Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Bộ Giáo dục Trung Quốc "kiểm duyệt" các giá trị phương Tây

Thông tin Châu Á nổi bật với bài báo liên quan tới chính sách giáo dục tại Trung Quốc trên tờ Libération dưới tiêu đề : « Giáo dục : các giá trị phương Tây không còn được tự do tại Trung Quốc ». Để lấy lại quyền lực đối với giới trí thức, Bắc Kinh đang xem xét để kiểm duyệt nền giáo dục.

Bộ Giáo dục Trung Quốc loại bỏ khỏi lớp học các "giáo trình ca ngợi các giá trị phương Tây" - RFI /Stéphane Lagarde
Bộ Giáo dục Trung Quốc loại bỏ khỏi lớp học các "giáo trình ca ngợi các giá trị phương Tây" - RFI /Stéphane Lagarde
Quảng cáo

Trung Quốc đang lo sợ trước những giá trị phương Tây. Điều này được thể hiện qua phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc Viên Quý Nhân (Yuan Guiren) trong buổi họp với giám đốc các trường đại học cuối tháng 01/2015 vừa qua. Ông cảnh báo rằng : « Các giáo trình ca ngợi các giá trị phương Tây phải được loại bỏ khỏi lớp học » và yêu cầu phải cẩn thận chọn các loại sách vở nhập khẩu.

Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh : « Các thể chế hàn lâm phải làm cách nào đó để những ý kiến của chủ tịch Tập Cận Bình thẩm thấu vào công cụ giảng dạy, vào lớp học hay vào đầu học sinh, sinh viên ». Không chỉ dừng ở đó, ông Viên Quý Nhân tiếp tục bảo vệ quan điểm của chính quyền trên tạp chí Cầu Thị (Qiushi) khi khẳng định các nhà giáo trẻ và sinh viên là những đối tượng chính mà các âm mưu thù địch nhắm tới. Trước đó, chính tờ báo này đã buộc tội hai giảng viên đại học, giống như dưới thời cách mạng văn hóa.

Những tuyên bố trên có nguồn gốc trực tiếp từ chỉ thị công bố ngày 19/01 vừa qua của Ủy ban Trung ương Đảng. Theo đó, các trường đại học phải chú tâm tới giảng dạy hơn là nghiên cứu, trừ nghiên cứu chủ nghĩa Mác, phải củng cố nền tảng tư tưởng chung và tăng cường vai trò lãnh đạo của đảng. Nhiều giảng viên và nghiên cứu Trung Quốc và quốc tế đều có chung một quan điểm rằng chủ trương mới này thể hiện rõ điểm yếu của Đảng và nhà nước trong việc bảo vệ vị trí của mình.

Tại Bắc Kinh, một giảng viên kinh tế ái ngại rằng đây là chính sách đóng cửa và chấm dứt 30 năm nỗ lực cải cách của Trung Quốc. Ông cũng cho rằng chủ trương này sẽ thất bại vì người dân, đang sống trong chính sách mở cửa, sẽ không dễ gì chấp nhận quay lại thời kì trước. Còn theo đánh giá của một giảng viên ngành quan hệ quốc tế, chính quyền đang tìm cách tuyên bố tính chính đáng của mình trên phương diện chính trị thông qua việc khẳng định giá trị chủ nghĩa Mác là bất di bất dịch. Thực tế, Đảng đang tìm cách đưa các trường đại học vào khuôn khổ chính trị.

Một giảng viên khoa học chính trị từ Bruxelles cho rằng cách thao túng tư tưởng trên minh chứng cho sự yếu kém của một chế độ không tin tưởng vào chính những nhà trí thức của mình. Còn trả lời phỏng vấn trên tờ New York Times, một nhà sử học người Mỹ khẳng định từ cuối tháng 01/15, Trung Quốc đang phải đối mặt với hai nguy cơ.

Mối đe dọa bên trong chính là nạn tham nhũng và mối đe dọa bên ngoài là những tư tưởng xấu của phương Tây. Để ngăn chặn nạn tham nhũng, chủ tịch Tập Cận Bình không ngừng hối thúc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng. Còn đối mặt với những giá trị phương Tây, ông cho gia cố « vạn lý trường thành kỹ thuật số ». Song vẫn chưa đủ, vì trong các cơ sở hàn lâm Trung Quốc, có rất nhiều nhà nghiên cứu đã từng du học nước ngoài.

Chiến dịch chống tham nhũng đang tạo ra bầu không khí căng thẳng trong nội bộ Đảng. Nếu chủ tịch Tập Cận Bình kéo chiếc dây chống tham nhũng căng quá, nguy cơ Đảng sụp đổ có thể thành sự thật. Vì thế, trong bối cảnh này, các ý tưởng về tương lai chính trị của đất nước không ngừng nở rộ. Ngay từ bây giờ, Đảng phải đưa ra các biện pháp phòng ngừa và thiết lập khuôn khổ chặt chẽ đối với các cuộc tranh luận trí tuệ và chính trị.

