Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Lý Quang Diệu, nhà chính trị bản lãnh

Đăng ngày:

Sau khi xây dựng Singapore (Tân Gia Ba) từ những làng chài thành một quốc đảo phồn vinh, một chế độ trong sạch và được quốc tế kính trọng, ông Lý Quang Diệu đã từ giã cõi đời, thọ 91 tuổi. Những thành công vượt bực này được đánh đổi bằng nhiều hy sinh mà không phải người dân nào cũng đồng ý với chính sách bàn tay sắt của nhân vật được ca tụng là « nhà chiến lược đại tài, một nhà lãnh đạo huyền thoại ».

Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh chia buồn với Singapore về cái chết của Lý Quang Diệu. Ảnh ngày 25/03/2015.
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh chia buồn với Singapore về cái chết của Lý Quang Diệu. Ảnh ngày 25/03/2015. REUTERS/Edgar Su
Quảng cáo

Có lẽ những lời chia buồn với Singapore và vinh danh nhà lãnh đạo qua cố Lý Quang Diệu từ các nhà lãnh đạo quốc tế, từ Mỹ, Trung Quốc đến Liên Hiệp Quốc không phải là những sáo ngữ.

Từ một bến cảng và những làng chài do Anh Quốc trao trả độc lập năm 1959, Singapore được Lý Quang Diệu, lúc đó mới 35 tuổi, lãnh đạo vượt qua nhiều giai đoạn thăng trầm để cuối cùng trở thành một vị trí chiến lược tại châu Á từ kinh tế, tài chính cho đến an ninh quốc phòng.

Đối với nhiều người dân Singapore, nếu không có Lý Quang Diệu thì họ không có đời sống sung túc ngày nay, theo như ý kiến của một nhà giáo hồi hưu với báo chí Nhật.

Giới phân tích tại châu Á như giáo sư Willy Lam tại Hồng Kông cũng cho rằng chính Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình đã bắt chước mô hình Singapore của Lý Quang Diệu.

Ông Lý Quang Diệu chủ trương « trật tự » là nhu cầu để phát triển kinh tế chứ không phải là « dân chủ ». Nhiều biện pháp ổn định trật tự của Singapore, nếu nhìn theo khuôn mẫu Tây phương, có thể xem là « cay nghiệt, quá đáng ». Kể từ tháng 4/2015, uống rượu nơi công cộng có thế bị phạt đến 2000 đôla Singapore.

Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp nhận hy sinh các quyền tự do cơ bản của con người.

Trong bảng xếp hạng các chế độ « trong sạch » của Tổ chức Minh bạch Quốc tế Transparency International năm 2013, Singapore đứng hạng thứ 7 trên thế giới, và hạng nhất tại châu Á.

Ngược lại, về tự do báo chí và ngôn luận, Singapore đứng hạng thứ 153 trên 180 nước trong dánh sách của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới năm 2015.

Để ôn lại sự nghiệp thăng trầm của nhà lãnh đạo lâu dài nhất Á châu vừa qua đời, RFI đặt câu hỏi với nhà phân tích Lưu Tường Quang từ Sydney.

Theo nhà báo Lưu Tường Quang, trong thập niên 1950, ông Lý Quang Diệu xem miền Nam Việt Nam là tấm gương để đi tới. Ngày nay, Singapore, với chính sách đối ngoại uyển chuyển, có lẽ là bài học để các nước trong vùng, trong đó có Việt Nam noi theo để bảo vệ chủ quyền.

« Cựu Thủ Tướng Lý Quang Diệu là người sáng lập Đảo Quốc Singapore từ năm 1959 và giữ vai trò quan trọng này cho đến năm 1990. Trong thời gian trên 3 thập niên cuộc đời chính trị của ông Lý Quang Diệu không phải lúc nào cũng an nhiên thành đạt.

