Vào nội dung chính
CHÂU Á

Đối thoại Seoul - Bắc Kinh về hạt nhân Bắc Triều Tiên

Hàn Quốc và Trung Quốc gặp nhau ngày 04/02/2015 để thảo luận về các biện pháp thúc đẩy Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Động thái này dấy lên hy vọng nối lại đàm phán Sáu bên về chủ đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Ảnh vệ tinh nhà máy nguyên tử Yongbyon  của BTT. Ảnh tháng 11/2013.
Ảnh vệ tinh nhà máy nguyên tử Yongbyon của BTT. Ảnh tháng 11/2013. Reuters
Quảng cáo

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 03/02/2015 thông báo lãnh đạo phái đoàn đàm phán Sáu bên của Hàn Quốc, ông Hwang Joon-Kook, sẽ gặp đồng nhiệm Trung Quốc Wu Dawei (Vũ Đại Vĩ) tại Bắc Kinh. Hai phía sẽ tiếp tục các thảo luận hồi tháng 10/2014 về các biện pháp nhằm cản trở Bắc Triều Tiên tiến hành tiếp các vụ thử hạt nhân, và tìm cơ hội « tái khởi động các thương lượng về phi hạt nhân hóa ».

Cuộc gặp ngày mai làm sống lại hy vọng về một đàm phán Sáu bên mới. Các thương lượng Sáu bên, giữa hai miền Triều Tiên, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hoa Kỳ bị gián đoạn từ tháng 12/2008.

Hôm qua, nhật báo Hoa Kỳ Washington Post cho biết các đặc phái viên Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đã có một số thảo luận bí mật về vấn đề này, tuy nhiên không đạt được đồng thuận về các biện pháp cụ thể. Hồi tháng 1/2015, tại Singapore, một số cựu giới chức Mỹ đã gặp ông Ri Yong-Ho, Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên, lãnh đạo phái đoàn đàm phán hạt nhân.

Ngày 29/01 vừa qua, một số hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động làm giàu plutonium đang được tăng cường tại cơ sở hạt nhân Bắc Triều Tiên Yongbyon. Theo các chuyên gia, lò phản ứng 5 megawatt của Bình Nhưỡng tại Yongbyon có khả năng sản xuất được 6 kilogram plutonium một năm, số lượng đủ dùng cho một bom nguyên tử.

Trong tuần qua, một đặc sứ của Hoa Kỳ, ông Sung Kim, đã có chuyến công du Đông Bắc Á, tới Trung Quốc và Hàn Quốc, nhưng không qua Bình Nhưỡng, theo lời mời của chính quyền Bắc Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên đã ra thông báo lên án Washington về chuyện này.

Mục tiêu của các đàm phán Sáu bên là thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ tham vọng vũ khí hạt nhân để đổi lấy các trợ giúp, và một số lợi ích khác cho Bắc Triều Tiên như bảo đảm về an ninh và bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.