Hoa lục, với dự kiến 10 triệu du khách hai chiều trong năm tới. Thương mại song phương dự kiến sẽ tăng lên 150 tỷ đô la trước 2020.

Liên quan đến dự án Ngân hàng đầu tư Châu Á, với trụ sở tương lai ở Bắc Kinh. Theo AFP, Tổng thống Indonesia tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ với hy vọng ngân hàng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc « bình ổn tài chính quốc tế ».

Trước đó trong chặng dừng chân tại Tokyo, Tổng thống Joko Widodo đã gây chú ý khi nhấn mạnh rằng yêu sách đường chín đoạn – tức « đường lưỡi bò » - của Trung Quốc tại Biển Đông là « không có cơ sở theo luật quốc tế ». Trên thực tế, đây là lập trường vốn có của Indonesia, theo nhà báo Prashanth Parameswaran của The Diplomat. Vẫn theo The Diplomat, Jakarta đang tiếp tục giữ vị trí trung gian trong các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, Indonesia thậm chí có thể đóng vai trò môi giới cho các đàm phán tranh chấp giữa Trung Quốc và một số láng giềng Đông Nam Á. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.