Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CONGO

Doanh nghiệp Trung Quốc bị đối lập Congo tấn công ở Kinshasa

Trong tuần qua, xung đột giữa cảnh sát Congo Dân chủ (tên cũ là Zaire) và phong trào phản kháng chống độc tài đã làm cho 40 người chết. Trong cuộc bạo loạn này, hai khu phố của Trung Quốc tại thủ đô Kinshasa bị tấn công cướp phá.

Một người biểu tình bị bắt tại Goma, phía đông Congo Dân chủ, ngày 19/01/2015
Một người biểu tình bị bắt tại Goma, phía đông Congo Dân chủ, ngày 19/01/2015 REUTERS/Kenny Katombe
Quảng cáo

Tình hình Congo căng thẳng khi Tổng thống Joseph Kabila, lên nối nghiệp cha bị ám sát vào năm 2001, sửa đối luật bầu cử để tiếp tục lãnh đạo sau khi hết nhiệm kỳ ba và cuối cùng vào năm 2016.

Để ngăn chận vị Tổng thống này , do Trung Quốc đào tạo từ thời sinh viên, dùng thủ đoạn để bám trụ, đối lập đã kêu gọi biểu tình. Nhưng cuộc biểu tình phản kháng bị cảnh sát đàn áp mạnh. Xung đột làm 40 người chết.

Cuộc biểu tình chính trị biến thành bạo loạn hướng mũi tấn công vào hai khu phố của người Trung Quốc là Ngaba và Kamalu, ở phía nam thủ đô Kinshasa.

Theo chính phủ Congo, hơn 50 cửa hàng của người Trung Quốc mang biển chữ Hán bị đập nát.

Các cửa hàng do người Congo làm chủ, lanh trí viết trước cửa hàng chữ « ya bino moko » (tiệm của các bạn), nên được an toàn.

Theo AFP, sứ quán Trung Quốc thẩm định có chừng 5000 công dân của họ sống tại Congo Dân chủ. Nhưng sự thật số người Trung Quốc ở nước Châu Phi này rất đông, không ai rõ là bao nhiêu. Một số đông là nhân viên của các công ty xây dựng đường xá và khai thác mỏ của Trung Quốc ở Kantaga .

Trong khuôn khổ những hợp đồng to lớn giữa Bắc Kinh và Kinshasa ký vào năm 2007 và 2008, Cogo nhượng cho Trung Quốc độc quyền khai thác những khu quặng mỏ chiến lược để đối lại những món tín dụng của Bắc Kinh.

Loại hợp đồng đặc quyền này, theo giới bình luận Tây phương, đã đưa Congo « vào miệng sư tử ».

Các nhà quan sát được AFP trích dẫn cho rằng những người Trung Quốc bị người Congo chống chế độ Kabila chọn làm mục tiêu tấn công vì họ bị xem là biểu tượng của chính quyền có quan hệ thân thiết với Trung Quốc.

Tuy nhiên, một người bán hàng rong nói rằng « Trung Quốc không phải là lý do duy nhất », doanh nhân Trung Quốc bị đánh vì bị dân địa phương ganh tỵ .

Một nhân viên ngoại giao Trung Quốc xin dấu tên bảo đảm rằng đây chỉ là một vụ tấn công « đơn lẻ » chứ không phải là một « âm mưu chống Trung Quốc ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.