Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - KINH TẾ

Trung Quốc: Sản xuất và tiêu dùng giảm mạnh trong hai tháng đầu năm

Trong tháng Giêng và tháng Hai, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã giảm mạnh trong bối cảnh chỉ số tiêu dùng cũng đi xuống. Đây là những dấu hiệu mới cho thấy sự hụt hơi của nền kinh tế thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, Bắc Kinh trấn an rằng đó là một « quy chuẩn mới » trong lĩnh vực tăng trưởng.

Chọn mua hàng tại một siêu thị ở Thượng Hải, 08/03/2015.
Chọn mua hàng tại một siêu thị ở Thượng Hải, 08/03/2015. REUTERS/Aly Song
Quảng cáo

Theo số liệu được cơ quan thống kê Trung Quốc công bố hôm nay, 11/03/2015, sản xuất công nghiệp tính gộp cả tháng Giêng và tháng Hai do có kỳ nghỉ Tết dài trong tháng Hai, chỉ tăng 6,8% so với cùng thời kỳ này năm ngoái. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ 2008.

Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc, tính cả năm 2014, tăng 7,9%.

Chỉ số bán lẻ, thước đo mức độ tiêu dùng của các hộ gia đình, trong thời gian hai tháng đầu năm, cũng tăng chậm, 10,7%, tính theo tỉ lệ cả năm, mức thấp nhất kể từ tháng 02/2006.

Vẫn theo Bắc Kinh, đầu tư tư bản cố định (thước đo mức đầu tư vào hạ tầng cơ sở) tăng 13,9% trong hai tháng đầu năm. Đây cũng là tỉ lệ thấp nhất kể từ 13 năm qua. Năm 2014, tỉ lệ này là 15,7% và năm 2013, xấp xỉ 20%.

Các số liệu thống kê phản ánh sự chao đảo của nền kinh tế Trung Quốc, phải đối mặt với xu hướng tiêu thụ nội địa giảm, xuất khẩu không tăng, ngành công nghiệp chế biến gần như đình trệ, tạo áp lực thoái lạm ngày càng mạnh.

Việc giá bán lẻ không tăng, hoặc tăng chậm, có thể dẫn đến tình trạng nguời tiêu dùng đẩy lùi thời hạn mua hàng và các doanh nghiệp chưa muốn đầu tư thêm.

Giới chuyên gia thuộc ngân hàng Nomura phân tích : Các số liệu này cho thấy sự năng động tăng trưởng kinh tế còn tiếp tục suy giảm và làm rõ một thực tế là Trung Quốc đang đối mặt với những vấn đề cơ cấu, như thị trường bất động sản bị « đông cứng », sản xuất công nghiệp vượt quá nhu cầu…

Tuy nhiên, Bắc Kinh giải thích rằng các số liệu thống kê cho thấy Trung Quốc áp dụng một quy chuẩn mới, giảm bớt tốc độ tăng trưởng và đây là nỗ lực tái cân bằng mô hình kinh tế cũ, bị coi là lạc hậu, giảm bớt sự độc quyền của các doanh nghiệp Nhà nước cũng như quy mô các ngành công nghiệp không có lãi.

Trong năm 2014, tăng trưởng của Trung Quốc chỉ là 7,4%, mức thấp nhất kể từ 25 năm qua. Trong năm nay, Bắc Kinh đề ra mục tiêu chỉ là 7%. Thế nhưng, các chuyên gia thuộc ngân hàng ANZ lại nhận định là Trung Quốc khó có thể đạt được mức này : Dựa trên các số liệu được công bố hôm nay, 11/03, tăng trưởng dự báo của Trung Quốc trong quý một 2015 có thể dưới 7%.

Để thúc đẩy hoạt động kinh tế, trong những tháng vừa qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp nới lỏng kiểm soát tiền tệ, hai lần giảm lãi suất và nhiều lần bơm thêm thanh khoản vào nền kinh tế. Song kết quả đạt được khá khiêm tốn.

Bởi vì theo công ty tài chính Trung Quốc CICC, được AFP trích dẫn, cho dù Ngân hàng Trung ương có nới lỏng các chính sách tiền tệ, lãi suất đi vay trên thực tế vẫn rất cao, do vậy, các doanh nghiệp không muốn tăng đầu tư tư bản cố định vì tốn kém.

Mặt khác, theo các chuyên gia ngân hàng ANZ, chính sách ngân sách năng động của chính phủ Trung Quốc vẫn chưa mang lại kết quả. Bắc Kinh cam kết chấp nhận thâm thủng ngân sách ở mức 2,7% tổng sản phẩm quốc nội trong năm nay (năm ngoái là 2,1%), tức là chấp nhận tăng chi ngân sách cho các dự án hạ tầng cơ sở được đánh giá có tầm quan trọng chiến lược như xe lửa, thủy điện, nhà giá rẻ cho người nghèo…

Do vậy, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ phải tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nomura dự báo, Bắc Kinh sẽ giảm lãi suất, ít nhất là ba lần, từ nay đến cuối năm 2015.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.