Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - AFGHANISTAN - CHÂU Á

Trung Quốc tiến quân cờ tại Afghanistan

Hồ sơ Ukraina vẫn chiếm trọng tâm chính trên các mục quốc tế báo Pháp cuối tuần 14/02/2015. Về thời sự Châu Á, hai nhật báo Pháp Le Monde và Le Figaro đặc biệt quan tâm đến đề nghị chính thức của Trung Quốc làm « trung gian hòa giải » cho xung đột Afghanistan.

Tổng thống Afghanistan Asharaf Ghani và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh hồi tháng 10/2014.
Tổng thống Afghanistan Asharaf Ghani và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh hồi tháng 10/2014. REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Quảng cáo

Trong chuyến công du Pakistan kéo dài hai ngày, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Năm 12/02/2015 vừa qua, trong cuộc họp báo chung với cố vấn Thủ tướng Pakistan phụ trách an ninh quốc gia và đối ngoại, đã chính thức tuyên bố « ủng hộ chính phủ Afghanistan trong nỗ lực hòa giải giữa các đảng chính trị khác nhau, kể cả quân nổi dậy Taliban. Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò trung gian ».

Báo Le Monde trong bài viết đề tựa « Bắc Kinh đóng vai trung gian hòa giải tại Afghanistan » giải thích rõ vì sao Trung Quốc quyết định chính thức can dự nhiều hơn tại Afghanistan. Tờ báo cho biết rõ thêm, chuyến công du của Ngoại trưởng Trung Quốc tại Islamabad diễn ra vài ngày sau phiên họp đối thoại chiến lược ba bên đầu tiên giữa Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan được tổ chức bí mật tại Kabul vào ngày 09/02/2015.

Theo nhận định chung của nhật báo, tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng quan ngại vấn đề bảo đảm an ninh cho Afghanistan láng giềng, có chung với Trung Quốc 100 km đường biên giới. Nhất là trước tình hình cơn sốt thánh chiến tại Tân Cương, vùng tự trị có rất đông người Hồi giáo giáp giới với Trung Á, Bắc Kinh càng lúc càng lo sợ khả năng xảy ra hỗn loạn tại Afghanistan sau khi các lực lượng NATO được triệt thoái.

Kabul đã nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh có vai trò tích cực hơn để giúp giải quyết các xung đột. Tổng thống Afghanistan, Asharaf Ghani đã dành cho Trung Quốc một sự ưu ái, khi chọn Bắc Kinh làm điểm đến thứ nhất cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên hồi tháng 10/2014. Bởi vì, thách thức hàng đầu dành cho ba quốc gia Pakistan-Afghanistan-Trung Quốc chính là các thành trì của phe nổi dậy Taliban trong các vùng bộ tộc thiểu số dọc theo biên giới Pakistan-Afghanistan.

Còn tại Trung Quốc, từ hơn một năm nay, tại Tân Cương, các cuộc bạo động do một nhóm người Duy Ngô Nhĩ cực đoan thực hiện chống lại sự hiện diện của người Trung Quốc cũng không ngừng gia tăng. Ngoài vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, Bắc Kinh còn phải đối phó với phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, đang hoạt động mạnh trong vùng và có lẽ đã vượt qua cả bên kia biên giới Afghanistan kể từ sau vụ quân đội Pakistan tấn công vào vùng Bắc Waziristan hồi tháng Sáu năm rồi.

Kinh tế : quân bài chủ lực của Trung Quốc

Câu hỏi đặt ra liệu Bắc Kinh có thể thành công trong vai trò mới này hay không vào lúc mà Washington, Matxcơva và phương Tây hầu như đã thất bại trên lãnh địa này ? Theo nhận định của giáo sư Jean-Pierre Cabestan, trường Đại học Hồng Kông, « Trung Quốc có đủ các quân cờ để mà chơi. Nên nhớ rằng trước khi chế độ Taliban sụp đổ vào năm 2001, Bắc Kinh cũng đã duy trì một kênh liên lạc với phe Taliban. Và phe này hiểu rất rõ Trung Quốc ».

Một quan điểm cũng được nhật báo Le Figaro trong bài viết mang tựa đề « Bước nhảy lớn tại Afghanistan của ngành ngoại giao Trung Quốc » đồng chia sẻ. Trước hết tờ báo đánh giá đây là lần đầu tiên ngành ngoại giao Trung Quốc phiêu lưu ra ngoài lãnh thổ để giữ một vai trò có tầm mức lớn đến như vậy. Một chính sách đối lập hoàn toàn với những gì Bắc Kinh đang làm ở sườn đông của mình. Ở phía đông, thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc đang làm cho các quốc gia láng giềng thêm lo lắng và dẫn đến sự đối đầu với Hoa Kỳ. Ngược lại, ở phía Tây, Bắc Kinh lại được các tác nhân quốc tế lớn rất hoan nghênh.

