Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - XÃ HỘI - KINH TẾ

Trung Quốc thí điểm cải cách ruộng đất

Một quan chức cao cấp Trung Quốc, ngày hôm qua, 04/03/2015, cho biết, chính quyền Bắc Kinh sẽ tiến hành thí điểm cho bán đất đai ở nông thôn, trong khi theo luật pháp Trung Quốc, đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước và các vụ trưng thu đất đang gây ra nhiều căng thẳng xã hội.

Dân cư Lục Phong, Quảng Đông biểu tình chống trưng thu đất đai. Ảnh chụp ngày 21/11/2011.
Dân cư Lục Phong, Quảng Đông biểu tình chống trưng thu đất đai. Ảnh chụp ngày 21/11/2011. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Từ cuối năm 2013, Trung Quốc đã tuyên bố sẵn sàng cho phép những người sống ở nông thôn được chuyển nhượng quyền sử dụng đất của mình, nhằm khuyến khích hàng triệu người rời bỏ nông thôn lên thành phố, bởi vì đô thị hóa được coi là một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc, bà Phó Oánh, nói rằng lời hứa này sẽ được thực hiện : Bước đầu, để làm thí điểm, 33 huyện sẽ đình chỉ một số điều khoản cấm tự do chuyển nhượng đất đai phi nông nghiệp.

Trong số những khu vực làm thí điểm có huyện Đại Hưng (Daxing), trực thuộc thủ đô Bắc Kinh. Chính quyền thành phố dự tính xây một sân bay quốc tế mới tại đây.

Theo thông cáo đăng trên website của Quốc hội Trung Quốc, chương trình thí điểm sẽ cho phép tự do chuyển nhượng trên thị trường « những khu đất ở vùng nông thôn, vì mục đích thương mại ».

Nói một cách rõ ràng, những người sống ở nông thôn, có đất, thì có thể bán cho bất kỳ ai, chứ không buộc phải bán cho chính quyền.

Theo luật pháp hiện hành tại Trung Quốc, Nhà nước và chính quyền địa phương có tiếng nói quyết định cuối cùng trong lĩnh vực đất đai, nông dân chỉ có quyền sử dụng.

Chính vì thế, các chính quyền địa phương có thể cưỡng chế trưng thu đất và chỉ trả những khoản đền bù rất thấp, rồi sau đó, chuyển nhượng cho những nhà kinh doanh địa ốc để kiếm lời, thậm chí đây là nguồn thu chính của chính quyền địa phương. Chính sách này đã gây ra nhiều bất bình của người dân và có khí dẫn đến bạo động.

Phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc khẳng định : « Cuộc cải cách này sẽ giúp phát triển một nền nông nghiệp hiện đại và tiến trình đô thị hóa, bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích của nông dân ».

Đại diện một công ty tư vấn luật pháp tại Bắc Kinh nói với AFP rằng chương trình thí điểm này có thể làm tăng thêm thu nhập cho các gia đình ở nông thôn, giảm bớt các vụ đối đầu giữa nông dân và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả của cải cách, cần phải chờ xem ai là người có quyền quyết định các giao dịch chuyển nhượng này ; nếu người quyết định là các quan chức địa phương hoặc các nhóm kinh doanh địa ốc, chứ không phải là nông dân, thì đây là một bước thụt lùi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.