Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP QUỐC - BẮC TRIỀU TIÊN - NHÂN QUYỀN

LHQ kêu gọi giải quyết vấn đề những người bị BTT bắt cóc

Một chuyên gia về nhân quyền của Liên hiệp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề 200 ngàn người ngoại quốc bị chế độ Bắc Triều Tiên bắt cóc và đưa những thủ phạm ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế.  

Marzuki Darusman, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc đặc tránh về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên (unphotos.org)
Marzuki Darusman, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc đặc tránh về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên (unphotos.org)
Quảng cáo

Trước Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc tại Genève hôm nay, 16/03/2015, ông Mazurki Darusman, chuyên gia độc lập của Liên hiệp quốc tế về tình hình nhân quyền ở Bắc Triều Tiên, đã trình bày bản cáo mới nhất của ông về nước này, trong đó có một chiến lược nhằm đưa vấn đề những người bị Bắc Triều Tiên bắt cóc ra trước công luận quốc tế.

Ông Darusman kêu gọi phải có hành động nhanh chóng và hiệu quả trên vấn đề này. Chuyên gia LHQ nhấn mạnh rằng nạn nhân, những người còn sống sót, và thân nhân của họ phần lớn nay đã lớn tuổi và nay cần phải có một giải pháp quốc tế cho vấn đề này.

Sau một cuộc điều tra theo sự uỷ nhiệm của Liên hiệp quốc, một báo cáo đã được công bố vào tháng 2 năm ngoái, mô tả nhiều vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Bắc Triều Tiên, trong đó có việc bắt cóc khoảng 200 ngàn công dân từ ít nhất 12 quốc gia.

Phần lớn những người bị bắt cóc là dân miền Nam Triều Tiên bị kẹt sau chiến tranh 1950-1953, nhưng cũng có hàng trăm người từ nhiều nước bị bắt cóc hay mất tích khi đến thăm Bắc Triều Tiên. Trong số này cũng bao gồm khoảng 100 công dân Nhật bị chế độ Bình Nhưỡng bắt cóc để huấn luyện cho gián điệp Bắc Triều Tiên về ngôn ngữ và tập quán Nhật.

Ông Darusman đề nghị Hội đồng Nhân quyền LHQ, Đại hội đồng LHQ và Hội đồng Bảo an duy trì áp lực lên Bắc Triều Tiên và gợi ý là nên tổ chức một hội nghị quốc tế về vấn đề này.

Đại diện Bắc Triều Tiên tại Genève hôm qua đã bác bỏ bản báo cáo của chuyên gia Darusman, cáo buộc ông là dùng vấn đề nhân quyền để giải thể hoặc lật đổ chế độ Bình Nhưỡng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.