Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CHÂU Á - XÃ HỘI

Trung Quốc: Nạn đánh cắp và buôn bán trẻ nhỏ lộng hành

Theo ước tính, mỗi năm tại Trung Quốc có 70 ngàn trẻ nhỏ bị bắt cóc. Những đứa trẻ này sau đó may mắn thì được đem bán lại cho các gia đình giàu có hiếm muộn con trai, kém may mắn bị buộc phải đi ăn xin, bán vào các nhà chứa, tệ hơn nữa bị lấy ngũ tạng… Nhưng đáng chỉ trích hơn hết là thái độ thờ ơ, ù lì, nhắm mắt làm ngơ thậm chí tiếp tay của một số quan chức chính phủ cho các đường dây buôn bán trẻ béo bở đó. Về chủ đề này, tuần san L’Obs số ra từ ngày 26/02 cho đến 03/03/2015 phản ảnh lại qua hàng tựa « Những đứa trẻ bị đánh cắp tại Trung Quốc ».

Tìm lại được đứa con sau khi cảnh sát phá vỡ một đường dây buôn trẻ ở Quý Dương, Trung Quốc, ngày 29/10/2010 (DR)
Tìm lại được đứa con sau khi cảnh sát phá vỡ một đường dây buôn trẻ ở Quý Dương, Trung Quốc, ngày 29/10/2010 (DR) (STR/AFP/Getty Images)
Quảng cáo

Đặc phái viên tờ báo, Ursula Gauthier thuật lại câu chuyện bi thương của gia đình anh Ngô Tính Thành (Wu Xinghu), sống trong một ngôi làng nghèo, gần thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, miền trung Trung Quốc. Bé Giai Thành (Jiacheng), cậu con trai một tuổi của anh đã bị bắt cóc ngay trong chính vòng tay của cha mẹ cách đây 6 năm. Những tên bất lương xâm nhập vào nhà lúc nửa đêm, xịt thuốc mê cả gia đình và cuỗm cậu bé đi.

Sau nhiều giờ tìm kiếm, manh mối duy nhất mà anh có được là người dân phát hiện nhiều ngày nay có một chiếc xe hơi 4x4 đậu trước nhà và thăm dò về cậu con trai của anh. Đến trình báo sự việc tại đồn công an, những gì mà anh nhận được chỉ là cái nhún vai với câu trả lời : « Việc quái gì mấy người đó muốn bắt cóc thằng bé ? ».

Thái độ thờ ơ của chính quyền

Theo tuần san, nhiều tháng liền, cảnh sát từ chối cho đăng ký khiếu nại. Cảnh sát địa phương và cảnh sát quận đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Sau này, anh Ngô mới hiểu ra rằng mở điều tra cũng đồng nghĩa với việc nhìn nhận sự nghiêm trọng của vấn đề và có nguy cơ bị cấp trên quở trách. Tốt hơn hết là phủi trách nhiệm và không làm gì cả.

Không cam tâm, anh Ngô tự tiến hành điều tra với sự giúp đỡ của bạn bè. Và quá trình điều tra đó giúp anh Ngô hiểu rõ bộ mặt thật của hệ thống gọi là « Đảng phục vụ nhân dân ». Không như những gì được tuyên truyền, chính quyền « không kiên quyết chống tội phạm và bảo vệ người dân vô tội ».

Những gì anh Ngô thấy được từ các vụ bắt cóc đó là thái độ dửng dưng tột độ của chính quyền, tính trơ ì của bộ máy và thiếu thái độ thông cảm của các viên chức, nếu không muốn nói thái độ thù nghịch công khai của họ. Cũng như bao nông dân khác, anh Ngô biết trước rằng những kẻ mạnh rất ích kỷ, tham ô và bạo chúa. Nhưng anh không nghĩ đến một mức độ như thế.

Trước sự thụ động của chính quyền, anh Ngô đã cùng với một số phụ huynh can đảm khởi động một chiến dịch để được đăng ký khiếu nại. Các cuộc biểu tình ngồi ôn hòa lần lượt diễn ra từ cảnh sát quận, rồi tỉnh thành. Nhưng phải đợi đến năm 2010, trước cửa Bộ công an anh Ngô cùng với một số gia đình khác mới thực hiện được ý nguyện. Tức phải mất hết một năm rưỡi sau kể từ con anh mất tích.

Nạn buôn bán trẻ em tàn nhẫn

Cũng trong quá trình đi điều tra tại các tỉnh Hà Nam, Sơn Đông, Hà Bắc, anh Ngô phát hiện cả một mạng lưới buôn bán trẻ kinh hoàng, đang trở thành một ngành công nghiệp mà mỗi nhiệm vụ đã được chuyên nghiệp hóa. Từ khâu lấy hàng (được giao cho trẻ vị thành niên), chuyển hàng về điểm sàng lọc, cho đến khâu các nhà « bảo kê » : những viên cảnh sát và các thẩm phán địa phương có nhiệm vụ ngăn chặn mọi can thiệp từ bên ngoài.