Tiếp đến, cũng như nhận định của giáo sư Jean-Pierre Cabestan được Le Monde trích dẫn, nhật báo thiên hữu Le Figaro cho rằng Trung Quốc nắm đủ trong tay các quân bài ngoại giao và kinh tế để tiến hành thành công vai trò trung gian. Không như Hoa Kỳ, Bắc Kinh đã nhận được một sự ủng hộ vững chắc của Islamabad, mong muốn có sự can dự nhiều hơn từ phía Trung Quốc. Ông Hu Shisheng, chuyên gia Viện Quan hệ đối ngoại đương đại Trung Quốc (China Institute of Contemporary International Relations), cho rằng: “Chúng tôi nghĩ rằng Pakistan có khả năng kiểm soát các phe Hồi giáo cực đoan. Trước đây, Pakistan đã thiếu thiện chí và đã không làm công việc của mình. Nhưng mọi thứ đang thay đổi ».

Vũ khí lợi hại thứ hai của Bắc Kinh đó là kinh tế. Le Figaro trích nhận xét của nhà báo Ahmed Rashid, một người rất am tường về Pakistan và Afghanistan, cho rằng : « trợ giúp kinh tế và tiền của Trung Quốc chính là những động lực chính đối với Pakistan và Afghanistan ». Đây cũng là điểm thiếu sót của Hoa Kỳ. Các dự án kinh tế mà Bắc Kinh đem đến cho khu vực quả thật là một của trời ban và là một luận điểm sốc giúp hai quốc gia Trung-Nam Á này duy trì được các vụ bạo động.

Quả thật, duy chỉ có Trung Quốc dám gia tăng đầu tư trong khi rủi ro mất mát ngay ngày hôm sau là rất lớn. Hơn 3,5 tỷ đô-la đã được đầu tư để mua lại các mỏ đồng tại vùng Aynak, tỉnh Logar. Theo ước tính, các mỏ khoáng sản vùng này có giá trị lên đến 1000 tỷ đô-la. Điều đó đủ làm rõ dãi Trung Quốc, một kẻ phàm ăn trong khi sự thèm thuồng về nguyên vật liệu không ngừng gia tăng, tờ báo viết. Ngoài ra Bắc Kinh còn đầu tư vào dầu khí, với mức nhiều tỷ đô-la, đồng tài trợ dự án xây đập thủy điện Kunar ở Pakistan, xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu đường hay tuyến đường sắt nối vùng Chaman đông nam Afghanistan với Kandahar.

Nói tóm lại là bằng mọi cách « Trung Quốc đang tiến các quân cờ » như hàng tít nhận định trên trang nhất Le Figaro, nhưng « cũng chưa có gì bảo đảm là họ sẽ không thất bại » theo như nhận xét của ông Shi Yinhong, giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc ở Bắc Kinh.

Thỏa thuận Minsk vẫn còn nhiều điểm tối

Khủng hoảng Ukraina tiếp tục chiếm trọng tâm chính trên các mục quốc tế. Ngày 12/02/2015 vừa qua, cuộc họp thưởng đỉnh bốn bên Nga, Ukraina, Pháp và Đức đã đưa ra được một kế hoạch hòa bình cho Ukraina. Tuy nhiên theo nhật báo Le Monde « Thỏa thuận Minsk vẫn còn nhiều điểm tối ».

Thứ nhất là lệnh ngừng bắn. Theo bản thỏa thuận Minsk, được ký kết hôm thứ Năm vừa qua, lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực bắt đầu từ Chủ Nhật, 15/02/2015 vào lúc 00g01’. Từ đây đến đó, Kiev nghi ngờ thời hạn đó sẽ được phe ly khai sử dụng để đẩy nhanh hơn nữa lợi thế của họ. Quan ngại này đã được minh chứng rõ « Cuộc chiến vẫn tiếp diễn ở Đông Ukraina hôm thứ Sáu » theo như nhận định của thông tín viên Le Figaro tại Matxcơva.

Khó khăn thứ hai là việc giám sát triệt thoái các loại vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng tranh chấp một khoảng cách từ 50-70 km thay vì là 30 km như trước đây. Do Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu không thể áp đặt được các bên tham chiến, nên việc giám sát sẽ được theo dõi bằng vệ tinh và máy bay không người lái. Việc trao trả tù binh, nhất là việc trả tự do cho nữ phi công Ukraina chưa có gì cho thấy là Matxcơva sẽ giữ lời hứa. Cũng như việc giải trừ vũ khí và cho rút hết toàn bộ các ‘đơn vị vũ trang nước ngoài ' tạo cảm giác là một sự ảo tưởng.

