Vào nội dung chính
HY LẠP - TRUNG QUỐC

Hy Lạp không muốn nhượng hẳn cảng Pirée, Trung Quốc lo ngại

Trên bến cảng Pirée, hải cảng lớn nhất Hy Lạp, bóng dáng cồng kềnh của những chiếc tàu hàng mang dấu hiệu « Cosco » là biểu tượng cho sự hiện diện của Trung Quốc ở một trong những ngõ vào châu Âu bằng đường biển. Một sự cát cứ lâu dài, theo các chuyên gia, cho dù chính phủ của tân Thủ tướng Tsipras không muốn nhượng lại cơ sở hạ tầng mang tính chiến lược này.

Toàn cảnh hải cảng Pirée của Hy Lạp, 28/01/2015.
Toàn cảnh hải cảng Pirée của Hy Lạp, 28/01/2015. REUTERS/Alkis Konstantinidis
Quảng cáo

Gần hai tuần trước, cũng chính cảng Pirée đã được Thủ tướng phe bảo thủ mãn nhiệm, ông Antonis Samaras chọn lựa làm địa điểm chủ yếu cho chiến dịch tranh cử. Thủ lãnh của liên minh xã hội- bảo thủ, bao quanh là các quan chức Trung Quốc, đã tuyên bố khởi công công trường mở rộng cảng số 3, dự án đầu tư mới của Cosco trị giá 230 triệu euro.

Từ năm 2008, tập đoàn Trung Quốc thông qua chi nhánh Piraeus Container Terminal (PCT), được chuyển nhượng quyền quản lý hai cảng hàng hóa của Pirée. Cosco cũng là một trong những ứng viên muốn mua lại 67% phần vốn do Nhà nước Hy Lạp sở hữu trong công ty cảng Pirée (OLP). Thương vụ này sẽ giúp Cosco có quyền kiểm soát toàn bộ hải cảng chiến lược, nhất là các hoạt động vận chuyển khách, hàng triệu du khách hàng năm và các chuyến phà hàng ngày đến các hòn đảo.

Tham vọng này không kéo dài được bao lâu: vừa lên nắm quyền, chính phủ Tsipras đã loan báo – phù hợp với chương trình tranh cử trước đó – rằng Nhà nước vẫn là sở hữu chủ của OLP, « mang tính chiến lược để tái xây dựng hệ thống sản xuất của đất nước ». « Việc Nhà nước kiểm soát các cảng là một trong những điều kiện của việc tái xây dựng này » - dân biểu đảng Syriza, Theodore Dritsas, từ hôm thứ Hai tuần trước đã trở thành Thứ trưởng Vận chuyển Hàng hải, trong khi tranh cử đã nhấn mạnh như trên.

Liệu Cosco có bị đe dọa trên lãnh địa đã chiếm được ? Thứ trưởng Dritsas tỏ ra mơ hồ, nêu ra trong cùng ngày « việc xem xét lại các hợp đồng với Cosco », và « viễn tượng rộng mở » trong việc hợp tác với Bắc Kinh. Đại sứ Trung Quốc là một trong những người khách đầu tiên được tân Thủ tướng Hy Lạp tiếp đón.

Trung Quốc tuần rồi cho biết « hết sức quan ngại », và hứa hẹn sẽ « cổ vũ chính quyền Hy Lạp bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc tại Hy Lạp, trong đó có Cosco ».

Ông George Xiradakis, cố vấn trong lãnh vực hàng hải phân tích : « Về mặt luật pháp, tôi khó tưởng tượng việc bãi bỏ các hợp đồng đã ký kết với Cosco. Và điều này cũng không có lợi cho chính phủ, khi tính đến trọng lượng của món đầu tư này – một trong những dự án quan trọng nhất trong những năm gần đây tại Hy Lạp ».

Ông nhắc lại, từ năm 2008, sự xuất hiện của Cosco đã đưa cảng Pirée ra khỏi « giấc ngủ mê », và « áp đặt được vai trò của cảng trong bản đồ hàng hải châu Âu, như một điểm đến không thể bỏ qua giữa phương Bắc và phương Nam ».

Chính phủ Samaras khoe rằng hoạt động container tại đây đã tăng gấp tám lần kể từ năm 2008. Cựu Thủ tướng đã nỗ lực tối đa trong quan hệ với Bắc Kinh. Ông đã đến thăm thủ đô Trung Quốc năm 2013, và đến mùa xuân vừa rồi đã đón tiếp Thủ tướng Lý Khắc Cường, hướng dẫn ông này đi thăm cảng Pirée.

Trên bến cảng do tập đoàn Trung Quốc quản lý, những cần cẩu mới đã được thiết trí để đẩy nhanh tiến độ bốc dỡ các container. Trong khu văn phòng của PCT, chi nhánh do thuyền trưởng Fu Cheng Qiu lãnh đạo, tiếp đón khách đến thăm là các bức ảnh xen lẫn đền Parthénon với Vạn Lý Trường Thành – hai nền văn hóa lâu đời mà ông Antonis Samaras chưa bao giờ muốn so sánh.

Nhà phân tích Xiradakis lo ngại : « Nhấn mạnh rằng Pirée là cửa ngõ để Trung Quốc xâm nhập châu Âu và vùng Balkan cũng là một lời mời đưa ra cho các nhà đầu tư trong những lãnh vực khác. Chính phủ Tsipras có thể làm cho những nhà đầu tư này chùn bước ».

Đã có những tập đoàn như Hewlett Packard hay Philip Morris đã chọn lựa cảng Pirée làm căn cứ ở Nam Âu.

Một chuyên gia hàng hải muốn giấu tên dự đoán: « Trung Quốc vẫn sẽ là một đối tác ưu tiên của Hy Lạp ». Từ khi Hy Lạp rơi vào khủng hoảng và Cosco xuất hiện, « OLP đã trở nên cạnh tranh hơn nhiều » - chuyên gia này khẳng định, nhấn mạnh đến những khó khăn đặt ra về các quy định của châu Âu trong cạnh tranh, sự độc quyền của Cosco về quyền sở hữu và quản lý hải cảng.

« Điều này là chưa từng thấy tại châu Âu » - Giorgos Georgakopoulos, chủ tịch nghiệp đoàn khuân vác khẳng định. Ông cũng tố cáo « các điều kiện làm việc bất bình đẳng giữa công nhân của Cosco và OLP » - công nhân có giờ giấc làm việc kéo dài hơn nhưng được trả lương ít hơn, tuy hai cầu cảng chỉ cách nhau có vài trăm mét.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.