Hồng Kông : Cơn sốt dân tộc chủ nghĩa

Vẫn liên quan tới Trung Quốc, tờ Le Figaro đưa tin : « Cơn sốt dân tộc chủ nghĩa tại Hồng Kông ». Cuối tuần vừa qua, khoảng 400 người Hồng Kông biểu tình chống lại sự ảnh hưởng của người Hoa tại khu thương mại Nguyên Lãng (Yuen Long), gần biên giới với Trung Quốc đại lục.

Họ tố cáo nhà buôn Hoa lục có mặt khắp nơi tại khu vực này, ồ ạt thu mua các mặt hàng xa xỉ để bán lại tại Thâm Quyến với giá đắt hơn. Họ yêu cầu chấm dứt việc cấp « giấy phép ra vào nhiều lần » tạo điều kiện cho việc buôn bán sữa bột, dược phẩm và các sản phẩm hàng hiệu. Công việc thu mua của người Hoa lục gây cản trở đời sống của người dân địa phương và làm tắc nghẽ hệ thống vận chuyển công cộng.

Xuất thân từ tầng lớp bình dân, những người biểu tình thể hiện sự phẫn nộ của một bộ phận lớn người dân trước ảnh hưởng Trung Quốc ngày càng tăng từ năm 1997. Họ kết tội Trung Quốc gây ra những bất ổn mà Hồng Kông phải đối mặt, như giá bất động sản tăng, hay cách hành xử thô lỗ của khách du lịch người Hoa có mặt khắp nơi …

Sau cuộc biểu tình ôn hòa « Occupy Central » không đưa lại kết quả, các lãnh đạo chính của phong trào này tạm thời im tiếng và chia rẽ về cách tiếp tục đấu tranh. Cuộc đụng độ cuối tuần vừa qua minh họa những thách thức đe dọa các phong trào dân chủ. Giáo sư Benny Tai e ngại nguy cơ cực đoan hóa. Vì một số người biểu tình đánh giá rằng việc chiếm đóng ôn hòa không giải quyết được gì nên phải chuyển qua hành động.

Trong khi đó, ngày 03/03 vừa qua, lần đầu tiên, một sĩ quan cao cấp quân đội Trung Quốc đã lên tiếng tố cáo phong trào « hoa dù » là một chiến dịch nhằm lật đổ chế độ. Bài báo kết luận đây là một lời buộc tội nặng nề điềm báo xấu cho những đề xuất cải cách chính trị mà chính phủ hứa công bố vào tháng 4 tới để ngăn chặn quyền phủ quyết của quốc hội.

Người Hin-đu chính thống nhắm tới người Công giáo tại Ấn Độ

Quay sang vấn đề tôn giáo tại nước láng giềng Ấn Độ, vẫn trên trang « Quốc tế », báo Le Figaro phản ánh : « Người Hin-đu chính thống nhắm tới người Công giáo tại Ấn Độ ». Theo bài báo, trong vòng hai năm, các cuộc tấn công chống thiểu số Công giáo đã tăng gấp ba lần tại đất nước này. Một bộ phận người theo Hin-đu hi vọng lập lại một nhà nước theo tôn giáo này.

Không chỉ ở thủ đô New Delhi, mà trên khắp lãnh thổ, họ phá hoại nhà thờ, tấn công giáo sĩ và người Công giáo. Năm 2014, có 365 vụ rắc rối, trong đó có 5 người Công giáo bị sát hại. Đây lại là trùng hợp ngẫu nhiên từ khi đảng cánh hữu Dân tộc Ấn Độ lên nắm quyền. Thế nhưng, trước số lượng tấn công ngày càng tăng từ hai tháng đầu năm nay, thủ tướng Narendra Modi vẫn giữ thái độ im lặng. Chỉ sau sự kiện một nhà thờ tại New Delhi bị phá hoại trung tuần tháng 2 vừa qua, ông mới ra lên tiếng trấn an thiểu số Công giáo.

Người Thiên chúa giáo chỉ chiếm 2% tại quốc gia có tới 80% là người Hin-đu. Dù Thiên chúa giáo có mặt tại Ấn Độ từ thế kỷ I, song người ta vẫn coi rằng đây là di sản của chế độ thuộc địa Anh, là mối đe dọa cho đoàn kết quốc gia. Vài tuần gần đây, các bộ trưởng đấu tranh để thông qua luật tự do cải đạo. Tại một số bang mà luật này được áp dụng, các tín đồ Hin-đu cực đoan tận dụng để gây sức ép với thiểu số Công giáo.