Điểm thứ ba là giải quyết tranh chấp chính trị. Ai sẽ thanh toán lương và hưu bổng cho các công chức và người về hưu trong những khu vực do phe ly khai chiếm đóng, bị Kiev cắt nguồn từ cuối năm 2014. Quân ly khai nổi dậy hoàn toàn không có khả năng chi trả. Trong khi đó Nga cũng không muốn chịu trách nhiệm về tài chính trong khu vực thảm họa này.

Tiếp đến là vấn đề đảm bảo việc kiểm soát biên giới chung Ukraina – Nga. Trên nguyên tắc, một khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực sẽ do quân chính phủ Ukraina thực hiện. Trong khi đó, các vùng phía đông do phe ly khai kiểm soát lại có chung 400 km biên giới với Nga. Chính thông qua cửa ngõ này Matxcơva mới tiếp tế nhân lực và trang thiết bị quân sự cho phe ly khai. Về điểm này, Kiev buộc phải nhượng bộ Matxcơva giao cho tổ chức OSCE thực hiện.

Cuối cùng, Le Monde nêu bật một số điểm không chắc chắn còn lại. Lấy gì đảm bảo là thỏa thuận ký kết hôm thứ Năm vừa qua sẽ được tôn trọng tốt hơn là bản ký kết ngày 05/09 năm rồi. Bởi vì mục tiêu của điện Kremli là tạo ra bất ổn tại Ukraina bằng cách hình thành « một xung đột có mức độ » nhằm đe dọa thường trực lên sự phát triển của Ukraina.

Youtube : mừng sinh nhật 10 tuổi

Trên lĩnh vực công nghệ thông tin, Libération vui mừng loan báo « 10 tuổi : Happy Birthday to You…tube ». Cách đây mười năm, ngày 14/02/2005, một trang web video mang tên Youtube ra đời, cho phép người dùng có thể đăng tải, xem và chia sẻ các đoạn video clip. Đi đầu trong lãnh vực văn hóa mạng, Youtube đã đưa lên mạng rất nhiều hình ảnh video và còn sản sinh ra nhiều ngôi sao mới. Le Figaro có bài tóm tắt đề tựa : « Youtube, từ video nghiệp dư đến các ngôi sao của mạng ».

10 năm trước đây, ba cựu nhân viên hãng thanh toán qua mạng Paypal là Chad Hurley, Steve Chen và Jawed Karim đứng ra thành lập trang mạng Youtube.com, với ý tưởng chính là cho phép người dùng đăng tải và tìm kiếm các video trên mạng một cách dễ dàng. Một năm sau, trang mạng đã được Google mua lại với giá 1,65 tỷ đô-la. Vào thời điểm đó, đây rõ là một số tiền khổng lồ. Nhưng vụ mua bán đã không bõ công : đối với Google đây lại là một cơ hội tốt để cải tiến mạng và phát triển nhiều hình thức quảng cáo mới.

Ngày nay, Youtube đã trở thành mạng tham khảo chính cho các video trên mạng. Mỗi phút có 300 đoạn video được đăng tải, và mỗi tháng có hơn một triệu người sử dụng tư vấn. Đáng ghi nhận nữa chính người sử dụng đã làm phong phú thêm trang mạng. Cơ sở thông tin này có hẳn cả một cộng đồng thật sự hoạt động theo các quy tắc và ngôi sao riêng của mình : đó là những « công dân youtube ».

Nếu như quy luật giới truyền thông truyền thống quá khắt khe, thì Youtube lại là nơi tốt nhất tạo cơ hội để cho nhiều nghệ sĩ nghiệp dư trở nên nổi tiếng. Điển hình gần đây nhất là ca sĩ Hàn Quốc Psy với bài hát « Gangnam Style » lần đầu tiên phá vỡ, đạt mức một tỷ người xem. Thậm chí số lượt người xem video còn tăng lên gấp đôi và vượt ngưỡng 2 tỷ lượt.

Thành công của Youtube đã khiến cho nhiều kênh truyền hình lo sợ, cho rằng trang mạng này là một kẻ ăn cắp các nội dung và khán thính giả. Ngược lại, chính Youtube tạo ra cơ hội tốt để truyền hình tìm kiếm một lượng khán giả trẻ. Có thể nói « Youtube và truyền hình, hơi giống như là những kẻ thù tốt nhất », theo như nhận xét của một nhà điều hành kênh truyền hình.

Về phần mình, Youtube không e sợ sự cạnh tranh của giới truyền thông chính thống. « Một cư dân Youtube vừa được phát trên truyền hình, là một cư dân youtube đang mở rộng hơn nữa số lượt xem », theo như giải thích của Robert Kyncl, giám đốc điều hành kinh doanh của mạng Youtube với Le Figaro.

