Vào nội dung chính
INDONESIA - ĐÔNG NAM Á

100 ngày cầm quyền của Widodo: Mạnh về kinh tế, thụt lùi nhân quyền

Ngày mai, thứ Ba 26/01/2015 đánh dấu 100 ngày ông Joko Widodo, hay còn được người dân Indonesia gọi một cách thân mật Jokowi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước – quốc gia Đông Nam Á đông dân nhất và cũng là nền kinh tế đầu tàu của khu vực. Theo đánh giá của nhiều nhà quan sát, sau 100 ngày, ông Jokowi đã có những thành công đầu tiên trong việc cải cách nền kinh tế, nhưng lại có những thụt lùi trong vấn đề nhân quyền và chống tham nhũng.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải).
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải). REUTERS/Beawiharta
Quảng cáo

Có một điểm mà hầu hết các nhà phân tích đều công nhận, con đường thăng tiến chính trị của Tổng thống Indonesia đương nhiệm lên nhanh như « diều gặp gió ». Xuất thân bình dân, nhưng ông đã từng bước leo lên đến các chức vụ quan trọng như Thị trưởng một thành phố lớn và nhanh chóng chiếm được cảm tình của người dân khi Joko Widodo giữ vị trí Thống đốc Jakarta vào năm 2012.

Trở thành Tổng thống vào năm 53 tuổi, nhưng ông cũng là vị Tổng thống đầu tiên không xuất thân từ những gia đình chính trị-quân sự danh gia vọng tộc và cũng không có chút liên hệ nào với nhà cựu độc tài Suharto – người nắm giữ quyền lãnh đạo đất nước trong suốt 32 năm (từ năm 1967-1998). Thế nhưng những gì « chính phủ ông Widodo làm được trong 100 ngày đầu tiên thì các chính phủ tiền nhiệm phải mất đến ba năm mới xong », theo như những lời tán thưởng của ông Paul Rowland - một nhà phân tích độc lập với AFP. Ông nói tiếp: « Có thể nói Tổng thống đương nhiệm đã có một sự khởi đầu nhiệm kỳ khá tốt ».

Thành tựu kinh tế - chính trị

Về mặt kinh tế, vừa nhậm chức được một tháng, Tổng thống Indonesia đã lần lượt tiến hành cắt giảm trợ cấp giá xăng dầu (chiếm đến 20% ngân sách quốc gia) và cho tăng giá nhiên liệu lên đến 30%. Đây cũng là một phần cam kết mà ông Widodo đưa ra trong quá trình vận động tranh cử. Tuy đây là một chính sách cải cách không mấy hợp lòng dân, do có đến hơn 40% người dân trong tổng số 250 triệu người phải sống dưới ngưỡng hai đô-la/ngày, nhưng trong một chừng mực nào đó lại được nhiều nhà phân tích và tài trợ đánh giá cao. Chính sách này có thể giải tỏa những quỹ quan trọng để phát triển cơ sở hạ tầng, vốn thiếu thốn trầm trọng tại một nước có đến 17.000 hòn đảo và đảo nhỏ.

Cách xử lý vụ tai nạn hàng không của hãng AirAsia trên biển vừa qua (chuyến bay số hiệu QZ8501) đã được người dân và cộng đồng quốc tế hoan nghênh. Ông Widodo tỏ ra cương quyết, ra lệnh xem xét lại các quy định an toàn hàng không và nỗ lực hợp tác chặt chẽ trong việc tìm kiếm và cứu hộ.

Một điểm son nữa cần phải ghi nhận đó là trên lãnh vực chính trị. Tổng thống Indonesia đã quyết định duy trì thể thức phổ thông đầu phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương và vùng (bầu Thị trưởng và Thống đốc bang). Cũng nhờ vào hệ thống bầu cử này mà ông Widodo có thể thăng tiến và nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền. AFP nhắc lại thể thức bầu cử trực tiếp đã từng bị Nghị viện bãi bỏ vào tháng 09/2014, thay bằng thể thức bầu gián tiếp và trở thành một mối đe dọa thật sự cho ông Jokowi vào thời điểm đó.

Nhân quyền và chống tham nhũng đi lùi

Những thành tựu đạt được đó dường như không ngăn cản được sự xói mòn độ tín nhiệm của người dân đối với đương kim Tổng thống. Những người từng đặt nhiều hy vọng vào ông Widodo trong công cuộc chống tham nhũng và cải thiện tình hình nhân quyền đang dần dần tỏ ra thất vọng, nhất là sau khi Tổng thống Indonesia thông báo không khoan dung với những tội phạm buôn thuốc phiện bị kết án tử hình.

Việc Indonesia cương quyết xử tử 6 tội phạm, trong đó có năm người ngoại quốc, đã gây ra một trận bão táp ngoại giao với Brazil và Hà Lan. Hai quốc gia này có công dân bị hành quyết đã lần lượt triệu hồi đại sứ của mình về nước. Bất chấp áp lực quốc tế và cùng lúc hơn 30 tử tù nước ngoài đang chờ ngày hành quyết, việc ông Jokowi tuyên bố sẽ không nhượng bộ có nguy cơ bị chỉ trích mạnh mẽ ngay trong nước.

Theo đánh giá của nhà điều hành Viện Setara bảo vệ Nhân quyền, « hiện nay Indonesia đang thụt lùi ». Bởi vì, trước đây, cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhyono đã từng tuyên bố rằng Indonesia đang hướng tới lệnh đình hoãn án tử hình.

Trên bình diện chống tham nhũng, Tổng thống đương nhiệm cũng đang đối mặt với nhiều chỉ trích gay gắt do việc bổ nhiệm một người đang trong tầm ngắm điều tra tham nhũng lên nắm ngành cảnh sát quốc gia.

Nếu như uy tín của Tổng thống Joko Widodo đang bắt đầu bị sụt giảm trong các điều tra thăm dò, thì vẫn còn rất nhiều người dân nghĩ rằng Jokowi – người được cho là đã cắt đứt với quá khứ chuyên chế  - sẽ đưa được đất nước đi lên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.