Trong những năm đầu sau khi Singapore được tự trị vào năm 1959, chính phủ đầu tiên do Ông Lý Quang Diệu làm thủ tướng và riêng cá nhân Ông Lý Quang Diệu đã bị áp lực nặng nề về sự đe dọa của Cộng Sản đến mức độ mà giới quan sát không tin là ông có thể tồn tại cho đến năm 1963.

Ông đã có một nhận xét bất hủ mà chúng ta chưa quên là theo lời ông vào thời điểm 1954 khi đất nước Việt Nam bị chia đôi, so sánh giữa Sài Gòn và Singapore thì Singapore có nguy cơ tan rã sụp đổ chứ không phải Sài Gòn [Lee Kuan Yew: “If one looked at Saigon and Singapore in 1954, one would have said Singapore was the goner, not Saigon."]

Khi phải đối phó với nguy cơ chồng chất ấy, Thủ Tướng Lý Quang Diệu đã mưu tìm sự ủng hộ của Sài Gòn, của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Lúc bấy giờ Malaya đã chiến thắng cộng sản vào năm 1960. Trước đó Thủ Tướng Malaya Tunku Abdul Rahman [1957-1963] đã đến Sài Gòn vào năm 1958 cũng để mưu tìm sự ủng hộ của Việt Nam Cộng Hòa trong nỗ lực chung chống lại sự đe dọa của Cộng Sản tại Đông Nam Á.

Vào năm 1960, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đáp lễ và thăm viếng Kuala Lumpur không chỉ để thảo luận nỗ lực chung chống cộng mà còn để học hỏi kinh nghiệm của Malaya trong việc giải trừ vấn nạn cộng sản.

Trong bối cảnh ấy, ông Lý Quang Diệu mong muốn gia nhập vào Liên Bang Malaya như là một lối thoát cho tình trạng chính trị bấp bênh của mình và là cơ hội để đẩy mạnh tiến trình độc lập cho Singapore.

Liên Bang Malaya với Singapore [Malaysia] đã không tồn tại sau năm 1965 vì nhiều lý do trong đó có lý do chủng tộc vì chính phủ Malaya rất lo ngại nhân số người gốc Trung Hoa và đặc biệt là sức mạnh kinh tế của họ.

Trong tiến trình trở thành một nước độc lập, ông Lý Quang Diệu cũng đã mưu tìm sự ủng hộ của Việt Nam Cộng Hòa .

Ngược lại, VNCH cũng nhận được sự ủng hộ của Mã Lai Á và Singapore trong cuộc chiến chống cộng. Tất nhiên Kuala Lumpur và Singapore ủng hộ VNCH vì trong tầm nhìn của hai nước này, sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á bảo đảm ổn định và có thể chận đứng đà phát triển của cộng sản trong vùng.

Ngày nay, Malaysia và Singapore cũng theo đuổi một chính sách ngoại giao uyển chuyển, có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc đặc biệt là về phương diện kinh tế nhưng vẫn giữ và phát triển quan hệ thân hữu với Hoa Kỳ về mặt an ninh quốc phòng để duy trì sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ ».

Giới trẻ Singapore muốn dân chủ

Về tương lai của Singapore, sau khi Lý Quang Diệu qua đời, nhật báo Nikkei của giới doanh nhân Nhật Bản dự đoán là có nhiều triển vọng cởi mở chính trị. Lý do cốt lõi là sau khi được phồn vinh, đã đến lúc công chúng Singapore quan tâm hơn về nhu cầu cải cách chính trị.

Một kết quả thăm dò ý dân do chính phủ thực hiện năm 2013 cho thấy 44% giới thanh thiếu niên từ 15 đến 19 tuổi muốn tự do ngôn luận, chỉ có 37% là còn nghe theo quan điểm chính thống.

Đảng Hành động Nhân dân của chính quyền, trong cuộc bầu cử nghị viện năm 2011, chỉ còn được 60% cử tri ủng hộ. Theo báo Nikkei, lần bầu cử tới sẽ là cơ hội cho phép người dân Singapore khẳng định hướng đi về tương lai.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.