Đó là chưa kể đến khâu « giám sát chất lượng » được giao cho các bệnh viện. Mỗi đứa trẻ đều phải trải qua các cuộc kiểm tra sơ bộ trước khi ký kết các gaio dịch. Theo đánh giá của tuần báo, đường dây tội phạm này mỗi năm thu được hàng trăm triệu euro.

Các bé trai, thường là đối tượng bị bắt cóc nhiều nhất, có thể được bán lại với giá 100 ngàn tệ, đôi khi mắc gấp đôi, nếu đó là các gia đình giàu có hiếm muộn con trai ở phía Nam. Đó là những trẻ may mắn, được đối xử như những ông hoàng con và sau này sẽ được kế thừa sản nghiệp từ bố mẹ nuôi.

Các bé gái ít hấp dẫn các gia đình hơn thì bị đưa vào nhà chứa. Những bé trai trong độ tuổi từ 6-12 tuổi, sau khi bị làm cho què tay cụt chân, buộc phải đi ăn xin cho các tổ chức tội phạm, số khác thì bị đưa vào làm việc trong các xưởng sản xuất gạch bất hợp pháp trong điều kiện như là nô lệ. Kinh khủng hơn nữa các băng đảng tội phạm đó còn khai thác bọn trẻ như là những mỏ nội tạng sống để đem bán.

Cuối cùng bài viết cho rằng, Trung Quốc giờ đã mất chiếc la bàn đạo đức. Sau khi phá vỡ một cách có hệ thống các giá trị truyền thống, Đảng cộng sản cuối cùng bỏ chính ý thức hệ cộng sản của mình vào trong bụi gai. Trên thượng tầng giờ ngự trị bộ đôi thép : quyền lực – độc quyền của đảng Cộng sản và tiền bạc – một lý tưởng cộng đồng mới.

Số phận của những trẻ nhỏ bị đánh cắp đưa ra ánh sáng mức độ vô nhân đạo của cả một hệ thống mà các guồng máy – dịch vụ xã hội, cảnh sát, tư pháp, bệnh viện… dường chỉ có mỗi bận tâm duy nhất : chia phần chiếc bánh ghê tởm.

Tổ chức nhà nước Hồi giáo tàn phá di sản thế giới

Nhìn sang Cận Đông, hôm thứ Năm 26/02/2015 vừa qua, phe thánh chiến Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tung lên mạng một đoạn video dài 5 phút cho thấy cảnh đang đập phá bảo tàng Mossoul tại Irak. Sự việc tạo ra làn sóng bất bình trên thế giới.

Thế nhưng, Libération trong bài viết đề tựa « Tổ chức Nhà nước Hồi giáo trút nỗi căm hận lên các cổ vật tại Mossoul » cho rằng hành động phá hoại đó là cả một ý đồ chiến thuật lên án thái độ nhất bên trọng, nhất bên khinh của phương Tây đối với cộng đồng người Hồi giáo.

Tờ báo cho rằng, cũng giống như vụ phe Taliban cho nổ mìn các tượng Phật tại Bamyan, Afghanistan, quân thánh chiến Hồi giáo lên tiếng nhận đã phá hủy các cổ vật Mossoul với danh nghĩa từ bỏ sự tôn thờ thần tượng.
Theo các nhà quan sát, hành động đập phá đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Điều đáng chú ý là cách dàn dựng : đó là tự họ ghi lại hình ảnh. So với các cuộc hành quyết, theo ông Mathieu Guidère, chuyên gia về Hồi giáo, chiến thuật đều giống nhau, vì « mục tiêu chính là để nói về chúng nhiều hơn và với một cách ngoạn mục hơn ».
Về phần mình, giáo sư Jean-Pierre Filiu, thuộc Đại học Khoa học Chính trị Paris cho rằng thông qua hành động đập phá được ghi hình đó, Tổ chức Hồi giáo còn muốn truyền đạt một thông điệp và phản ảnh một thực tế rõ ràng « khi những người Hồi giáo bị sát hại, không ai động tĩnh gì cả, cũng chẳng có một phản ứng nào. Nhưng ngay khi chúng ta giết các con tin phương Tây hay chúng ta phá các bức tượng, tức thì cả thế giới nổi giận ».

Putin : thần tượng của giới trẻ Nga

Libération tiếp tục đưa độc giả đến với nước Nga. Tại Matxcơva cũng như tại 11 thành phố lớn của Nga, phong trào Set, ủng hộ nước Nga vĩ đại và tôn sùng vô điều kiện Vladimir Putin ngày càng chiêu dụ nhiều giới trẻ trong độ tuổi 18-25. Chủ đề này được Libération phản ảnh lại qua bài viết đề tựa « Với giới trẻ, Putin là người cha tương lai ».

