Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - QUÂN ĐỘI

Vụ Kokang : Hình ảnh quân đội Miến Điện được cải thiện

Cuộc xung đột quân sự ở Kokang đã phần nào làm thay đổi cái nhìn của người dân Miến Điện, thậm chí cả các cựu tù chính trị, đối với quân đội nước này. Trên mạng xã báo chí có nhiều bình luận và ủng hộ quân đội.

Bác sĩ quân y Miến Điện chăm sóc thường dân bị thương, gần Laukkai, vùng Kokang, 19/02/2015
Bác sĩ quân y Miến Điện chăm sóc thường dân bị thương, gần Laukkai, vùng Kokang, 19/02/2015 REUTERS
Quảng cáo

Kể từ ngày 09/02, quân đội Miến Điện đã chiến đấu chống phiến quân tại vùng tự trị.

Trong gần nửa thế kỷ cầm quyền tại Miến Điện, quân đội nước này bị tố cáo lạm dụng vũ lực trấn áp các sắc tộc thiểu số ở những vùng rừng núi, đàn áp mọi tiếng nói kêu gọi dân chủ ở các thành phố.

Nhiều sắc tộc đã chiến đấu chống lại chính phủ, kể từ khi Miến Điện giành được độc lập, năm 1948.

Mặc dù Miến Điện đã có một chính phủ dân sự từ năm 2011, nhưng giới quan sát cho rằng, quân đội vẫn nắm thực quyền, giật dây ở hậu trường. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền có trong tay nhiều tài liệu tố cáo các vụ lạm dụng vũ lực, trấn áp, tra tấn tại những nơi quân đội tham chiến, chống lại lực lượng nổi dậy.

Kể từ khi xẩy ra các vụ bạo lực ở Kokang, sự nghi ngại quân đội đã phần nào nhường chỗ cho những lời tán dương, ủng hộ các hành động của quân đội.

Cuộc xung đột ở Kokang đã làm sống lại tâm lý nghi ngờ của Miến Điện đối với nước láng giềng khổng lồ phương bắc, đó là Trung Quốc.

Zagana, một diễn viên hài, nguyên là tù chính trị, nói với Reuters về cuộc chiến tại Kokang : « Đây là trách nhiệm của quân đội – mọi người đều nói như vậy và tôi đồng ý với suy nghĩ này ». Thế nhưng, diễn viên này cũng cho biết là ông không ủng hộ quân đội và kêu gọi chấm dứt chiến sự, tiến hành thương lượng hòa bình.

Quân đội đã đáp ứng sự ủng hộ của người dân bằng cách tỏ ra cởi mở hơn. Báo chí Miến Điện cho biết là các nhà báo đã được mời đến để nghe quân đội thông báo tình hình chiến sự.

Một chuyên gia thuộc Stimson Centre, có trụ sở tại Washington, nhận định : « Trong trường hợp Kokang, quân đội được coi là lực lượng đóng vai trò giữ gìn sự đoàn kết và chủ quyền quốc gia. Vai trò này không hề rõ ràng trong các cuộc xung đột khác », hàm ý nói đến những vụ xung đột với các sắc tộc thiểu số ở những nơi khác trên Miến Điện. Trong các vụ xung đột này, quân đội thường bị tố cáo trấn áp sắc tộc thiểu số, để bảo vệ lợi ích của mình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.