Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

Bình Nhưỡng công bố 310 khẩu hiệu tuyên truyền

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên, hôm nay 12/02/2015, KCNA công bố một danh sách 310 khẩu hiệu mới. Theo AFP, những khẩu hiệu liên quan đến đủ lĩnh vực vẽ nên hình ảnh của Bắc Triều Tiên, một dân tộc thuần khiết, trung thành với chế độ, đang làm mọi cách để tự vệ trước các mưu đồ của kẻ thù bên ngoài, trước hết là Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo một số nhân chứng, bản thân nhiều người dân Bắc Triều Tiên cũng không tin vào khẩu hiệu.

Chế độ Kim Jong Un tung khẩu hiệu tuyên truyền mà dân Bắc Triều Tiên chưa chắc gì đã tin - REUTERS /KCNA
Chế độ Kim Jong Un tung khẩu hiệu tuyên truyền mà dân Bắc Triều Tiên chưa chắc gì đã tin - REUTERS /KCNA
Quảng cáo

Khẩu hiệu vốn có vị trí trung tâm trong đời sống xã hội Bắc Triều Tiên dưới chế độ độc đảng. Mọi người dân, từ khi ra đời đến khi chết, đều tắm mình trong không khí tuyên truyền, khẩu hiệu. Các khẩu hiệu mà hãng thông tấn chính thức KCNA công bố hôm nay liên quan đến đủ lĩnh vực, từ các đức hạnh của triều đại nhà Kim, việc trồng nấm, đến những lợi ích do kiên định tập thể thao.

Theo một số ghi nhận, giọng điệu của các khẩu hiệu khi thì cổ vũ, khuyến khích, khi thì khiêu khích, đe dọa. Khá nhiều khẩu hiệu được công bố cũng cho thấy không khí bên trong của Bắc Triều Tiên, được coi là một trong những quốc gia thuộc loại khép kín nhất hành tinh này.

Ví dụ như một khẩu hiệu nhấn mạnh gần gia tăng sản xuất để « giải quyết vấn đề lương thực ». Một loạt khẩu hiệu khác dành để chống lại các động thái « gây hấn » của Hoa Kỳ, hay tuyên truyền cho chủ trương lớn duy trì sức mạnh quân sự của Bắc Triều Tiên : « Nếu kẻ thù xâm phạm đến nước ta, hãy tiêu diệt đến tên cuối cùng ».

Một phần lớn nội dung trong danh sách là các khẩu hiệu kêu gọi người dân trung thành tuyệt đối với Kim Jong-Un, con trai của Kim Jong-Il, cháu nội của Kim Nhật Thành (Kim Il-sung).

Các hoạt động tuyên truyền của chế độ Bắc Triều Tiên, với các khẩu hiệu đao to búa lớn thoạt nhìn có vẻ như phản tác dụng, dưới con mắt của thế giới bên ngoài, nhưng dường như lọt tai đại đa số người dân ở đây, bởi họ không có sự lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, theo một số nhân chứng, nhiều người dân ngay tại Bắc Triều Tiên cũng đã từng mất lòng tin vào khẩu hiệu từ cả chục năm trước đây.

Ông Lee Min-Bok cho biết : « Chúng tôi phải nhớ rất nhiều khẩu hiệu, để thể hiện lòng trung thành với chế độ, nhưng dần dần các khẩu hiệu này không còn ý nghĩa đối với mọi người, đặc biệt sau nạn đói những năm 1990 ». Ông Lee Min-Bok là một người gốc Bắc Triều Tiên 57 tuổi, đã đào thoát cách nay 14 năm và hiện đang sống tại Hàn Quốc. Ông nói thêm : « Đã nhiều thập niên nay, khẩu hiểu về các nhà kính trồng rau quả cứ được lặp đi lặp lại, nhưng trên thực tế không ai có kính để làm nhà, hay có dầu để mà làm nhiên liệu sưởi ấm ».

Trên các trang mạng do những người tỵ nạn Bắc Triều Tiên lập ra, có nhiều câu chuyện được lưu truyền, về việc người dân thay đổi từ ngữ của một số khẩu hiệu để nhạo báng. Phải chăng chính là để lấy lại niềm tin của dân chúng mà chế độ Bắc Triều Tiên chế ra một loạt khẩu hiệu mới ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.