Giá dầu tụt giảm ai hưởng lợi

Về kinh tế, tuần san Courrier International quan tâm đến hiện tượng giá dầu tụt giảm trong thời gian vừa qua. Tờ báo chạy tít trên trang nhất « Dầu hỏa : quá đầy ». Ai được, Ai thua trong vụ này, Courrier International mở hẳn một hồ sơ trích dịch các nhận định trên các báo quốc tế.

Theo tuần san, giá dầu tụt đến 50% kể từ tháng Sáu năm rồi đã làm chao đảo diện mạo giữa các quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu dầu. Thủ phủ sản xuất dầu hỏa Aberdeen, xứ Scotland, thuộc Vương quốc Anh, lần đầu tiên từ 40 năm nay nếm mùi khủng hoảng tệ hại nhất. Venezuela, Angola hay như Iran gần như ngạt thở. Duy chỉ có Trung Quốc và Hoa Kỳ là được hưởng lợi trong vụ khủng hoảng này. Trung Quốc nhờ đó mà có thể bồi đắp lại những thất thiệt do tăng trưởng trệ.

Việt Nam cũng là nhà vô địch thải rác ra biển

Lãnh vực khoa học – sức khỏe và môi trường cuối tuần cũng khá phong phú. Le Monde có bài báo động đề tựa « Nhựa đang xâm chiếm đại dương ».

« Gieo nhân nào hái quả ấy », là lời cảnh báo của các nhà khoa học. Con người đang rải đầy rác xuống biển. Nếu không thay đổi cách quản lý chất thải, lượng rác thải nhựa đổ ra biển có thể tăng lên gấp đôi trong thập niên tới. Mật độ các phân tử nhựa trong biển càng cao, xác suất các phân tử đi vào các dây chuyền thực phẩm, tức là đi vào bao tử chúng ta cũng càng lớn. Chu trình trả ngược lại cho người gởi cũng đã bắt đầu.

Hôm qua, 13/02/2015, tạp chí Science lần đầu tiên cho công bố các kết quả nghiên cứu theo từng quốc gia cho thấy những nước chính góp phần gây ô nhiễm trên biển bằng rác thải nhựa. Theo ước tính của các tác giả, 192 quốc gia nằm dọc theo các bờ biển, trong năm 2010 đã đổ tổng cộng 275 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó, chỉ có 8 triệu tấn có thể tự hủy hoại được trong biển.

Theo mô hình tính toán của các nhà khoa học, quốc gia xả rác hàng đầu thế giới có lẽ là Trung Quốc. Trong năm 2010, chỉ riêng quốc gia này đã thải ra 2,8 triệu tấn nhựa ra biển. Tiếp đến là Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri-Lanka. Hoa Kỳ chiếm hạng 20 trên bảng tổng sắp 192 quốc gia. Không một thành viên nào trong Liên Hiệp Châu Âu có tên trong danh sách 20 quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu. Tuy nhiên, nếu gộp chung 23 quốc gia Châu Âu có bờ biển, các nước này bị xếp thứ 18 trong số những nước gây ô nhiễm nhiều nhất.

Trị liệu hóc-môn làm tăng rủi ro mắc chứng ung thư ?

Trở lại với báo Le Figaro trong mục khoa học. Tờ báo cho biết các nhà khoa học phát hiện ra rằng có « một sự liên hệ mới giữa hóc-môn và bệnh ung thư ». Theo một kết quả tái phân tích từ 52 công trình nghiên cứu đã được công bố từ năm 1998, các chuyên gia quốc tế rút ra một kết luận điều trị tiền mãn kinh bằng hóc-môn làm tăng 37% rủi ro mắc chứng ung thư cổ tử cung trong một giai đoạn là 5 năm.

Fukushima và ung thư tuyến giáp : mối ngờ vực dai dẳng

Cũng liên quan đến chứng ung thư, Le Figaro đặt câu hỏi phải chăng mưa phóng xạ rơi từ tai nạn trung tâm hạt nhân Fukushima là nguyên nhân của sự gia tăng rủi ro mắc chứng ung thư tuyến giáp ở trẻ nhỏ sống trong vùng xảy ra tai nạn vào thời điểm bấy giờ ? Theo các số liệu mới do tỉnh Fukushima công bố hôm thứ Năm 12/02/2015, có thêm 8 ca ung thư mới (một ca nặng và 7 ca nghi ngờ)ở trẻ chưa thành niên. Những trẻ này trong kỳ kiểm tra sức khỏe đầu tiên không có biểu hiện mang bệnh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.