Ví dụ, khi một người Hin-đu muốn cải sang Thiên chúa giáo và người này trình báo cho cơ quan chức năng địa phương. Lập tức, cơ quan này thông báo cho những thành phần Hin-đu cực đoan. Họ tới nhà gây sức ép, thậm chí dùng bạo lực, để người này phải từ bỏ quyết. Trái lại, để cải sao đạo Hin-đu thì không ai chống đối.

Về phần mình, đảng Dân tộc Ấn Độ cầm quyền cho biết rằng luật về cải đạo không phải là ưu tiên. Các cải cách và phát triển kinh tế mới là bận tâm hàng đầu của chính phủ.

Bùng nổ nhập cư bất hợp pháp tại châu Âu

Tình trạng nhập cư bất hợp pháp là vấn đề đau đầu của các nước Liên Hiệp Châu Âu. Theo số liệu thống kê mới nhất của Frontex, cơ quan kiểm soát biên giới, trong vòng một năm số lượt người nhập cư trái phép vào Châu Âu đã tăng 153%. Tình trạng này được báo Le Figaro đăng trên trang nhất dưới dòng tựa : « Bùng nổ nhập cư bất hợp pháp tại Châu Âu » và nhiều bài phân tích trên các trang 2 và 3.

230 000 lượt người vượt biên trái phép vào Liên Hiệp Châu Âu trong vòng một năm. Đây mới chỉ là con số cảnh sát biên phòng phát hiện. Nguyên nhân chính của tình trạng này là các khủng hoảng quốc tế liên tiếp xảy ra, như cuộc chiến tại Syria hay Irak. Và gần đây nhất, Ukraina là quốc tịch chính trong danh sách những người dồn về biên giới với Liên Hiệp.

Ủy ban châu Âu trợ cấp 13,7 triệu euro cho Ý để giúp quốc gia này quản lý hàng chục nghìn người nhập cư và xin tị nạn đang sống tại các trại tại đây. Lính biên phòng bờ biển của nước này đang yêu cầu được trang bị vũ khí để đối mặt với những kẻ tổ chức vượt biên bất hợp pháp ngày càng bạo lực và có vũ trang.

Còn các đảng phái chống Liên Hiệp lại có thêm lý do để kêu gọi đóng cửa biên giới. Họ cho rằng giúp đỡ, tiếp tế lương thực, hay quần áo ấm cho người nhập cư ở trên tầu là đủ, nhưng không được để những người này lên bờ và buộc họ phải trở về chỗ cũ. Thậm chí, họ còn đưa ra giải pháp sàng lọc trước tại Libya.

Đây cũng là quan điểm mà nước Đức đang theo. 61% dân Đức phản đối dân nhập cư từ các nước ngoài Liên Hiệp. Họ muốn theo đuổi chính sách nhập cư có chọn lọc của Canada. Hàng năm quota của mỗi ngành nghề-lĩnh vực được đưa ra. Những người có nhiều bằng cấp và nói tiếng Đức sẽ được ưu tiên.

Cũng tại nước này, hệ thống « thẻ xanh lơ », theo hình thức Green Card của Mỹ, cũng được áp dụng cho nhập cư lao động. Tháng Giêng vừa qua, Đức tiếp nhận hơn 3000 hồ sơ xin nhập cư. Tuy nhiên, 99% trong số này đã bị trục xuất về nước. Để hạn chế làn sóng này, Berlin quyết định cử khoảng 20 cảnh sát tới hỗ trợ đồng nghiệp Hungari tại biên giới Serbia.

Các thông tin khác 

Thời sự Pháp khá tản mát với nhiều chủ đề khác nhau trên các nhật báo Pháp. Libération tranh luận xung quanh dự luật trừng phạt phân biệt chủng tộc hay bài Do thái. Còn Les Echos phản ánh chênh lệch tiền lương giữa phụ nữ và nam giới. Hay Le Monde và La Croix đề cập tới vấn đề Hội đồng châu Âu đề nghị Pháp cấm « tét đít » hay tát trẻ con. Báo La Croix cho rằng dường như Pháp chưa sẵn sàng từ bỏ ngay hình thức phạt này.

Về phần thời sự quốc tế, các báo tiếp tục phản ánh vụ ám sát nhà đối lập Nga Nemtsov. Theo bài báo « Những lời vĩnh biệt nhà đối lập Nemtsov » trên tờ Le Figaro, « trong nước Nga thời Putin, ông được coi như một người hùng dân tộc ». Dưới tựa đề « Cái chết của Boris Nemtsov : điện Kremlin đổ vạ cho Kiev », tờ Libération thông tin các phương tiện thông tin thân Putin tung giả thuyết Ukraina nhúng tay vào vụ này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.