Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG

Philippines: "Đường lưỡi bò" không còn giá trị khi Bắc Kinh tham gia UNCLOS

Báo chí Đông Nam Á, hôm nay 15/02/2014, chú ý đến tuyên bố về Biển Đông của một luật gia hàng đầu của Philippines, tại một hội nghị do Đại sứ quán Philippines phối hợp tổ chức tại Malaysia. Theo đó, chính quyền Trung Quốc đã từ bỏ cái gọi là « quyền lịch sử » trên Biển Đông, một khi đã tham gia Công ước quốc tế về luật biển (UNCLOS).

Thẩm phán Tòa án tối cao  Antonio Carpio giới thiệu với Ngoại trưởng Albert Del Rosario, hai Bộ trưởng Tư pháp và Quốc phòng Philippines các bản đồ cổ, hầu bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc - DR
Thẩm phán Tòa án tối cao Antonio Carpio giới thiệu với Ngoại trưởng Albert Del Rosario, hai Bộ trưởng Tư pháp và Quốc phòng Philippines các bản đồ cổ, hầu bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc - DR
Quảng cáo

Theo báo AsiaOne, Thẩm phán Antonio Carpion, thành viên kỳ cựu nhất của Tòa án Tối cao Philippines nhận xét : một nước đã tham gia ký kết Công ước nói trên, hiển nhiên là đã từ bỏ những yêu sách lịch sử trên biển – cụ thể Trung Quốc với yêu sách thường được gọi là « đường Lưỡi bò » hay « đường chữ U » -, đổi lại là vùng đặc quyền kinh tế với phạm vi 200 hải lý.

Luật gia Philippines nhấn mạnh, cho dù không tham gia Công ước nói trên, cũng không có bằng chứng lịch sử nào cho thấy Trung Quốc có quyền đối với bãi cạn Scarborough (cách vịnh Subic của Philippines hơn 120 hải lý) và quần đảo Spartly (tức Trường Sa). 

Vẫn theo Thẩm phán Antonio Carpion, trong các bản đồ Trung Quốc thời Tống và thời Thanh, lãnh thổ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, trong khi đó trong các bản đồ mới đây, đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc vươn đến tận gần vùng đất Sabah của Malaysia. Tham vọng của Trung Quốc trùm lên 90% Biển Đông, bao gồm khoảng 750 hòn đảo và bãi san hô lớn nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa. 

Mới đây, chính quyền Manila đã đưa ra một loạt bản đồ cổ cho thấy các khu vực như Scarborough đã được ghi nhận thuộc về chủ quyền Philippines từ rất lâu, trước khi xuất hiện trong các bản đồ Trung Quốc. 

Luật gia Antonio Carpion, 65 tuổi, là một trong 15 thành viên của Tòa án Tối cao Philippines. Ông Antonio Carpion hiện đang có chuyến công du một số nước Đông Nam Á để thuyết trình về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Malaysia là chặng dừng chân đầu tiên của thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines. 

Phát biểu nói trên của Luật gia Antonio Carpion được đưa ra trong một hội nghị do Đại sứ quán Philippines, Hội đồng trạng sư Malaysia và Đại học Malaya phối hợp tổ chức. 

Về vụ kiện Trung Quốc đang được Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (ITLOS) tại La Haye thụ lý, Luật gia Philippines tin tưởng không quốc gia nào có thể ngoan cố cưỡng lại luật pháp quốc tế, nhất là khi tranh chấp đã được một tòa án có thẩm quyền xét xử. Ông nhấn mạnh nếu thắng kiện, Philippines sẽ liên tục khiếu nại Liên Hiệp Quốc để buộc Bắc Kinh phải tuân thủ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.