Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Ma túy và ngoại giao : Jakarta không chùn tay trước áp lực quốc tế

Đăng ngày:

Tháng Giêng năm 2015, Indonesia xử bắn 5 người nước ngoài trong đó có một phụ nữ Việt Nam, tất cả bị buộc tội buôn ma túy. Trong hành lang chờ hành quyết đợt tới có 7 người ngoại quốc. Bất chấp phản đối, bất chấp áp lực ngoại giao mạnh nhất là từ phía Brazil và Úc, chính phủ Jakarta khẳng định Indonesia là một nước « có chủ quyền » và sẽ « bảo vệ quyền lợi quốc gia, tận diệt ma túy, không để quốc tế can thiệp vào nội bộ ».Sức ép ngoại giao có lẽ không đủ hiệu quả để cứu công dân thoát khỏi pháp trường Indonesia nhưng điều chắc chắn là án tử hình không làm giảm tệ nạn ma túy.

Dân Indonesia phản đối Úc xin khoan hồng cho hai tội phạm buôn ma túy.
Dân Indonesia phản đối Úc xin khoan hồng cho hai tội phạm buôn ma túy. Reuters
Quảng cáo

Có lẽ chưa bao giờ chính phủ một nước lại « hạ nhục » một quốc gia bạn để gây sức ép như Brazil đã cư xử với Indonesia. Ngày 01/02/2015 vừa qua, trong một buổi lễ trình ủy nhiệm thư được tổ chức long trọng tại Brazila đón tiếp các tân đại sứ của Hy lạp, Senegal, Venezuela, Panama, El Savador và Indonesia, Tổng thống Brazil, bà Dilma Roussef từ chối tiếp đại sứ của Indonesia, ông Toto Ryanto.

« Sự cố » ngoại giao này xảy ra một tuần trước khi một công dân Brazil sắp bị Indonesia đem ra xử bắn cùng lúc với 6 tử tội khác, trừ một người Indonesia, những người còn lại là công dân nước ngoài, gồm hai người Úc, một người Philippines, một người Pháp và hai người Phi châu, bị buộc tội buôn bán ma túy.

Trước đó, ngày 18/01/2015, năm người nước ngoài trong đó có một phụ nữ Việt Nam tên Trần Thị Bích Hạnh 37 tuổi, một công dân Hà Lan, Nigeria, Malawi và một người Brazil đã bị xử tử trong đợt đầu tiên kể từ ngày Tổng thống Joko Widodo nhậm chức bất chấp những lời kêu gọi xin khoan dung. Brazil và Hà Lan bày tỏ thái độ bất bình bằng cách triệu hồi đại sứ. Để gây áp lực cứu tử tội đang chờ xử bắn đợt hai, Brazil đe dọa Indonesia về những hệ quả cho quan hệ kinh tế song phương và « hạ nhục » Jakarta bằng ngoại giao.

Nước Úc, với hai công dân Andrew Chan và Myuran Sukumaran, bị giam từ 8 năm nay từ lúc tuổi mới đôi mươi chờ ngày hành quyết, cũng gây sức ép bằng mọi cách. Đích thân Thủ tướng Tony Abbott nhắc nhở Indonesia là đã từng được Úc viện trợ, giúp đỡ trong quá khứ khi gặp thiên tai hay khó khăn kinh tế. Thái độ « hạ nhục » của Brazil và « kể ơn » của Úc cho thấy chính phủ hai nước này đã tuyệt vọng.

Về phần nước Pháp, Paris đã gửi Bộ trưởng Tài chính Michel Sapin, người bạn thân của Tổng thống Pháp, đến tận Jakarta để xin khoan hồng cho công dân Serge Atlaoui, bị kết án tử hình năm 2007. Người thợ hàn này khẳng định ông được thuê lắp ráp máy móc để làm sợi nhân tạo chứ không biết là để biến chế ma túy. Indonesia tuyên bố chỉ tạm thời đình hoãn ngày hành quyết vì lý do « kỹ thuật » và vì lý do nhân đạo, cho tử tội có thời gian « sống thêm » với gia đình.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Úc, Pháp, Brazil tìm mọi cách để cứu án tử hình cho công dân mình ? Liệu Indonesia có vi phạm những cam kết quốc tế khi xử bắn tội phạm buôn ma túy ? Những bản án tuyệt đối này có thật sự tương xứng với hành động phạm pháp hay không ? Và có hiệu quả để làm giảm tệ nạn ma túy hay không ? Thái Lan thời Thủ tướng Thaksin đã cho phép cảnh sát bắn hạ con buôn ma túy và đã hạ sát hàng trăm « cò con » nhưng đâu có bắt được một tay trùm nào. Vậy thì đâu là giải pháp tối ưu ?

Từ Sydney, nhà báo Lưu Tường Quang, trước đây là một luật gia, một nhà ngoại giao thẩm định : « không ai bênh vực tội phạm buôn bán ma túy, vấn đề là bản án tử hình có tương xứng với tội trạng hay không ? Tổng thống Indonesia đã đi ngược lại tinh thần bản Hiến pháp Indonesia và các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc khi từ chối khoan hồng các tội phạm ma túy ». Mời quý thính giả theo dõi bài phỏng vấn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.