Phong trào Set, một phong trào ủng hộ điện Kremly thế hệ mới, một mô hình lai giữa Komsomol (Đoàn thanh niên Cộng sản) và Hội thanh niên yêu nước, trụ sở đặt tại tòa nhà dành làm nơi hội họp của các nhóm nghệ sĩ. Khác với cảm giá ban đầu cứ ngỡ đó là nơi làm việc của một tạp chí mạng với những xưởng thiết kế nghệ thuật, người đến tham quan dần có cảm nhận tổ chức này như một giáo phái nào đó mà lãnh tụ tinh thần là Vladimir Putin.

Đâu đâu cũng thấy hình bóng của ông : lúc thì khoác áo lông gấu, lúc thì đang bơi với cá heo, siêu anh hùng judo, hay là anh lính thủy. Đối với những người thiết kế nên phong trào Set, « Tổng thống Nga là biểu tượng của tất cả, là hình ảnh của nước Nga ngày nay, những gì có liên quan đến Nga đều có liên hệ với Putin ».
Những người đến dự các buổi thảo luận được trả một khoản tiền tương đương với 5 euro. Các thành viên là những người trẻ trong độ tuổi 18-25, những người sinh ra sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã, những người không biết ai khác ngoài ông Vladimir Putin. Và nhiều người trong số họ lớn lên trong một gia đình đã bị tan vỡ, thiếu vắng tình thương của cha.

Chính vì điều đó, các nhà sáng lập phong trào Set đã chọn ông Putin làm gương mặt tiêu biểu để thu hút ngày càng nhiều đối tượng công chúng duy nhất này. Họ tô vẽ hình ảnh ông Vladimir Putin như là « người cha hoàn hảo. Bởi vì ông Putin dũng mãnh, chứng tỏ cho thấy cách ứng xử trong mọi trường hợp, đó là một nhà lãnh đạo. Ông bảo vệ gia đình. Đó cũng là người cha ai cũng muốn có ».

Ngoài việc tuyên truyền niềm tự hào về một nước Nga vĩ đại và ca tụng ông Vladimir Putin, người cha tương lai của đất nước, phong trào Set còn lo về phần đào tạo các nhà « lãnh đạo tương lai », mở các lớp học về thuật hùng biện, địa chính trị, « công nghệ điều khiển đám đông ». Tổ chức liên hoan phim mang chủ đề yêu nước với giải thưởng mang tên nhà lãnh đạo Nga, giải thưởng « Putin » hay các buổi trình diễn thời trang.

Trên một phương diện nào đó, phong trào Set chưa hẳn đã là một hiện tượng mang tính chất toàn cầu, nhưng Libération nhận thấy là tổ chức này phục vụ cho sự thăng tiến xã hội. Tổ chức Set tạo mọi điều kiện làm việc thuận lợi, trang bị đầy đủ cho những ai mà tổ chức cho là có tiềm năng hứa hẹn.

Điều làm tờ báo thắc mắc cho đến giờ vẫn chưa có câu trả lời đó là nguồn tài chính. Theo một điều tra do Novaia Gazeta, một tòa báo độc lập tại Nga thực hiện, các dự án của tổ chức này được Kremly đài thọ, thông qua các kênh doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, ước tính mỗi năm tổ chức này nhận được 25 triệu euro.

Trang nhất các báo

Chủ đề tren trang nhất các báo khá đa dạng. Tuần san L’Express đưa tít lớn « Chiếc máy ủi » kèm theo đó là ảnh Thủ tướng Pháp Manuel Valls. Tờ báo tiết lộ những tâm tư của Thủ tướng, và nói về chiến thuật, cách thức điều hành, cách diễn đạt của người đứng đầu chính phủ để rồi đưa ra dự đoán thất bại của ông trong những cải cách sắp tới.

Tuần san L’Obs trở lại với vụ khủng bố tại Paris hồi trung tuần tháng Giêng 2015 với hàng tít « Các tiết lộ : Họ đã chuẩn bị các vụ tấn công khủng bố như thế nào ? ».

Nhật báo Le Monde quan tâm đến việc « Hoa Kỳ bảo đảm quyền truy cập mạng bình đẳng ». Đồng thời vụ các nghị sĩ Pháp đến Syria gặp Tổng thống Bachar al-Assad cũng là mối bận tâm của nhật báo qua hàng tít « Chính sách chống Assad của Hollande bị phản đối ».

Le Figaro thì đau xót cho vụ « Phe Hồi giáo cực đoan đập phá các kho báu của Irak ». Nhiều tác phẩm cổ vô giá thời văn minh Lưỡng Hà và Hy Lạp cổ đại đã bị phe thánh chiến phá hủy. Quốc tế phản ứng giận dữ.
Libération cuối tuần nhẹ nhàng hơn giới thiệu về hai cuộc triển lãm của hai ngôi sao nhạc pop, một tại Paris của ca sĩ Anh quốc, một tại New York của nữ ca sĩ người Iceland qua hàng tít « Bowie và Bjork : hai gương mặt ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.