Vào nội dung chính
HOA KỲ - TRUNG QUỐC - TÀI CHÍNH

Mỹ muốn AIIB hợp tác với Ngân Hàng Thế Giới

Nhật báo tài chính Mỹ Wall Street Journal tiết lộ Washington lo ngại Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), là một công cụ để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ngoại giao, nhưng Hoa Kỳ chấp thuận kêu gọi định chế này hợp tác với Ngân Hàng Thế Giới.  

Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde phát biểu nhân diễn đàn kinh tế  ở  Bắc Kinh  ngày 22/03/2015.
Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde phát biểu nhân diễn đàn kinh tế ở Bắc Kinh ngày 22/03/2015. REUTERS/Jason Lee
Quảng cáo

Tờ báo trích lời một quan chức cao cấp trong bộ Tài chính Hoa Kỳ theo đó, Washington ủng hộ « các định chế mới góp phần xây dựng và củng cố hệ thống tài chính quốc tế ». Tới nay Mỹ vẫn lo ngại ngân hàng AIIB sẽ trở thành một công cụ giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ngoại giao. Do vậy, Washington đã kêu gọi các quốc gia có ý định tham gia vào định chế tài chính do Bắc Kinh đề xướng nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lấy quyết định sau cùng.

Nhìn từ Mỹ, ngân hàng AIIB sẽ là một đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Ngân Hàng Thế Giới và Ngân hàng Phát triển Á châu. Dù vậy, Anh, Pháp, Đức, Ý là bốn nước châu Âu đã tuyên bố ý định tham gia vào dự án của Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ (Lou Jiwei) ngày 22/03/2015 cho biết hiện đang có 27 quốc gia trên thế giới đồng ý  tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á. Riêng hai đồng minh thân thiết của Mỹ tại châu Á là Nhật Bản và Úc không có ý định tham gia vào dự án này. Hàn Quốc đang nghiên cứu khả năng và sẽ lấy quyết định sau cùng vào trước cuối tháng 3/2015.

Trên nguyên tắc AIIB bắt đầu chính thức hoạt động vào cuối năm nay với vốn ban đầu 50 tỷ đô la. Chức năng chính của ngân hàng vừa được thành lập này nhằm tài trợ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho các quốc gia đang phát triển.

Về phần mình Thống đốc ngân hàng thế giới Jim Yong Kim, một cách rất ngoại giao đã cho biết sẽ hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với ngân hàng AIIB. Riêng lãnh đạo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế bà Christine Lagarde hoan nghênh sáng kiến của Bắc Kinh trong lĩnh vực này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.